Ngày 8/1/2023, tại Cửa khẩu quốc tế Lào Cai các hoạt động xuất nhập cảnh đã hoạt động trở lại. Thiếu tá Đào Văn Ninh - Trạm trưởng trạm biên phòng cửa khẩu Quốc tế Lào Cai, cho biết hiện trên địa bàn Lào Cai đã khôi phục toàn diện hoạt động xuất nhập cảnh qua các cửa khẩu quốc tế trên địa bàn tỉnh. Từ nay trở đi, cư dân và lái xe của Việt Nam xuất cảnh sẽ không cần phải xét nghiệm Covid-19 mà chỉ cần kê khai y tế theo biểu mẫu giống Việt Nam.
Các cửa khẩu đồng loạt mở cửa
Theo đó, từ ngày 8/1/2023 trở đi, Cửa khẩu quốc tế đường bộ Lào Cai mở từ 7-22h hàng ngày, kể cả ngày nghỉ lễ, Tết cho các đối tượng là người đi dùng hộ chiếu, giấy thông hành biên giới… Tương tự, Cửa khẩu quốc tế đường bộ số 2 Kim Thành mở cửa từ 7-22h hàng ngày cho các đối tượng lái xe vận chuyển hàng hóa qua cửa khẩu. Người xuất nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế thực hiện khai báo y tế và kiểm tra thân nhiệt khi nhập cảnh.
Hiện tại, công tác chuẩn bị điều tiết hàng hóa, luồng tuyến, cấp thị thực, giấy thông hành cho người dân và các doanh nghiệp cũng đang được khẩn trương hoàn thiện.
Tại tỉnh Lạng Sơn, các cửa khẩu với Trung Quốc cũng đã đồng loạt mở cửa trở lại từ 8/1/2023, cho phép người xuất nhập cảnh cùng với hàng hóa. Một điểm tích cực nữa là, Trung Quốc không yêu cầu xét nghiệm PCR đối với người nhập cảnh, trừ trường hợp người đó có biểu hiện bất thường mới phải xét nghiệm.
Theo Thiếu tá Trần Văn Hùng, Phó Trạm trưởng Biên phòng cửa khẩu Hữu Nghị, trong những ngày vừa qua, mỗi ngày, đã có khoảng 1.000 phương tiện xuất nhập khẩu qua địa bàn, không còn ảnh ùn ứ hàng hóa cục bộ như những năm trước. Ngoài các cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh và Chi Ma, mới đây cơ quan chức năng hai nước Việt Nam và Trung Quốc đã nối lại hoạt động thông quan tại cửa khẩu Cốc Nam, góp phần nâng cao năng lực thông quan hàng hóa nông sản, giúp giảm ùn tắc phương tiện tại cửa khẩu.
Theo bà Đoàn Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, trước chủ trương mới của phía Trung Quốc, tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo các ngành chức năng, doanh nghiệp trao đổi kịp thời với cơ quan chức năng nước bạn để thay đổi phương thức giao nhận hàng hóa.
Trước đây Trung Quốc siết chặt các biện pháp phòng chống dịch nên một số phương thức giao nhận hàng hóa rất chặt chẽ, mất thời gian, dẫn tới lượng hàng hóa thông quan suy giảm. Ngành chức năng tỉnh Lạng Sơn cũng đã gửi thư sang phía Trung Quốc thông báo là nhân lực, cơ sở hạ tầng tại tất cả cửa khẩu đều đã sẵn sàng trên cơ sở đáp ứng đầy đủ những yêu cầu phòng chống dịch và hoạt động được ngay khi nước bạn thông quan trở lại.
Thời cơ cho xuất khẩu nông, thủy sản
Việc Trung Quốc bỏ các quy định kiểm soát ngặt nghèo đối với hàng nhập khẩu đang được nhiều ngành hàng nông sản kỳ vọng đẩy mạnh xuất khẩu trở lại vào thị trường này.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhận định Trung Quốc là thị trường tiềm năng với 1,4 tỷ dân, chiếm 19,2% trong cơ cấu thị trường xuất khẩu và vẫn còn nhiều dư địa. Vì vậy, Thủ tướng cũng đã rất quan tâm và chỉ đạo để thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa sang Trung Quốc.
Dẫn chứng về cơ hội tăng trưởng mạnh khi mở cửa được thị trường Trung Quốc, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết trong năm 2022 khi quả sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này, chỉ trong một tháng đã tăng 4,120%. Tới đây, nhờ vào việc ký kết các Nghị định thư, mở cửa biên giới, nhiều sản phẩm được đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc cũng sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, bổ sung thêm, xuất khẩu rau quả vào Trung Quốc luôn chiếm trên 50% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam.
"Việc thị trường Trung Quốc mở cửa, biên giới được khôi phục thông quan trở lại và Việt Nam đã ký kết tham gia 15 hiệp định thương mại tự do sẽ tạo ra động lực lớn cho xuất khẩu rau quả. Dự báo năm 2023 là năm “bùng nổ” xuất khẩu rau quả, nếu như năm 2022 đạt 3,34 tỷ USD thì năm 2023 sẽ cán mốc 4 tỷ USD", ông Nguyên nói.
Các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu điều đều bày tỏ sự vui mừng với việc Trung Quốc mở lại các cửa khẩu. Ông Phùng Văn Sâm, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Hanfimex Việt Nam, nhận định sau hơn 2 năm bị “kìm nén” vì Covid-19, người Trung Quốc sẽ đi du lịch nhiều hơn trong thời gian tới, dẫn đến nhu cầu hạt điều phục vụ khách du lịch tăng lên, qua đó thúc đẩy xuất khẩu hạt điều Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.
Việc mở cửa biên giới vào đúng dịp Tết Nguyên đán 2023, thời điểm tiêu dùng thực phẩm tăng mạnh cũng là cơ hội để các sản phẩm thủy sản sống “ngược dòng” trong dịp đầu năm 2023.
Ông Cui He, Chủ tịch Hiệp hội Tiếp thị và Chế biến sản phẩm thủy sản Trung Quốc (CAPPMA), nhận định tiêu dùng thủy sản ở Trung Quốc sẽ phục hồi, tăng trưởng và dự kiến sẽ hoàn toàn trở lại bình thường trước Lễ hội mùa Xuân vào 22/1/2023.