Điểm sáng xuất khẩu
Theo số liệu thống kê của hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Indonesia 6 tháng năm 2022 đạt 6,90 tỷ USD, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Indonesia đạt 2,30 tỷ USD, tăng 19,7%, chiếm 13% tổng giá trị kim ngạch của Việt Nam sang thị trường các nước ASEAN và chiếm 2% tổng kim ngạch nhập khẩu của Indonesia trong 6 tháng năm 2022.
Thương vụ Việt Nam tại Indonesia cho biết, sự gia tăng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Indonesia nhờ vào một số nhân tố cơ bản, như tình hình dịch Covid-19 của Indonesia tiếp tục được kiểm soát và sự phục hồi của kinh tế Indonesia dẫn tới nhu cầu nhập khẩu gia tăng; giá cả hàng hóa quốc tế tiếp tục xu hướng gia tăng ở nhiều nhóm hàng năng lượng và phi năng lượng. Ngoài ra, trong số 10 nhóm hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Indonesia (chiếm 70% tổng kim ngạch xuất khẩu) có 8/10 nhóm hàng có giá trị tăng trưởng, trong đó các nhóm có giá trị tăng trưởng cao gồm: Chất dẻo nguyên liệu tăng 53,6%, đạt 230 triệu USD; nguyên phụ liệu dệt may, da giày tăng 51%, đạt giá trị 192,4 triệu USD; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 57,5%, đạt 126,5 triệu USD…
So với nhiều thị trường trong ASEAN, thời gian tới, theo Thương vụ Việt Nam tại Indonesia, Indonesia được đánh giá tiếp tuc là thị trường xuất khẩu tiềm năng của hàng hóa Việt Nam. Cụ thể, đây là thị trường có dân số 272 triệu người, lớn thứ tư trên thế giới, quy mô dân số lớn, tiêu dùng hộ gia đình chiếm 57,66% GDP (tương đương 612 tỷ USD). Mặt khác, Indonesia là thị trường dễ tính hơn so với Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản; có nét văn hóa Á Đông gần gũi, khoảng cách địa lý gần giúp giảm chi phí vận chuyển, tăng sức cạnh tranh hàng hóa; thuộc hiệp hội các quốc gia ASEAN nên được hưởng các thuế quan ưu đãi nội khối; hàng hóa Việt Nam cũng đang từng bước khẳng định vị thế tại thị trường Indonesia với giá trị kim ngạch xuất khẩu đang gia tăng theo thời gian; có lợi thế so sánh đối với nhiều nhóm hàng nông, thủy sản…
Doanh nghiệp chủ động ứng phó
Mặc dù có nhiều thuận lợi nhưng thách thức trong việc tiếp cận thị trường Indonesia cũng không ít, trong đó Thương vụ Việt Nam tại Indonesia đã cảnh báo, Indonesia là nước thực hiện chính sách tự chủ về lương thực, thực phẩm (giảm nhu cầu nhập nhập khẩu nông, lâm, thủy sản); hàng hoá Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với hàng hóa của các nước ASEAN khác tại Indonesia. Đặc biệt, Indonesia vốn là thị trường mang tính bảo hộ cao với nhiều hàng rào phi thuế quan, nhất là thường xuyên áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.
Cục Phòng vệ thương mại cho biết, trong số các quốc gia thành viên của ASEAN, Indonesia là một trong bốn quốc gia có sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, trong đó nếu Thái Lan và Malaysia chủ yếu sử dụng biện pháp chống bán phá giá thì Indonesia sử dụng cả biện pháp chống bán phá giá và tự vệ, riêng Philippines chủ yếu sử dụng biện pháp tự vệ. Đối với Việt Nam, tính đến năm 2021, Indonesia đã tiến hành 11 vụ việc phòng vệ thương mại. Tính riêng trong năm 2021, mặc dù Indonesia không khởi xướng vụ việc mới nhưng ban hành kết luận áp thuế đối với 4 vụ việc phòng vệ thương mại.Các mặt hàng bị Indonesia điều tra chủ yếu là các sản phẩm thép, ngoài ra còn có một số sản phẩm như màng bọc BOPP, giấy cuộn thuốc lá, hạt nhựa EPS và quần áo.
Thời gian tới, để tiếp cận và đảm bảo xuất khẩu bền vững sang thị trường Indonesia, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia khuyến nghị, doanh nghiệp cần chủ động xin giấy chứng nhận Halal Indonesia, chứng nhận tiêu chuẩn quốc gia SNI để chủ động thâm nhập thị trường. Đặc biệt, trước các rủi ro về phòng vệ thương mại, các doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động liên hệ, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan Việt Nam trong trường hợp Indonesia khởi xướng các biện pháp phòng vệ thương mại có liên quan tới sản phẩm của doanh nghiệp nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
Cục Phòng vệ thương mại nhấn mạnh, thời gian qua, việc xuất khẩu tăng trưởng nhanh đã thể hiện năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam cũng như vị thế của hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại nhiều thị trường trên thế giới. Vì vậy, giải pháp lâu dài, hữu hiệu nhất là nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng của chuỗi sản xuất trong nước. Chỉ với định hướng này thì ngành sản xuất mới có thể phát triển bền vững, giảm thiểu được nguy cơ bị điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại của các nước nhập khẩu, trong đó có Indonesia.
Trước các thách thức đặt ra đối với doanh nghiệp khi xu thế bảo hộ gia tăng, Cục phòng vệ thương mại xác định tiếp tục làm tốt hơn công tác hỗ trợ, bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, trong đó sẽ đẩy mạnh triển khai công tác dự báo và nâng cao năng lực phòng vệ thương mại.