Tháng 8 năm ngoái là tháng đỉnh dịch Covid - 19 ở khu vực Đồng bằng sông cửu Long, sản xuất thủy sản bị gián đoạn và xuất khẩu rơi xuống mức thấp nhất năm.
Sau khi duy trì ở mức trên 1 tỷ USD liên tiếp từ tháng 3 tới tháng 6, sang tháng 7 xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã giảm xuống dưới 1 tỷ USD, và tiếp tục chiều hướng này trong tháng 8/2022 với doanh số 917 triệu USD, thấp hơn 3% so với kim ngạch trong tháng 7/2022. Tính chung 8 tháng năm 2022, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 7,557 tỷ USD, tăng 35,5% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu cá tra ổn định, tôm tụt dốc nhiều nhất
Xuất khẩu cá tra trong tháng 8/2022 vẫn giữ được phong độ ổn định với kim ngạch trên 187 triệu USD, tăng nhẹ so với tháng trước, nhưng tăng tới 114% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù giá xuất khẩu trung bình cá tra sang các thị trường đã giảm nhẹ so với những tháng trước, nhưng cá tra vẫn là sự lựa chọn của nhiều thị trường trong bối cảnh lạm phát kỷ lục ở nhiều nước.
Trong tháng 8/2022, xuất khẩu cá tra sang tất cả các thị trường đều giữ được tăng trưởng 2-3 con số. Lũy kế 8 tháng, xuất khẩu cá tra đạt gần 1,8 tỷ USD, tăng 81% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 8 tháng của năm 2022, xuất khẩu thủy sản sang Hoa Kỳ đạt trên 1,6 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái; xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 60%, sang EU tăng 95%, sang Hàn Quốc tăng 79%... so với cùng kỳ năm trước.
Theo VASEP.
Trừ thị trường Nga chứng kiến xuất khẩu cá tra bị giảm 12% do xung đột làm gián đoạn xuất khẩu trong tháng 3 và tháng 4, còn lại tất cả các thị trường khác đều ghi nhận mức tăng trưởng 2-3 con số về nhập khẩu cá tra Việt Nam.
Trong đó, kim ngạch cá tra sang Trung Quốc tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ đạt gần 500 triệu USD, chiếm 29%; xuất khẩu cá tra sang Hoa Kỳ chiếm 25% với 428 triệu USD, tăng 90%.
Sau khi đạt mức cao trên 100 triệu USD vào tháng 3 và tháng 4, xuất khẩu cá ngừ giảm dần trong các tháng tiếp theo. Tới tháng 8/2022, xuất khẩu cá ngừ đạt 85 triệu USD, dù vẫn cao hơn 74% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng chỉ tương đương với doanh số trong tháng 7. Tính chung 8 tháng năm 2022, xuất khẩu cá ngừ đạt gần 734 triệu USD, tăng 54% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu mực, bạch tuộc trong tháng 8/2022 tăng 60% so với cùng kỳ năm trước, đạt 66 triệu USD. Lũy kế 8 tháng xuất khẩu mực bạch tuộc đã mang về gần 480 triệu USD.
Trong tháng 8, nhuyễn thể có vỏ có doanh số tăng trưởng âm so với cùng kỳ, giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái vì thời điểm này năm ngoái, nhuyễn thể có vỏ (chủ yếu là ngao) ít bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng năm nay biến động thị trường đã tác động đến xuất khẩu sản phẩm thủy sản này.
VASEP cho biết xuất khẩu tôm tụt dốc nhiều nhất trong các sản phẩm thủy sản, từ mức cao đỉnh điểm 456 triệu USD hồi tháng 5, tới tháng 8 thì xuất khẩu tôm hạ xuống còn 356 triệu USD, cao hơn 26% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó: xuất khẩu tôm chân trắng đạt 285 triệu USD, tăng 32%; xuất khẩu tôm sú đạt 47 triệu USD, giảm gần 7%; xuất khẩu tôm hùm tiếp tục đột phá với mức tăng trưởng 163% trong tháng 8 và luỹ kế 8 tháng tăng gấp hơn 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 8 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm đã chạm mốc 3 tỷ USD, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tôm chân trắng chiếm 76% với 2,2 tỷ USD, tăng 20%, tôm sú có doanh thu 411 triệu USD, tăng gần 10%.
Nguy cơ mất vị thế dẫn đầu về chế biến tôm
VASEP cho biết sản xuất tôm nguyên liệu khó khăn vì các chi phí đầu vào cao và thời tiết bất lợi, trong khi nhu cầu của các thị trường chính chững lại khi lượng tồn kho tăng. Các yếu tố này cùng với tác động của lạm phát khiến cho xuất khẩu tôm sang Hoa Kỳ và Trung Quốc là hai thị trường lớn sụt giảm.
Trong tháng 8/2022, xuất khẩu tôm sang Hoa Kỳ giảm 33%, trong khi xuất khẩu tôm sang Trung Quốc giảm 13%. Với tốc độ tuột dốc nhanh sang Hoa Kỳ, luỹ kế xuất khẩu tôm 8 tháng đầu năm sang thị trường này đã giảm gần 10% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo VASEP.
Theo VASEP, những năm gần đây, ngành tôm Việt Nam tự hào về việc vượt qua Thái Lan để dẫn đầu trong lĩnh vực chế biến hàng giá trị gia tăng, nhờ đó giá bán và lợi nhuận luôn cao hơn.
Cách đây khoảng hơn 10 năm, Thái Lan là nước dẫn đầu về ngành chế biến tôm giá trị gia tăng. Thời đó các doanh nghiệp Việt Nam chỉ mới bắt đầu làm hàng IQF (đông lạnh) nhưng vì giá thành nguyên liệu tăng dần, sản phẩm mất sức cạnh tranh nên buộc phải chuyển hướng làm hàng giá trị gia tăng để tăng sức cạnh tranh. Việt Nam đã nhanh chóng bắt kịp và vượt qua Thái Lan trong lĩnh vực này.
Thời điểm hiện nay, Việt Nam đang đứng đầu thế giới trong lĩnh vực chế biến tôm giá trị gia tăng xuất khẩu. Tuy nhiên, trong bối cảnh lạm phát ở nhiều nước trên thế giới, giá xăng dầu và chi phí vận chuyển cao, sức tiêu dùng giảm mạnh… khiến sức tiêu thụ các sản phẩm tôm cao cấp của Việt Nam giảm mạnh đặc biệt ở các thị trường quan trọng như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản… Thời buổi khó khăn, hàng giá rẻ sẽ dễ bán hơn hàng giá đắt.
TS Hồ Quốc Lực, nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP thực phẩm Sao Ta, cho biết Hoa Kỳ là thị trường tiêu thụ tôm lớn nhất thế giới. Sản phẩm của Việt Nam trong mấy năm gần đây phải cạnh tranh rất vất vả với hàng giá rẻ từ Ấn Độ và Indonesia mà nhất là Ecuador. Đặc biệt trong năm nay chi phí vận chuyển hàng từ Việt Nam sang Hoa Kỳ từ mức 4.000 - 5.000 USD/container (40 feet) tăng thêm 4 - 5 lần.
Tại thị trường Hoa Kỳ, sản phẩm tôm Việt Nam phần lớn nằm ở phân khúc hàng giá trị gia tăng nên chỉ chiếm khoảng 10% thị phần; trong khi đó Ấn Độ và Indonesia chiếm khoảng 20% mỗi nước, còn Ecuador chiếm tới 40% thị phần tôm tại Hoa Kỳ. Ecuador gần Hoa Kỳ nên có lợi thế cạnh tranh hơn.
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP tập đoàn thủy sản Minh Phú, cho rằng hiện chi phí sản xuất tôm nguyên liệu của Việt Nam quá cao. So với Ấn Độ và Indonesia cao hơn khoảng 30%, so với Ecuador cao hơn từ 2,5 - 3 lần do sản xuất manh mún, tự phát và chạy theo các mô hình nuôi tôm công nghệ cao, khép kín…
Dự báo trong những năm tới đây, các nước đối thủ ngành tôm như Ecuador, Ấn Độ, Indonesia sẽ đầu tư máy móc công nghệ để đi vào chế biến sâu sản phẩm tôm.
“Có thể chỉ 5 - 10 năm nữa Việt Nam sẽ mất vị thế dẫn đầu trong chế biến tôm. Để tránh sớm bị vượt mặt trong lĩnh vực này, Việt Nam cần đầu tư ngược lại vào khâu nuôi để giảm giá thành, duy trì sức cạnh tranh cao trên thị trường”, ông Quang khuyến cáo.