Ngành công nghiệp thép khổng lồ của Trung Quốc đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự sụt giảm kéo dài nhiều tháng trong lĩnh vực bất động sản khổng lồ của họ, đẩy giá thép xuống mức thấp nhất trong ba năm vào tháng Năm.
Nhưng nhu cầu mạnh mẽ, chủ yếu từ châu Á và châu Phi, đang giúp hạn chế lượng tồn kho và cho phép các nhà máy thép Trung Quốc tiếp tục hoạt động.
Dữ liệu hải quan Trung Quốc cho thấy xuất khẩu thép của nước này trong 5 tháng đầu năm đã tăng 41% so với cùng kỳ năm trước và các thương nhân cho biết nhu cầu mua ở nước ngoài gần đây được cải thiện.
Các nhà phân tích dự đoán khối lượng thép xuất khẩu của Trung Quốc năm 2023 có thể dễ dàng vượt qua mức 67,32 triệu tấn của năm 2022 để đạt tới 77 triệu tấn.
"Lý do trực tiếp nhất là đồng nhân dân tệ yếu đi có lợi cho xuất khẩu. Ngoài ra, giá xuất khẩu (của Trung Quốc) đang hấp dẫn", Pei Hao, nhà phân tích cấp cao thuộc công ty môi giới quốc tế FIS có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết.
Đồng nhân dân tệ đã mất giá gần 5% so với đồng đô la Mỹ kể từ đầu năm đến nay.
Dữ liệu hải quan Trung Quốc cũng cho thấy xuất khẩu thép của họ đạt 8,36 triệu tấn trong tháng 5, cao nhất kể từ tháng 9 năm 2016, nhưng giá trị thấp hơn 27,5% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 7,7 tỷ USD, hay trung bình là 922 USD/tấn.
Các thương nhân cho biết nhu cầu mạnh mẽ từ Đông Nam Á, Trung Đông và Châu Phi, với chi phí năng lượng cao ở nhiều quốc gia khiến sản xuất thép ở những quốc gia đó kém cạnh tranh hơn so với giá của Trung Quốc.
Hoạt động xây dựng của các dự án của Trung Quốc ở nước ngoài khởi sắc sau 3 năm gián đoạn do hạn chế đi lại trong giai đoạn dịch COVID cũng góp phần đẩy xuất khẩu thép của nước này tăng lên.
"Nhu cầu đối với các sản phẩm thép tấm và thép hình từ Indonesia trong vài tháng qua khá tốt do việc xây dựng các nhà máy cho các dự án do các công ty Trung Quốc đầu tư", Li Peng, giám đốc phụ trách việc mua hàng của International Corporation of the Third Construction Co. Ltd, một công ty con của China State Construction thuộc sở hữu nhà nước, cho biết.
Xuất khẩu mạnh trong 5 tháng đầu năm, cùng với nhập khẩu thép thấp hơn so với cùng kỳ, đã giúp ngăn chặn sự gia tăng hàng tồn kho trong nước, mặc dù nhu cầu trong nước không đạt kỳ vọng.
Tồn trữ 5 sản phẩm thép chính của nước này tính tới 21/6 ở mức 15,44 triệu tấn, thấp nhất kể từ giữa tháng 1 và thấp hơn 30% so với cùng kỳ năm trước, dữ liệu từ công ty tư vấn Mysteel cho thấy.
Hai công ty kinh doanh thép cho biết xuất khẩu thép Trung Quốc trong tháng 6 ước tính giảm, nhưng có khả năng tăng trở lại vào tháng 7 và tháng 8, lưu ý hiện tượng nhu cầu gia tăng gần đây từ Đông Nam Á và Hàn Quốc.
Tomas Gutierrez, người phụ trách bộ phận dữ liệu của công ty tư vấn Kallanish Commodities cho biết, về thị trường nước ngoài, sản xuất thép ở nhiều nước trong khu vực châu Á đang có xu hướng giảm. Ấn Độ đang xem xét áp thuế đối kháng đối với thép nhập khẩu từ Trung Quốc, sau khi áp thuế chống bán phá giá đối với thép không gỉ nhập khẩu vào năm ngoái.
Theo Hiệp hội Thép Thế giới, sản lượng thép ở châu Á và châu Đại Dương đã giảm 6% trong tháng 5.
Trong khi đó, dữ liệu mới nhất từ Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc cho thấy sản lượng gang và thép thô hàng ngày của Trung Quốc đã tăng vào giữa tháng 6 so với mức trung bình của tháng 5. Theo đó, sản lượng gang hàng ngày của Trung Quốc giai đoạn 11-20/6 tăng 0,6% lên 2,45 triệu tấn, trong khi sản lượng thép thô trong cùng kỳ tăng 1,1% lên 2,953 triệu tấn. Trong 20 ngày đầu tháng 6, sản lượng gang và thép thô hàng ngày của nước này tăng lần lượt 1,2% và 2,4% so với mức trung bình hàng ngày trong tháng 5 lên 2,443 triệu tấn và 2,937 triệu tấn. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2022, sản lượng thép thô hàng ngày trong tháng 6 ước tính vẫn thấp hơn khoảng 2%.
Giá thép Trung Quốc có thể sẽ nhanh chóng giảm trở lại
Sau khi giảm thấp vào tháng 5, giá thép tại Trung Quốc đã hồi phục nhanh chóng từ trung tuần tháng 6, chủ yếu do kỳ vọng chính phủ nước này sẽ công bố các biện pháp kích thích kinh tế mới. Điều này cũng khuyến khích sản xuất thép tăng gần đây.
Giá thanh cốt thép trong nước của Trung Quốc đã tăng 5% từ cuối tháng 5 lên 3.750 Nhân dân tệ/tấn (519 USD/tấn) vào ngày 16 tháng 6, dữ liệu của S&P Global cho thấy. Nhưng do nhu cầu trong nước không có dấu hiệu cải thiện song song với giá tăng nên giá thanh cốt thép đến ngày 26 tháng 6 đã giảm xuống 3.680 Nhân dân tệ/tấn.
Tuy nhiên, các nhà giao dịch lo ngại xu hướng tăng giá thép gần đây sẽ chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn sau cuộc họp chính sách cấp quốc gia Trung Quốc sắp diễn ra vào tháng 7 - sẽ quyết định các biện pháp kích thích kinh tế từ nay đến cuối năm.
Thị trường dự đoán sẽ có nhiều biện pháp tài chính và tiền tệ nhằm hỗ trợ lĩnh vực bất động sản và cơ sở hạ tầng để từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc – đang chậm lại. Song, một số người cho rằng tác động từ các biện pháp kích thích tới ngành thép sẽ chỉ ở mức hạn chế.