Kỳ vọng sớm khởi sắc trở lại
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hoa Kỳ 6 tháng đầu năm nay đạt 299 triệu USD, giảm 38%. Tháng 6/2023, xuất khẩu tôm sang Hoa Kỳ giảm 23%, mức giảm thấp nhất kể từ đầu năm. Giá trị xuất khẩu tôm Việt sang Hoa Kỳ trong tháng 6 đạt hơn 71 triệu USD, giá trị cao nhất kể từ đầu năm nay.
Nguyên nhân khiến xuất khẩu tôm của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ sụt giảm là do lạm phát, thắt chặt chi tiêu, tồn kho lớn; giảm động lực nhập khẩu do lãi suất tăng. Mặt khác, nguồn cung vào thị trường tăng lên từ các nước như Ấn Độ, Ecuador, Indonesia.
Đáng chú ý, giá thành nuôi tôm của Việt Nam cao so với các đối thủ cạnh tranh do chi phí vận hành và quản lý đối với mô hình sản xuất nhỏ lẻ, không tối đa hóa được hiệu quả của nguyên liệu đầu vào.
“Kỳ vọng giá tôm thấp tại Hoa Kỳ đã tạo đáy và mức tiêu thụ tôm cho dịp cuối năm tăng”, VASEP nhận định.
Việt Nam hiện đứng thứ 4 về nhập khẩu tôm vào thị trường Hoa Kỳ do Việt Nam đa dạng hóa sản phẩm và chuỗi cung ứng trong nuôi trồng thủy sản và các nước xuất khẩu (theo báo cáo KIS Vietnam Securities Corp công bố tháng 4/2023).
Mặc dù các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam có giá kém cạnh tranh hơn nhưng danh tiếng về sản phẩm chất lượng cao đã thúc đẩy xuất khẩu tôm Việt Nam giữ vị trí Top 4 với tốc độ tăng trưởng kép 18,9% trong 5 năm qua.
Nhận định về thị trường xuất khẩu 6 tháng cuối năm, ông Phạm Quang Huy - Tham tán nông nghiệp - Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ - đánh giá, lãi suất không tăng, kỳ vọng lạm phát dần được kiểm soát cùng với sức mua đang phục hồi trở lại. Kỳ vọng thị trường tôm ở Hoa Kỳ sớm khởi sắc trong năm 2024.
Cũng theo ông Phạm Quang Huy, thông tin thị trường và chính sách tại Hoa Kỳ minh bạch, ổn định. Đối tác và bạn hàng Hoa Kỳ ổn định, có tính cam kết chặt chẽ. Uy tín doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cũng đã được khẳng định. Giá thực phẩm thiết yếu và thực phẩm bổ sung tăng giúp cải thiện giá trị gia tăng nếu quản lý và vận hành chuỗi tốt. Đây là những yếu tố thuận lợi cho xuất khẩu tôm của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ thời gian tới.
Để đẩy mạnh xuất khẩu tôm vào thị trường Hoa Kỳ, ông Phạm Quang Huy cũng khuyến nghị các doanh nghiệp trong nước cần tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị từ khâu ươm giống, sản xuất, chế biến, phân phối và tiêu thụ sản phẩm; phát triển các mô hình nuôi tôm giúp hạ giá thành sản phẩm, tiệm cận với giá của các đối thủ cạnh tranh,….
Tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn sản xuất, an toàn thực phẩm, ghi nhãn, đăng ký các tiêu chuẩn về môi trường, lao động, nguồn gốc xuất xứ. Lưu giữ đầy đủ hồ sơ quá trình sản xuất, chế biến để truy xuất thông tin và phục vụ các đợt thẩm tra tại chỗ của các cơ quan chức năng Hoa Kỳ.
Bên cạnh đó, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tìm hiểu thị hiếu người tiêu dùng, nắm rõ các quy định, luật lệ và yêu cầu của liên bang cũng như tiểu bang. Luôn đáp ứng yêu cầu chất lượng, vệ sinh thực phẩm; nâng cao hàm lượng chế biến, đa dạng hóa sản phẩm (tôm bao bột, ăn liền, tempura…).
Tích cực quảng bá, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, chủ động tiếp cận các kênh phân phối chính thức và chuyên biệt bao gồm hệ thống các siêu thị châu Á và người Việt. Đẩy mạnh sử dụng kênh thương mại điện tử, đặc biệt trong bối cảnh bình thường mới. Phát triển các mô hình liên kết sản xuất, các nhà cung cấp nguyên liệu.
Và những lưu ý khi có các vụ kiện liên quan đến vụ kiện phòng vệ thương mại
4 quốc gia châu Á có sản phẩm tôm tương đồng cao bao gồm: Việt Nam, Ấn Độ, Thái Lan và Trung Quốc. Năm 2004, tôm Việt Nam bị Bộ Thương Mại Hoa Kỳ khởi xướng điều tra và kết luận áp thuế chống bán phá giá 4,30% đến 25,76%. Đến tháng 7/2016, DOC dỡ cho 01 doanh nghiệp Việt Nam. Sau đợt rà soát hành chính POR 13, Việt Nam có 2 bị đơn bắt buộc và 29 công ty được hưởng thuế suất riêng rẽ mức 0%.
Ngày 1/6/2023, Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) đã đưa ra thông báo nhất trí giữ nguyên lệnh áp thuế chống bán phá giá đối với tôm nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam sau đợt rà soát cuối kỳ lần thứ ba sau 5 năm lần thứ ba. Các mức thuế, được tiếp tục trong đợt rà soát hoàng hôn năm 2017, là 4,94-15,36% đối với Ấn Độ; 5,91-6,82% đối với Thái Lan; và 4,30-25,76% đối với Việt Nam. Mức thuế đối với Trung Quốc dao động từ 0,07-112,81%.
Cơ quan Hải Quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ cho biết khoảng 4,4 triệu USD tiền thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đã thu được sẽ sẵn sàng để phân bổ.
Tôm chỉ chiếm 3.270 USD trong thuế chống bán phá giá được thu và có sẵn để phân phối trong năm tài khóa 2023, theo Liên minh Tôm miền Nam (Hoa Kỳ). Các mức thuế này áp dụng cho hàng nhập khẩu từ Brazil, Ecuador, Ấn Độ và Thái Lan vào Mỹ trước ngày 1/10/2007.
Liên quan đến các vụ kiện phòng vệ thương mại đối với mặt hàng tôm tại thị trường Hoa Kỳ, ông Phạm Quang Huy khuyến nghị, khi có vụ kiện/tranh chấp xảy ra, các doanh nghiệp cần tích cực hợp tác với cơ quan thẩm quyền Hoa Kỳ nhẳm cung cấp tài liệu chứng minh hoạt động của doanh nghiệp.
Thường xuyên trao đổi với các cơ quan chức năng của Việt Nam để nắm bắt thông tin cần thiết và được hướng dẫn cụ thể.
Xây dựng hệ thống truy xuất, dây chuyền sản xuất từ tôm nguyên liệu đến thành phẩm. Lưu giữ tài liệu, hệ thống kế toán minh bạch, thuận tiện để có thể cung cấp trong thời gian ngắn, đáp ứng yêu cầu của phía Hoa Kỳ.
Hợp tác, cung cấp thông tin cho các cơ quan thẩm quyền của 2 nước trong việc kiểm tra dữ liệu, xác minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Chủ động chia sẻ thông tin qua các hiệp hội ngành hàng và phối hợp tích cực với các cơ quan quản lý nhà nước trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến các rào cản thương mại và kỹ thuật.