Nguy cơ xung đột giữa lực lượng Hamas của Palestine và Israel lan rộng ở Trung Đông đang đặt ra rủi ro mới đối với nền kinh tế toàn cầu, đúng vào lúc thế giới đang hồi phục từ hai cú sốc lớn khác là đại dịch Covid-19 và chiến tranh Nga-Ukraine. Đây là cảnh báo được bộ trưởng bộ tài chính và quan chức các nước tham dự chuỗi sự kiện thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới ở Morocco trong tuần vừa rồi.
Các quan chức có mặt tại hội nghị cho rằng nếu tiếp tục leo thang và lan rộng, cuộc xung đột Hamas-Israel sẽ gây ra ảnh hưởng lớn đối với kinh tế toàn cầu. Chuỗi sự kiện IMF-WB diễn ra trong bối cảnh Israel tuyên bố chiến tranh với Hamas và mở một chiến dịch không kích mạnh chưa từng thấy nhằm vào dải Gaza.
Triển vọng kinh tế thế giới đã xấu càng xấu thêm
“Nếu có bất kỳ sự leo thang hay lan rộng nào của xung đột ra toàn bộ khu vực, chúng ta sẽ đối mặt với những hậu quả lớn”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Pháp Bruno Le Maire nói với tờ báo Financial Times. Ông Le Maire nói thêm rằng rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu từ xung đột ở Trung Đông rất đa dạng, từ giá năng lượng leo thang thổi bùng lạm phát cho tới niềm tin suy giảm.
Tổng giám đốc IMF, bà Kristalina Georgieva, cảnh báo rằng một “đám mây mới đang nổi lên giữa bối cảnh không mấy sáng sủa của nền kinh tế toàn cầu”. Lời cảnh báo này phản ánh nỗi lo ngại của các đại biểu tham dự đại hội về triển vọng trung hạn đầy ảm đạm của nền kinh tế thế giới.
Trong một đánh giá bi quan khác được phát đi từ Mỹ, CEO Jamie Dimon của ngân hàng JPMorgan Chase gọi đây là “thời điểm nguy hiểm nhất mà thế giới từng phải đối mặt trong nhiều thập kỷ”.
Nhưng có một tin tốt là các quan chức có mặt tại thủ đô Marrakech để dự chuỗi sự kiện IMF-WB lần này bày tỏ tin tưởng rằng các ngân hàng trung ương đã kiềm chế được lạm phát mà không gây ra suy thoái kinh tế - tránh được rủi ro mà hồi tháng 4 IMF cảnh báo là nền kinh tế toàn cầu có thể “hạ cánh cứng”. Nhà kinh tế trưởng Pierre-Oliver Gourinchas của IMF nói rằng có vẻ như các ngân hàng trung ương đã thắt chặt chính sách tiền tệ, hạn chế tăng trưởng tín dụng và hạ nhiệt thị trường lao động một cách “không quá tay”.
Tuy nhiên, tâm trạng chung tại chuỗi sự kiện ngày càng xấu đi cùng với dòng tin tức về cuộc chiến Hamas-Israel, sự kiện làm gia tăng thêm những bấp bênh vốn dĩ đã có từ trước trong nền kinh tế toàn cầu. Phân tích của IMF cho thấy các xu hướng tăng trưởng dài hạn của kinh tế thế giới đang xấu đi, khi các nền kinh tế chật vật tăng năng suất lao động, các hàng rào thương mại được dựng lên ngày càng nhiều giữa căng thẳng địa chính trị gia tăng, và nợ công tăng lên ở khắp các nền kinh tế.
Trong các dự báo ngắn hạn mà IMF đưa ra tại chuỗi sự kiện lần này - được chuẩn bị trước khi nổ ra chiến sự ở Gaza - hầu như không có những điểm sáng rõ rệt ngoài một vài nền kinh tế như Mỹ và Ấn Độ.
“Không có một sự tăng tốc nào ở đây cả. Tôi không nghĩ là sẽ có một chất xúc tác nào lớn cho kinh tế thế giới trong khoảng một năm tới”, bà Joyce Chang - trưởng bộ phận nghiên cứu toàn cầu của JPMorgan Chase nhận định.
Rủi ro lạm phát, nợ nần
Giới chức cho rằng rủi ro kinh tế chính đối với thế giới sau sự kiện Hamas không kích Israel hôm 7/10 là nguy cơ leo thang chiến sự ở Gaza dẫn tới một cuộc khủng hoảng trên diện rộng ở Trung Đông. Một sự leo thang như vậy không chỉ gây tổn thất niềm tin mà còn có thể làm gia tăng áp lực lạm phát ở các nền kinh tế chỉ mới bắt đầu phục hồi sau loạt cú sốc giá cả.
IMF cho rằng cứ 10% tăng thêm trong giá dầu sẽ khiến tốc độ lạm phát toàn cầu tăng thêm 0,4 điểm phần trăm.
Phó tổng giám đốc IMF, bà Gita Gopinath, nói rằng thế giới đang đối mặt cùng lúc nhiều cú sốc, bao gồm xung đột ở Trung Đông và ảnh hưởng tiềm năng của xung đột này đến giá năng lượng. “Mức nợ tại các nền kinh tế đang cao kỷ lục và thế giới phải đối mặt với môi trường lãi suất cao hơn lâu hơn. Có nhiều thứ có thể đi trệch hướng”, bà nói thêm.
Trao đổi với Financial Times, ông Paschal Donohoe, người đứng đầu Eurogroup - “câu lạc bộ” của các bộ trưởng tài chính thuộc khối sử dụng đồng euro - nói rằng câu hỏi lớn về kinh tế là liệu xung đột Hamas-Irael có ảnh hưởng đến các kỳ vọng lạm phát và tác động ra sao đến nỗ lực giảm lạm phát của các ngân hàng trung ương trong năm 2024. Ông Donohoe dự báo nền kinh tế châu Âu sẽ tiếp tục tăng trưởng ngay cả khi xung đột ở Trung Đông tiếp diễn, nhưng tốc độ tăng trưởng sẽ thấp hơn so với kỳ vọng trước đó.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết bà giữ nguyên dự báo cho rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ “hạ cánh mềm”. Tại một cuộc họp báo diễn ra tuần vừa rồi, bà Yellen nói bà không cho là xung đột Hamas-Israel “là một nhân tố có thể ảnh hưởng lớn đến triển vọng kinh tế toàn cầu”.
Tuy nhiên, giới chức nhấn mạnh rằng cuộc khủng hoảng xảy ra đúng vào thời điểm nền kinh tế thế giới đang ở trong một trạng thái mong manh. Trong trung hạn, kinh tế toàn cầu được dự báo tăng trưởng chậm chạm, chỉ đạt mức 3,1% vào năm 2028. Trước đại dịch Covid-19, triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu sau 5 năm là 3,6%, và trước khủng hoảng tài chính toàn cầu, triển vọng tương tự là 4,9%.
Hơn 80% số nền kinh tế trên thế giới đang đối mặt với triển vọng xấu hơn so với ở thời điểm cách đây 15 năm - theo IMF, vì các lý do từ năng suất lao động tăng chậm lại cho tới tăng trưởng dân số chậm lại.
Ngoài ra, nền kinh tế toàn cầu đang phân mảnh thành những khối cạnh tranh, một xu thế được cho là khó đảo ngược và có khả năng gia tăng do căng thẳng địa chính trị. Năm nay, IMF đã ước tính rằng riêng rào cản thương mại gia tăng đã có thể khiến sản lượng kinh tế toàn cầu giảm tới 7% trong dài hạn.
Chưa kể, thế giới còn đang đối mặt với các rủi ro tài khoá. Tỷ lệ nợ công so với tổng sản phẩm trong nước (GDP) toàn cầu được dự báo sẽ vượt 100% vào cuối thập kỷ này. Điều này làm dấy lên lo ngại về bền vững nợ, vào đúng thời điểm mà bà Chang miêu tả là “không thuận lợi” đối với kinh tế toàn cầu.
Tình trạng bán tháo gần đây trên thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ - bộ phận lớn nhất của thị trường tài chính thế giới - đang đẩy lãi suất trên toàn cầu tăng đúng vào thời điểm các ngân hàng trung ương ngừng mua trái phiếu và các chính phủ tăng phát hành nợ - bà Chang giải thích.
Phát biểu tại phiên họp cuối cùng của chuỗi sự kiện IMF-WB, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde nhấn mạnh tình thế hiện nay đặt ra nhiều rủi ro như thế nào đối với nền kinh tế toàn cầu. “Đang có nhiều quả bóng đang được ném đi trong không khí, và chúng ta không thể biết chính xác chúng sẽ rơi xuống đâu”, bà Lagarde nói.