Đồng yen chịu sức ép khi sức mạnh của đồng bạc xanh tăng lên. Ảnh: Reuters.
Đồng yen đã rơi xuống mức thấp nhất 24 năm so với đồng USD hôm 12/10. Theo Reuters, sức mạnh của đồng bạc xanh tăng lên khi giới đầu tư chờ đợi báo cáo lạm phát tháng 9 của Mỹ và tác động của tình hình lạm phát với bước đi tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Trong khi đó, đồng bảng Anh cũng rơi xuống mức yếu nhất trong vòng 2 tuần so với đồng USD. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) Andrew Bailey nhắc lại rằng BoE sẽ dừng chương trình mua lại trái phiếu khẩn cấp vào cuối tuần, và yêu cầu các quỹ hưu trí hoàn thành tái cân bằng những vị thế mua và bán trong khung thời gian này.
Đồng AUD, vốn nhạy cảm với rủi ro, đã rơi xuống mức thấp nhất trong 2 năm rưỡi.
Trong vòng một năm qua, đồng USD tăng mạnh so với đồng yen Nhật Bản và những đồng tiền lớn khác. Ảnh: Trading Economics.
Giảm mạnh so với USD
Tại châu Á, đồng USD ghi nhận mức tăng 0,3% lên 146,3 yen đổi 1 USD, sau khi chạm ngưỡng 146,35 yen đổi 1 USD, mức cao nhất kể từ tháng 8/1998.
Đồng yen Nhật Bản rất nhạy cảm với chênh lệch lợi suất trái phiếu dài hạn giữa Mỹ và Nhật Bản. Lãi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ có lúc vọt lên 4,0006%. Trong khi đó, lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn tương đương của Nhật Bản được Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) chốt gần ngưỡng 0.
Hôm 22/9, giới chức Nhật Bản lần đầu can thiệp mua vào đồng yen kể từ năm 1998, sau khi đồng tiền nước này rơi xuống 145,9 yen đổi 1 USD.
Đồng yen Nhật Bản nhạy cảm với chênh lệch lợi suất trái phiếu dài hạn giữa Mỹ và Nhật Bản. Ảnh: Reuters.
Hôm 12/10, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki cho biết các nhà chức trách sẽ can thiệp vào thị trường ngoại hối nếu cần thiết. Ông khẳng định điều quan trọng là tốc độ trồi sụt của tiền tệ.
"Tốc độ, chứ không phải mức độ biến động, sẽ quyết định việc Nhật Bản có can thiệp vào thị trường ngoại hối hay không", ông Joseph Capurso - chiến lược gia tiền tệ tại Commonwealth Bank of Australia - bình luận.
Như vậy, BoJ có thể không can thiệp ngay cả khi tỷ giá USD/JPY vượt ngưỡng 145,9 - mức được can thiệp trước đó, miễn là tỷ giá không tăng đột ngột.
Báo cáo lạm phát của Mỹ
Báo cáo CPI (chỉ số giá tiêu dùng) tháng 9 được Mỹ công bố hôm 13/10 có thể dẫn tới những biến động lớn trên thị trường ngoại hối. Tuần trước, báo cáo việc làm của Mỹ đã làm dấy lên lo ngại rằng Fed sẽ tiếp tục mạnh tay tăng lãi suất để đối phó với lạm phát tăng cao.
"Điều này khiến kịch bản Fed tiếp tục tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 11 càng trở nên chắc chắn hơn", ông Jeffrey Roach - chuyên gia kinh tế trưởng tại LPL Financial - bình luận.
"Báo cáo cho thấy người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ vẫn có thể chống chịu trước những khó khăn do xung đột Nga - Ukraine, lãi suất tăng cao và thị trường nhà ở suy yếu", ông Roach nói thêm.
Chỉ số USD - đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh với rổ gồm 6 đồng tiền lớn, bao gồm đồng yen, euro và bảng Anh - đã tăng lên 113,54, mức cao nhất kể từ ngày 29/9.
Việc Fed và các ngân hàng trung ương trên thế giới tiếp tục thắt chặt chính sách ảnh hưởng tiêu cực tới triển vọng kinh tế toàn cầu. Ảnh: Nikkei Asia.
Trong khi đó, đồng bảng Anh rơi xuống 1,09485 USD đổi 1 bảng Anh, mức thấp nhất kể từ ngày 29/9, rồi phục hồi về 1,0947 USD đổi 1 bảng Anh sau những bình luận của Thống đốc BoE.
Trong khi đó, đồng euro rơi xuống mức thấp nhất kể từ ngày 29/9, 0,967 USD đổi 1 euro.
Còn đồng AUD của Australia đã giảm xuống mức 0,62395 USD đổi 1 AUD, thấp nhất kể từ tháng 4/2020.
Các thị trường rủi ro cũng nhuộm trong không khí bi quan do những lo ngại về việc Fed và các ngân hàng trung ương trên thế giới tiếp tục thắt chặt chính sách.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 11/10, chỉ số Nasdaq thiên về công nghệ của Mỹ mất 115,91 điểm, tương đương 1,1%, xuống 10.426,19 điểm. Chỉ số S&P 500 lao dốc 0,65% về 3.588,84 điểm, riêng chỉ số trung bình công nghệ Dow Jones nhích nhẹ 0,12%.