Chỉ số Dollar index – so sánh rổ các tiền tệ chủ chốt - lúc kết thúc phiên 16/1 ở mức 102,2619, gần như không thay đổi so với kết thúc phiên giao dịch liền trước (13/1), song trước đó có lúc đã giảm rất sâu, xuống mức thấp nhất 7 tháng, là 101,77, do sức mạnh của đồng bảng Anh và yen Nhật. Hiện tượng bán tháo đồng USD kéo dài từ tuần trước vẫn đang tiếp diễn sang tuần này, sau khi dữ liệu cho thấy giá tiêu dùng của Mỹ tháng 12 giảm lần đầu tiên sau 2,5 năm liên tục tăng.
Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất mạnh mẽ là động lực chính khiến chỉ số Dollar index tăng 8% vào năm ngoái, trước khi các dấu hiệu cho thấy lạm phát đạt đỉnh và khiến chỉ số này giảm trở lại.
Đồng đô la phần lớn được giao dịch ổn định so với hầu hết các loại tiền tệ kể từ sau những dữ liệu kinh tế của tuần trước. Tuy nhiên, việc hầu hết thị trường Mỹ đóng cửa nghỉ lễ vào ngày 16/1 khiến giao dịch trở nên thưa thớt.
Đồng euro đạt mức cao nhất 9 tháng vào đầu phiên 16/1, là 1,0874 USD, trước khi giảm xuống 1,0816 USD/EUR, giảm 0,16% so với phiên liền trước, trong khi đô la Australia lần đầu tiên kể từ tháng 8 năm ngoái phá vỡ ngưỡng trần quan trọng, là 0,7000 USD, trước khi giảm trở lại mức 0,6962 AUD.
Với việc lạm phát cao nhất hàng thập kỷ tại nền kinh tế lớn nhất thế giới đang có dấu hiệu hạ nhiệt, các nhà đầu tư ngày càng tin tưởng rằng Ngân hàng trung ương Mỹ sắp kết thúc chu kỳ tăng lãi suất, và đỉnh lãi suất sẽ không cao như lo ngại trước đây.
"Còn quá sớm để hình dung về một xu hướng giảm đáng kể của đồng đô la. Chắc chắn một số người đã định giá lại đồng tiền này, nhưng để USD suy yếu trên diện rộng, cần phải biết kỳ vọng thực sự của Fed, trong khi gần như không có khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào một thời điểm nào đó trong tương lai gần, và chúng ta không biết thời điểm đó", Samy Chaar, nhà kinh tế trưởng của Lombard Odier cho biết.
Các thị trường hiện đang dự đoán có 91% khả năng Fed sẽ tăng lãi suất 25 điểm cơ bản sau cuộc họp tháng 2, trong khi khả năng tăng 50 điểm chỉ có 9%.
Sau một phiên liên tục biến động, đồng USD đã lấy lại một phần vị thế so với bản Anh, kết thúc ngày thứ Hai ở mức giảm 0,3% xuống 1,2195 USD/GBP.
BOJ là tâm điểm chú ý của thị trường lúc này
Trọng tâm đặc biệt của thị trường tiền tệ trong tuần này là đồng yên Nhật, do suy đoán rằng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) có thể sẽ tiết chế chính sách kích thích siêu lớn của mình kể từ cuộc họp tuần này bằng việc sẽ thực hiện các điều chỉnh tiếp theo hoặc từ bỏ hoàn toàn chính sách kiểm soát lợi suất tại cuộc họp dự kiến kết thúc vào thứ Tư (18/1).
Đồng USD giảm xuống mức thấp nhất hơn 7 tháng so với yen Nhật vào đầu phiên 16/1, trước khi hồi phục về cuối phiên và tăng 0,4% lên 128,4 JPY.
Việc yen Nhật giảm mạnh vào đầu phiên là do tin đồn BOJ có thể tổ chức một cuộc họp khẩn cấp vào thứ Hai (16/1) khi họ đấu tranh để bảo vệ mức lãi suất trần mới trước tình trạng bán ồ ạt tiền USD, đẩy đồng bạc xanh xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2022.
Tuy nhiên, ngoài những lo ngại rằng BOJ có thể buộc phải từ bỏ nỗ lực kéo dài hàng thập kỷ nhằm kích thích giá cả tăng ở nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, niềm tin của nhà đầu tư vẫn được giữ vững trong bối cảnh các dấu hiệu suy thoái kinh tế của châu Âu có thể không nặng nề như lo ngại.
"Tôi nghĩ rằng cả thế giới sẽ tập trung vào thứ Tư ... và có lẽ biến động tỷ giá các đồng tiền chủ chốt trong cả tuần này sẽ được xác định bởi những gì xảy ra với đồng yên," Ray Attrill, người phụ trách mảng chiến lược ngoại hối của Ngân hàng Quốc gia Úc (NAB) cho biết.
"Tôi không nghĩ (BOJ) có nhiều thời gian để nói rằng họ sẽ đánh giá và đợi đến quý 2 hoặc ông Kuroda sẽ kết thúc nhiệm kỳ của ông ấy mà không thực hiện thêm bất kỳ thay đổi nào", ông Attrill nói.
Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda sẽ từ chức vào tháng Tư.
Các nhà đầu tư đã thúc ép BOJ thay đổi chính sách tiền tệ cực kỳ nới lỏng, khiến lợi suất trái phiếu chính phủ 10 năm của Nhật Bản tăng vượt qua mức trần mới của ngân hàng trung ương trong hai phiên liên tiếp.
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc tiếp tục phá vỡ các mức trần để đạt mức cao nhất trong vòng 6 tháng do được hưởng lợi từ dòng vốn tiếp tục đổ vào nhờ hy vọng kinh tế nước này phục hồi sau đại dịch.
Đồng nhân dân tệ giao dịch ở cả trong và ngoài nước đều mạnh lên, vượt qua mức quan trọng về mặt tâm lý là 6,7 nhân dân tệ đổi một đô la vào đầu phiên do việc Bắc Kinh bất ngờ từ bỏ chính sách Zero COVID vào tháng 12 đã củng cố dòng vốn nước ngoài mạnh mẽ đổ vào thông qua liên kết Stock Connect.
Người nước ngoài đã mua ròng cổ phiếu Trung Quốc trị giá 64 tỷ nhân dân tệ (9,55 tỷ USD) thông qua Chương trình kết Stock Connect trong hai tuần đầu tiên của năm nay và dòng vốn này đã tăng trở lại vào thứ Hai.
Trên thị trường giao ngay, đồng nhân dân tệ tăng 23 pip trong phiên 16/1, kết thúc ở mức 6,6977 CNY. Trên thị trường quốc tế, nhân dân tệ cũng tăng lên 6,7061 CNH.
Thị trường chứng khoán toàn cầu tiếp tục tăng điểm nhờ tâm lý lạc quan về nền kinh tế toàn cầu, lạm phát đang được kiểm soát và Trung Quốc mở cửa trở lại.
Chỉ số chứng khoán châu Âu STOXX 600 tăng 0,3% trong phiên 16/1, trong khi chỉ số MSCI của châu Á trừ Nhật Bản tăng 0,37%.
Đồng Bitcoin tiếp tục tăng mạnh, kết thúc phiên 16/1 ở mức 21.103 USD. Tâm lý lạc quan của thị trường tiếp tục thúc đẩy các tài sản rủi ro cao, trong đó có tiền điện tử.
Giá vàng giảm nhẹ khỏi mức cao nhất trong hơn 8 tháng, nhưng vẫn giữ trên mức quan trọng 1.900 USD/ounce do kỳ vọng Fed sẽ bớt quyết liệt hơn trong việc tăng lãi suất.
Giá vàng giao ngay kết thúc phiên giảm 0,3% xuống 1.914,16 USD/ounce, sau khi đạt mức cao nhất kể từ cuối tháng 4, 1.929 USD. Giá vàng kỳ hạn tháng 2 giảm 0,3% xuống còn 1.917,30 USD.
Carlo Alberto De Casa, nhà phân tích của Kinesis Money, cho biết: "Thực tế là vàng đã vượt qua mức 1.915 USD trong vài ngày qua là một tín hiệu tích cực và hiện tại vàng vẫn đang củng cố giá trị. các nhà đầu tư dự đoán Fed sẽ tăng lãi suất ở các mức nhỏ hơn".