Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bao gồm Cục Thú y, Cục Chăn nuôi, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đã cùng phối hợp triển khai các giải pháp thúc đẩy nhanh vấn đề khai thông xuất khẩu chính ngạch sản phẩm tổ yến và các sản phẩm từ yến, sữa và các sản phẩm từ sữa… sang các thị trường tiềm năng, nhất là thị trường Trung Quốc.
Cửa chính ngạch sắp mở cho yến sào
Từ năm 2018, yến sào là một trong các sản phẩm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán và gửi hồ sơ đến Tổng cục Hải quan Trung Quốc để được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Theo kế hoạch ban đầu, các cuộc đàm phán sẽ kết thúc và Nghị định thư sẽ được ký kết vào đầu năm 2021. Tuy nhiên, do bị trở ngại bởi dịch Covid-19, quá trình đán phán đã bị gián đoạn, và kéo dài hơn so với kế hoạch.
"Với sản phẩm tổ yến, chúng ta đã tổ chức đàm phán trực tuyến nhiều lần với Trung Quốc sớm xuất khẩu chính ngạch tổ yến sang thị trường này. Đến thời điểm này, hai bên đã thống nhất được tất cả các vấn đề cần đàm phán, để sẽ ký kết Nghị định thư về xuất khẩu tổ yến chính ngạch sang Trung Quốc trong quý 3 năm 2022”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến thông tin.
Đến thời điểm này, đã có 3 quốc gia được Trung Quốc cho phép xuất khẩu chính ngạch mặt hàng tổ yến và yến sào vào nước này, đó là Malaysia (từ năm 2014), Indonesia (từ năm 2015) và Thái Lan (từ năm 2017). Việt Nam sẽ trở thành quốc gia thứ 4 được xuất khẩu tổ yến theo đường chính ngạch vào Trung Quốc.
Theo Cục Chăn nuôi, ngành yến của Việt Nam đang có nhiều cơ hội phát triển và tiềm năng mang lại giá trị kinh tế cao.
Hiện nay cả nước có 22.087 nhà nuôi chim yến, với sản lượng tổ yến thu hoạch hàng năm trên dưới 120 tấn (giá trị tương đương 450 triệu USD), chiếm khoảng 3% sản lượng tổ yến toàn cầu.
Các sản phẩm chế biến từ tổ yến từ lâu đã là món ăn cao lương mỹ vị ở các quốc gia Đông Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Triều Tiên, Việt Nam. Hiện yến sào là một trong những món ăn được làm từ động vật đắt đỏ nhất trên thế giới, ở Hongkong giá của một bát canh tổ yến khoảng 60 USD.
Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết Trung Quốc là một thị trường cực kỳ lớn cho yến sào Việt Nam, khi thủ tục được khơi thông thì toàn bộ sản lượng yến của Việt Nam cũng không đủ cung cấp cho họ.
Trung Quốc là thị trường tiêu thụ yến sào lớn nhất thế giới. Năm 2017, doanh thu bán yến chỉ trên trang mạng xã hội Alibaba của Trung Quốc đạt doanh số khoảng 2 tỉ USD. Các số liệu chuyên ngành yến sào tại Trung Quốc cho biết nhập khẩu yến sào chính ngạch vào Trung Quốc năm 2019 là 180 tấn, năm 2020 là 220 tấn và năm 2021 ước tính 300 tấn.
Hiện mỗi năm, Malaysia xuất khẩu sản phẩm tổ yến vào Trung Quốc đạt giá trị hơn 500 triệu USD.
Cần quản lý chặt nghề nuôi yến và kiểm soát chất lượng sản phẩm
Theo Chi hội nhà yến Việt Nam, khảo sát nhu cầu của một doanh nghiệp ở Phúc Kiến (Trung Quốc) cho thấy, hiện sản lượng yến của Việt Nam có thể xuất khẩu chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu của họ. Vì vậy, khi nghị định thư xuất khẩu chính ngạch yến sang Trung Quốc được ký kết thì cơ hội cho ngành hàng triệu USD này ngày càng rộng mở.
Hiện Chi hội Nhà yến Việt Nam đã có danh sách những nhà yến cho sản lượng cao ở nhiều địa phương tham gia chương trình xuất khẩu. Chi hội cũng đã xây dựng trung tâm sơ chế và trung tâm kiểm định chất lượng yến sào tại TP.HCM để sẵn sàng khi Trung Quốc mở cửa là có thể xuất khẩu ngay.
Trong khi Cục Chăn nuôi đưa ra thông tin cả nước khoảng 22.000 nhà nuôi yến, thì thống kê của Chi hội nhà yến Việt Nam cho thấy thực tế đã vượt con số 30.000 nhà nuôi yến. Sở dĩ có sự sai khác này, là do nhiều chủ nhà yến chưa thực hiện khai báo với cơ quan quản lý.
Bà Đỗ Tú Quân, Chủ tịch Chi hội nhà yến Việt Nam.
Bà Đỗ Tú Quân, Chủ tịch Chi hội nhà yến Việt Nam, cho biết những năm gần đây, các doanh nhân Việt Nam đã xuất khẩu tiểu ngạch các mặt hàng yến sào vào Trung Quốc.
Việt Nam cũng từng xuất khẩu chính ngạch sản phẩm chế biến từ tổ yến đảo (loại khai thác trong tự nhiên), nhưng do số lượng yến đảo khai thác được rất ít, nên lượng xuất khẩu loại này không đáng kể.
Sản lượng yến tại Việt Nam chủ yếu là yến nuôi (yến nhà) sẽ trở thành mặt hàng chủ lực xuất khẩu trong thời gian tới. Tuy nhiên, số lượng nhà yến tăng mạnh từ năm 2018 đến nay, mang tính tự phát, không theo tiêu chuẩn, quy chuẩn nào, gây khó khăn trong việc quản lý cho các cơ quan quản lý nhà nước.
Hầu hết các chủ nhà yến tự thu hoạch tổ yến, tự sơ chế tại nhà và bán nhỏ lẻ. Dẫn đến nước ta tuy đã có nhiều thương hiệu yến sào nhưng chất lượng chế biến chưa đạt yêu cầu cạnh tranh quốc tế. Sản phẩm yến sào Việt Nam hiện nay chủ yếu là xuất dưới dạng thô, giá trị thấp qua đường tiểu ngạch do thương lái, đầu nậu thu gom.
“Trở ngại lớn nhất đối với thương mại yến sào, là hiện vẫn còn nhiều nhà yến vệ sinh không sạch sẽ dẫn tới hàm lượng nitrat trong tổ rất cao, khiến tổ yến không đạt tiêu chuẩn chất lượng để xuất khẩu. Hiệp hội đã hướng dẫn chủ nhà yến sửa sang, vệ sinh lại nhà yến để khắc phục những hạn chế. Việc xuất khẩu yến sào sang thị trường Trung Quốc, sẽ phải được thực hiện dưới sự kiểm soát chặt chẽ về chất lượng nhằm đảm bảo uy tín cho thương hiệu yến sào Việt”, bà Quân nhấn mạnh.