Yêu cầu này vừa được nhấn mạnh trong văn bản của Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông gửi các doanh nghiệp viễn thông di động ngày 15/10/2023.
Theo đó, Cục Viễn thông yêu cầu các nhà mạng nghiêm chỉnh thực hiện cam kết với lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông về việc ngừng cung cấp SIM thuê bao di động qua các đại lý. Các doanh nghiệp viễn thông cũng phải quản lý, kiểm tra, giám sát, xử lý các đại lý và nhân viên vi phạm.
Các doanh nghiệp Viettel, Vietnamobile, MobiFone cũng nhận được yêu cầu kiểm tra, xác minh nội dung mà báo chí đã phản ánh, đồng thời xử lý các đại lý và nhân viên vi phạm cam kết. Doanh nghiệp phải báo cáo kết quả xử lý về Cục Viễn thông trước ngày 18/10/2023 để Cục Viễn thông tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông.
Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông, các nhà mạng đã cam kết với Bộ sẽ rà soát, đánh giá, dừng những đại lý vi phạm, phát triển thuê bao rác ra thị trường theo hình thức này từ ngày 10/9/2023 và chỉ tập trung phát triển các kênh chính của doanh nghiệp, kênh chuỗi có uy tín.
Các doanh nghiệp sẽ cân nhắc những kênh nào đảm bảo giám sát, kiểm soát được mới phát triển thuê bao. Chỉ có phát triển thuê bao một cách chặt chẽ mới hạn chế được tình trạng SIM rác, SIM không chính chủ ra thị trường. Đây được coi là bước ngoặt trong cuộc chiến chống SIM rác, cuộc gọi rác và cuộc gọi lừa đảo.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã thực hiện những biện pháp quyết liệt, tiến hành thanh tra toàn quốc các đại lý và nhà mạng để phát hiện và xử lý những sai phạm về đăng ký thông tin thuê bao.
Theo chia sẻ của Cục Viễn thông, mục tiêu của Bộ Thông tin và Truyền thông là ngăn chặn vấn nạn SIM rác và làm "sạch" thông tin cá nhân của khách hàng. Cục Viễn thông sẽ xử lý nghiêm với những nhà mạng vi phạm các quy định về quản lý thông tin thuê bao.
SIM rác trở thành vấn nạn, đang gây nhiều hệ lụy cho xã hội trong đó có tình trạng lợi dụng SIM rác để thực hiện các hành vi lừa đảo trên không gian mạng.
Theo thống kê, mỗi tháng có khoảng 1,5 triệu SIM được các nhà mạng phát hành ra thị trường. Trong đó, khoảng 80% SIM được bán ra từ các đại lý, 20% còn lại được bán từ các kênh chuỗi như các hệ thống cửa hàng điện máy và qua kênh phân phối của chính các nhà mạng.
Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai 82 đoàn thanh tra việc chấp hành pháp luật về quản lý thông tin thuê bao dịch vụ viễn thông di động mặt đất tại nhiều tỉnh thành, địa phương. Hoạt động thanh tra được thực hiện đồng loạt trên cả nước với 8 doanh nghiệp viễn thông di động, chi nhánh, điểm cung cấp dịch vụ viễn thông và các tổ chức, cá nhân đăng ký số lượng lớn SIM thuê bao.
Qua thanh tra cho thấy, cơ bản các sim này được đại lý bán ra thông qua thuê người đăng ký đứng tên, có đầy đủ thông tin chính xác. Có tình trạng nhiều người sẵn sàng đứng hộ tên để đăng ký thuê bao. Điều này dẫn đến một thuê bao có thông tin đăng ký thật, tên tuổi, địa chỉ thật nhưng thực ra nằm trong tay người sử dụng khác. Do vậy, một bộ phận người dùng đã tiếp tay dẫn đến vấn nạn SIM không chính chủ.
Theo các chuyên gia, để ngăn chặn tình trạng sim rác tồn tại, lưu thông trên thị trường, giải pháp quan trọng nhất là quản lý, giám sát phát triển thuê bao chặt chẽ. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xử lý nghiêm các doanh nghiệp tiếp tục vi phạm, để xảy ra tình trạng này, đình chỉ phát triển thuê bao mới từ 3-12 tháng.