Ra mắt toàn cầu vào năm 2018, TikTok chỉ mất 3 năm để đạt được 1 tỷ người dùng. Trong khi Facebook, Instagram hay Youtube đều cần đến 8 năm, thậm chí Twitter sau 16 năm hoạt động vẫn chưa đạt được cột mốc này.
Theo báo cáo tháng 7 của DataReportal, TikTok đang xếp hạng 6 trong nhóm 17 mạng xã hội có lượng người dùng cao nhất nhưng lại là ứng dụng giữ chân được khách hàng lâu nhất, trung bình thời gian sử dụng TikTok là 23,6 giờ/tháng.
Mùa hè năm ngoái, TikTok Shop lần đầu ra mắt tại Indonesia và Vương quốc Anh, bắt đầu mở rộng sang Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Malaysia và Singapore từ tháng 4 năm nay.
Nửa đầu năm 2022, tổng khối lượng hàng hóa (Gross Merchandise Value - GMV) của TikTok Shop cho hoạt động thương mại điện tử vượt 1 tỷ USD, tương đương với khối lượng cả năm 2021, hãng truyền thông Trung Quốc - LatePost đưa tin. So với giá trị 36,4 tỷ USD của Shopee trong cùng kỳ, TikTok đương nhiên vẫn thua kém hơn hẳn.
Thế nhưng, nếu Shopee mất hơn 1 năm và Lazada cần đến 3 năm để GMV cán mốc 1 tỷ USD thì TikTok Shop đã đạt được thành tựu trên trong vòng chưa đầy 1 năm ra mắt.
Với lượng khách hàng tiềm năng cực lớn - hơn 1 tỷ người dùng trên toàn cầu, trong đó khu vực Đông Nam Á (thị trường trọng điểm của TikTok Shop) có đến 265 triệu tài khoản. Lựa chọn thị trường đúng đắn là bước đệm quan trọng cho sự phát triển của TikTok Shop.
Khai phá kỷ nguyên shoppertainment
Không đơn thuần chỉ là mạng xã hội, TikTok thực chất là nền tảng thương mại xã hội (social commerce) thịnh hành nhất hiện nay.
Thuật toán của ứng dụng khiến nội dung hiển thị trên trang chủ được cá nhân hoá. Từ đó, kích thích khách hàng mua những sản phẩm theo sở thích, xu hướng dù có thể họ chưa thực sự có nhu cầu.
Trước khi bắt đầu với TikTok Shop, ứng dụng này đã tiên phong cho trào lưu tiếp thị liên kết (affiliate marketing) giúp người dùng dễ dàng chuyển tiếp đến một ứng dụng khác để mua hàng, thông qua đường link được gắn trên TikTok.
Minh hoạ hình thức mua hàng thông qua đường link tiếp thị liên kết.
Nhờ tiếp thị liên kết, nhiều đơn hàng phát sinh từ những review, quảng cáo trên TikTok, mở ra trào lưu #TikTokMadeMeBuyIt (tạm dịch: TikTok khiến tôi mua nó).
Tuy nhiên, quá trình đặt hàng không cần phải diễn ra trên nền tảng này. Đơn hàng có thể được thực hiện trên sàn thương mại điện tử, thậm chí là các trang mạng xã hội đối thủ như Facebook, Instagram.
Tại ngày 27/9, lượt xem các video có hashtag #TikTokMadeMeBuyIt lên đến 23,8 tỷ, gấp gần 4 lần tổng dân số thế giới.
Người dùng hưởng lợi khi mua được mặt hàng ưng ý, các KOLs, influencers (người có ảnh hưởng với một cộng đồng trên internet) nhận hoa hồng thông qua đường link liên kết, các sàn thương mại điện tử phát sinh thêm giao dịch.
Còn TikTok nắm bắt được toàn bộ dữ liệu về hành trình và thói quen mua hàng của người dùng. Và TikTok Shop xuất hiện, phá đảo cục diện thị trường thương mại điện tử.
Tiktok Shop đang làm được điều Shopee và Lazada chưa làm được - nền tảng kết nối vững chắc. Tiktok thành công trong việc kết nối trải nghiệm khách hàng từ giải trí đến mua sắm.
TikTok đang chứng minh mình là một ứng dụng đa nhiệm tốt nhất hiện nay khi có thể đáp ứng nhu cầu của đa số người dùng thông qua shoppertainment (mua sắm online kết hợp giải trí).
ByteDance - công ty sở hữu TikTok định vị TikTok Shop là bước phát triển tiếp theo trong mua sắm trực tuyến. Gây nghiện hơn vì được hỗ trợ bởi thuật toán của TikTok và thú vị hơn khi được xếp lớp vào cuộn video lướt đến vô tận.
Sử dụng TikTok Shop, người bán có thêm nút mua sắm hiển thị ngay trên video hoặc trang cá nhân của họ, cho phép khách hàng mua sắm mà không cần rời khỏi ứng dụng.
Minh hoạ hình thức mua hàng thông qua TikTok Shop.
Tiếp nối trào lưu mua sắm trực tiếp
Mua sắm trực tiếp, kết hợp giữa mua sắm (shopping) và phát trực tiếp (livestream), cho phép người bán và người mua tương tác với nhau theo thời gian thực thông qua video được phát trực tiếp.
Nền công nghiệp này đã thịnh hành tại Trung Quốc trong hơn một thập kỷ, ước tính trị giá 305 tỷ USD vào năm 2021, theo Coresight Research.
Tính năng này phổ biến trên toàn cầu nhờ sự “tiếp tay” của Facebook. Tuy nhiên, mới đây, Facebook đã thông báo sẽ dừng tính năng mua sắm trực tiếp vào tháng 10 để tập trung phát triển các tính năng khác.
Đây chính là cơ hội cho TikTok Shop đánh chiếm phân khúc này. Dù Shopee và Lazada đều đã giới thiệu tính năng mua sắm trực tiếp nhưng chưa thực sự tạo được tiếng vang.
Lướt nhanh TikTok vào khung giờ vàng, không khó để bắt gặp hàng loạt livestream bán hàng có liên kết đến TikTok Shop.
Trở ngại lớn nhất của TikTok là chuyển mình từ một mạng xã hội thành nền tảng tích hợp mua sắm. TikTok vẫn bị mặc định là một công cụ giải trí thay vì kênh mua sắm hữu ích.
Nếu ở các sàn thương mại điện tử khác, khách hàng phải tìm kiếm sản phẩm dựa trên nhu cầu của bản thân. Tại TikTok, người dùng chỉ cần dừng lại xem một video bất kỳ, những video tương tự sẽ hiển thị ngay sau đó khiến họ bị kích thích bởi nội dung giới thiệu sản phẩm, livestream bán hàng. Từ đó, người dùng dễ phát sinh nhu cầu dù trước đó không có.
Để đứng vững trên thị trường thương mại điện tử cạnh tranh khốc liệt, TikTok Shop sẽ phải đối mặt với những thách thức tương tự các sàn thương mại điện tử hiện nay như chi phí hoa hồng, phương thức thanh toán, logistics, chất lượng hàng hoá, giá cả…
Theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company, quy mô thương mại điện tử của Việt Nam hiện đạt giá trị 21 tỷ USD và dự kiến sẽ tăng lên 57 tỷ USD vào năm 2025.
Số liệu tháng 7 của DataReportal chỉ ra có đến 60,7% người dùng internet từ 16 đến 64 tuổi tại Việt Nam mua sắm trực tuyến mỗi tuần.
Dù “sinh sau đẻ muộn” nhưng dư địa phát triển vẫn còn, tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của TikTok Shop sẽ đe dọa các sàn thương mại điện tử thuần Việt như Tiki, Sendo để giành lấy thị phần thương mại điện tử tại Việt Nam, nhăm nhe bước vào top 3 để đối đầu với Shopee và Lazada.