Vào ngày 8/1, Trung Quốc chính thức mở cửa biên giới trở lại sau 3 năm. VNDirect nhận định hàng không sẽ là ngành đầu tiên được hưởng lợi nhờ sự mở cửa của Trung Quốc.
Trước dịch, lượng khách quốc tế của thị trường Trung Quốc chiếm 35% tổng lượng khách quốc tế của Việt Nam. Do đó, việc Trung Quốc mở cửa sẽ hỗ trợ mạnh cho triển vọng hồi phục của hàng không quốc tế Việt Nam.
Giá vé 22-50 triệu đồng
Hiện, giá vé máy bay đến các thành phố của Trung Quốc dao động từ 22 triệu đồng đến hơn 50 triệu đồng. Tuy nhiên, rất hiếm các chuyến bay thẳng từ Hà Nội hay TP.HCM đến Bắc Kinh, Thượng Hải hay Quảng Châu trong giai đoạn này. Hành khách buộc phải nối chuyến 2-3 chặng với thời gian chờ đợi kéo dài.
Theo khảo sát của Zing, giá vé rẻ nhất từ TP.HCM đến Bắc Kinh là 27 triệu đồng khứ hồi với các chuyến bay của Vietnam Airline, Cathay Pacific, Hong Kong Airlines, China Southern. Theo đó, hành khách phải quá cảnh ở Thái Lan, Hong Kong hoặc Nhật Bản.
Giá vé rẻ nhất để bay thẳng đến Thượng Hải từ TP.HCM là 32 triệu đồng khi bay thẳng với Vietnam Airlines. Nếu bay nối chuyến với giá vé từ 22 triệu đồng đến 30 triệu đồng, hành khách phải quá cảnh ở Thái Lan, Đài Loan hoặc Hàn Quốc.
Các chuyến bay từ TP.HCM đến Quảng Châu chỉ có một số chuyến bay với giá từ 23 triệu đồng đến 27 triệu đồng. Còn lại, các chuyến bay đều ở mức từ 36 triệu đồng đến 46 triệu đồng với các chuyến bay nối chuyến và có 1-2 trạm dừng.
Theo Google Flight, giá vé các chuyến bay Việt Nam đến Trung Quốc ở giai đoạn này đang ở mức cao. Từ giữa tháng 2 sang đến đầu tháng 3, giá vé sẽ rẻ hơn khoảng 30-50%.
Trước đây, Việt Nam có 2 hãng hàng không là Vietnam Airlines Group và Vietjet Air khai thác các đường bay đến Trung Quốc. Theo kế hoạch, Vietnam Airlines tiếp tục khai thác chặng Hà Nội - Nam Kinh/ Thượng Hải; TP.HCM - Thâm Quyến/ Hàng Châu/ Thượng Hải/ Tứ xuyên/ Quảng Châu với 6 chuyến mỗi tuần.
Từ tháng 3, hãng sẽ tăng dần tần suất khai thác đến Thượng Hải, Bắc Kinh, Quảng Châu, ưu tiên đường bay thường lệ.
Pacific Airlines (thành viên của Vietnam Airlines Group) hiện khai thác các đường bay Hà Nội - Hàng Châu/ Nam Ninh với tần suất 2 chuyến/tuần. Hãng có kế hoạch khai thác thêm đến Quảng Châu và Phúc Châu từ mùa hè 2023.
Vietjet cũng đang khai thác đường bay TP.HCM - Thâm Quyến/ Hàng Châu/ Thượng Hải/ Tứ Xuyên/ Vũ Hán với tổng 6 chuyến/ tuần.
Từ 23/1, Vietjet sẽ khai thác thêm đường bay Cam Ranh - Tràng Sa/ Thành Đô/ Hạ Phì. Đến cuối tháng 3, Vietjet dự kiến khai thác 85 đường bay, trong đó có 60 đường bay đã có slot.
Bamboo Airway là “tân binh" tại thị trường Trung Quốc. Hãng này đã có 2 chuyến bay đầu tiên từ Hà Nội đến Thiên Tân của Trung Quốc, vận chuyển gần 400 khách vào ngày 6/12. Chia sẻ với Zing, Đại diện Bamboo Airways cho biết đã đặt kế hoạch khai thác 20-30 đường bay thường lệ, thuê chuyến đến Trung Quốc.
Thách thức
Trước mắt các hãng hàng không Việt Nam là giai đoạn với nhiều khó khăn và thách thức khi những slot bay lịch sử với Trung Quốc đã được khôi phục hoàn toàn, nhưng thị trường dự kiến phải phục hồi từng bước.
Trong khi Vietnam Airlines và VietJet phải tìm giải pháp để giữ slot lịch sử, "tân binh" lần đầu tiếp cận thị trường Trung Quốc như Bamboo Airways và Vietravel Airlines đặt mục tiêu thiết lập slot mới tại thị trường này.
Trong báo cáo vừa gửi Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam đánh giá giai đoạn đầu khôi phục hoàn toàn đường bay tới Trung Quốc, việc duy trì tần suất bay như trước dịch (đặc biệt với các điểm Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu) để giữ được slot lịch sử cho mùa hè 2024 sẽ là bài toán khó đối với hãng bay Việt Nam.
Thông lệ của ngành hàng không yêu cầu các hãng bay phải duy trì tần suất tối thiểu 80% so với lượng slot được cấp tại một sân bay để đảm bảo giữ slot lịch sử cho năm sau. Nếu khai thác ít hơn, lượng slot dư thừa (lịch sử) có nguy cơ bị thu hồi.
“Ngay giai đoạn đầu mà yêu cầu các hãng khai thác đủ 80% số chuyến so với giai đoạn trước dịch (2019) thì sẽ khó, vì thị trường khó phục hồi nhanh như vậy" - ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng Ban Kế hoạch và Phát triển của Vietnam Airlines nói.