Báo cáo hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam năm 2022 do Nextrans nhận định, Việt Nam là một trong những điểm đến lý tưởng nhất cho các nhà đầu tư tại khu vực Đông Nam Á.
Nền kinh tế số đạt 23 tỷ USD vào năm 2022 và đang trên đà đến mốc 50 tỷ USD vào năm 2025. Việt Nam cũng là thị trường phát triển nhanh nhất của khu vực nhờ sự bùng nổ của lĩnh vực thương mại điện tử. Theo StartupBlink, Việt Nam có đủ động lực tăng trưởng để vượt qua vị trí hiện tại của Thái Lan (xếp thứ 53 thế giới và thứ 4 Đông Nam Á) nếu vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng của hệ sinh thái.
Điểm đến của các nhà đầu tư giai đoạn đầu
Từ năm 2021 đến 2022, hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam cũng chứng kiến sự gia nhập ngày càng nhiều của nhà đầu tư giai đoạn đầu, mới thành lập muốn mở rộng sang thị trường Việt Nam, hoặc huy động vốn mới tập trung vào Việt Nam. Các nhà đầu tư tin tưởng vào triển vọng dài hạn của Việt Nam bất chấp suy thoái kinh tế cũng như tình trạng "mùa đông" của nguồn vốn đang diễn ra.
Theo DealstreetAsia, Việt Nam đã ghi nhận 11 quỹ đầu tư mạo hiểm giai đoạn đầu tập trung vào thị trường bao gồm AVV, Do Ventures, Nextrans, ThinkZone, Touchstone Partners, VinaCapital Ventures,... Đã có 371 triệu USD được các quỹ huy động và mục tiêu giai đoạn 2023-2024 là 200 triệu USD. Ngoài ra, kể từ năm 2021, đã có nhiều thương vụ được thực hiện bởi các quỹ tập trung vào Việt Nam nói trên, chứng tỏ họ là một trong những nguồn lực hỗ trợ quan trọng nhất cho các nhà khởi nghiệp giai đoạn đầu tại Việt Nam hiện nay. Trái lại, số lượng quỹ giai đoạn sau vẫn ở mức vừa phải, hầu hết đều là quỹ khu vực hoặc toàn cầu.
Không "miễn nhiễm" với suy thoái
Dẫu Việt Nam là một trong những điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư dài hạn nhưng mặt khác, hệ sinh thái khởi nghiệp cũng không tránh khỏi các tác động từ suy thoái và biến động.
Các nhà đầu tư mạo hiểm đã trở nên thận trọng hơn khi đầu tư vào các công ty khởi nghiệp. Điều này khiến cho số thương vụ đầu tư giảm một nửa, giá trị giao dịch giảm 1/3 so với năm 2021.
Thống kê của Nextrans cho biết, mặc dù các hoạt động của startup giai đoạn đầu vẫn diễn ra mạnh mẽ nhưng tổng đầu tư đã giảm đáng kể vào năm 2022 do không có nguồn tài trợ cho startup giai đoạn cuối. Điều này phản ánh nhu cầu cần có nhiều doanh nghiệp có khả năng mở rộng hơn nữa để thu hút các quỹ đầu tư.
Sau mức đỉnh năm 2021, tổng số vốn đầu tư vào các công ty khởi nghiệp năm 2022 chỉ đạt 855 triệu USD (giảm 40% so với mức 1,4 tỷ USD năm 2021), số thương vụ cũng giảm từ 165 (năm 2021) xuống còn 85. Các nhà đầu tư chọn lọc hơn về các giai đoạn đầu tư và thẩm định trong các công ty khởi nghiệp. Xét về giai đoạn, phần lớn vốn chảy vào các công ty khởi nghiệp giai đoạn đầu, trong khi đầu tư vào giai đoạn sau tương đối ít. Các nhà đầu tư hiện đang xem xét nghiêm túc khả năng sinh lời của công ty và tính khả thi để thoái vốn các khoản đầu tư của mình.
TMĐT và Fintech trở thành trụ cột
TMĐT và Fintech (công nghệ tài chính) là hai lĩnh vực vẫn duy trì sức hút lớn của mình đối với nguồn vốn mạo hiểm khi chiếm lần lượt 31% và 26% tổng số vốn đầu tư vào startup năm 2022. Logistics & Vận tải theo sau, đóng góp 15%. Edtech (công nghệ giáo dục) và Medtech & Healthcare (Công nghệ y học) lần lượt chiếm 6% và 5% tổng vốn đầu tư.
Các thương vụ Foodtech, Proptech và SaaS chiếm tổng cộng 8%. Các giao dịch của các ngành khác chiếm 9% còn lại, chủ yếu đến từ các công ty khởi nghiệp trong ngành Truyền thông, Blockchain hoặc du lịch.
Xu hướng tìm vốn vay
Báo cáo của Nextrans còn chỉ ra, năm 2022 bắt đầu chứng kiến nhu cầu vay tín dụng từ các startup tăng cao. Nhiều công ty khởi nghiệp có xu hướng chọn cách bảo đảm tài chính từ các ngân hàng và tổ chức tín dụng tư nhân để ngăn chặn việc định giá công ty giảm qua các vòng.
Một trong những thương vụ nổi bật là khoản vay 60 triệu USD của Be Group từ Deutsche Bank. Các thỏa thuận khác có thể kể đến như khoản vay 60 triệu USD của F88 từ CLSA Capital Partners vào tháng 11 năm 2022, khoản tài trợ 10 triệu USD từ Lendable và khoản vay 135 triệu USD của VinFast từ Ngân hàng Phát triển Châu Á.
Từ Quý 2/2022, các khoản đầu tư vào startup giai đoạn cuối (thuộc series B) chịu nhiều áp lực. Giá trị trung bình cho các vòng này đã giảm do môi trường gây quỹ gặp khó khăn, việc hiệu chỉnh lại định giá và sự thận trọng của nhà đầu tư ngày càng tăng.
Mặt khác, các thương vụ vòng Seed (hạt giống) và Series A tiếp tục tăng trưởng. Tuy nhiên, các giao dịch ở giai đoạn đầu cũng có thể chịu áp lực vì nhà đầu tư có thể có xu hướng hỗ trợ các công ty hiện có trong danh mục thay vì đánh cược vào những gương mặt mới.