Chỉ số Dollar index (DXY) – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt - kết thúc phiên thứ Sáu (20/1) giảm 0,05% xuống 102,005. Sau một tuần giao dịch trong thế ‘phòng thủ’, DXY kết thúc tuần với mức giảm 0,19%, và tính từ đầu tháng 1 đến nay mất khoảng 1,4% giá trị, sau khi đã giảm gần 8% trong 3 tháng cuối năm 2022, khi các nhà đầu tư bắt đầu tính đến khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ có xu hướng giảm trong tháng Một, nhưng đã tăng trong 2 phiên giao dịch gần đây nhất (thứ Năm và thứ Sáu).
Các nhà đầu tư đang chờ đợi cuộc họp đầu tiên của Fed trong năm 2023, sẽ diễn ra vào tháng 2, để xem liệu họ sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản hay 50 điểm cơ bản như đã làm vào tháng 12, sau 4 lần liên tiếp tăng 75 điểm mỗi lần. Nhìn chung các nhà đầu tư rất kỳ vọng vào việc Fed sẽ tiếp tục giảm tốc độ thắt chặt tiền tệ.
Các nhà kinh tế của ING cho biết việc cả thị trường theo dõi chặt chẽ tình hình tăng trưởng của Mỹ khiến đồng USD vẫn dễ bị ‘tổn thương’ mỗi khi có dữ liệu kinh tế được công bố, khiến tỷ lệ dự đoán về mức lãi suất dao động mạnh hàng ngày.
John Doyle, phó chủ tịch phụ trách giao dịch của Monex USA, cho biết: "Chúng tôi liên tục nói với khách hàng của mình rằng 'vâng, đồng đô la đang yếu đi, nhưng chỉ là tương đối yếu so với mức gần đây". "Chỉ hơn một năm trước, nếu tôi nói với bạn rằng bạn có thể mua đồng euro với giá 1,08 đô la, bạn sẽ nghĩ tôi là kẻ nói dối."
Đồng euro kết thúc phiên 20/1 tăng 0,25% lên 1,0856 USD, trong khi bảng Anh gần như không thay đổi, ở mức 1,2397 USD, sau khi dữ liệu của Vương quốc Anh cho thấy doanh số bán lẻ trong tháng 12 bất ngờ giảm do người tiêu dùng ở Anh mua sắm ít hơn nhưng chi nhiều hơn.
Đáng chú ý, hoạt động chốt lãi đã làm giảm đà tăng của đồng USD so với đồng yen vào thứ Sáu, nhưng đồng USD vẫn kết thúc phiên này tăng so với yen, và tính chung cả tuần tăng mạnh nhất so với yen kể từ đầu tháng 12 do đồng tiền Nhật Bản vẫn ở trạng thái ‘phòng thủ’ sau khi Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) nhắc lại rằng ngân hàng trung ương sẽ duy trì chính sách tiền tệ cực kỳ nới lỏng.
Tỷ giá cặp tiền đô la/yên lúc đầu phiên giao dịch đã tăng mạnh nhất kể từ ngày 5/12, là 130,62 JPY/USD, sau khi Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda, trong bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, vào thứ Sáu, cho biết ngân hàng trung ương Nhật sẽ tiếp tục chính sách tiền tệ "cực kỳ hỗ trợ" như hiện tại để đạt mục tiêu lạm phát 2% một cách ổn định, bền vững. Mặc dù hạ nhiệt sau đó, nhưng USD vẫn kết thúc ngày thứ Sáu với mức tăng 0,88% đạt ở 129,56 JPY - mức tăng lớn nhất kể từ ngày 4/1, rời xa khỏi mức thấp nhất 7 tháng chạm tới vào thứ Hai (16/1), và tính chung cả tuần tăng 1,32%, là mức tăng nhiều nhất kể từ tuần kết thúc vào ngày 9/12.
Trong phiên thứ Sáu, cặp JPY/USD là một trong số ít những cặp tiền có tỷ giá biến động mạnh. Ông Doyle của Monex USA đã chỉ ra nguyên nhân bởi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vào tuần tới ở châu Á. "Vào lúc 3 giờ ngày thứ Sáu, chúng tôi thấy có hiện tượng bán mạnh USD trước kỳ nghỉ cuối tuần dài. Đây là một tuần bận rộn đối với đồng yên: giảm khá nhiều so với đồng đô la ngay cả khi đã hồi phục mạnh trong mấy tiếng cuối phiên."
Các nhà đầu cơ đặt cược rằng BOJ, ngân hàng trung ương lớn cuối cùng vẫn áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng, đang hướng tới việc chuyển sang lập trường chính sách chặt chẽ hơn. Điều đó đã thúc đẩy sự phục hồi của đồng yên, đẩy tỷ giá đồng yen/đô la giảm 14% trong 3 tháng qua.
Dữ liệu vào thứ Sáu cho thấy giá tiêu dùng cốt lõi của Nhật Bản trong tháng 12 đã tăng 4,0% so với một năm trước đó, gấp đôi mục tiêu của BOJ.
Michael Hewson, chiến lược gia trưởng của CMC Markets, cho biết: "Nhật Bản hiện đang gặp phải vấn đề lạm phát chưa từng có trong gần 40 năm qua.
Ông nói: "Theo tôi, tỷ giá JPY/USD sẽ giảm, và vấn đề chỉ là tốc độ giảm sẽ nhanh đến mức nào?"
Marc Chandler, giám đốc chiến lược thị trường của Bannockburn Global Forex ở New York, cho biết ông nghĩ rằng đồng đô la sẽ quay trở lại phạm vi 130-135 yen. "Nếu bạn cho tôi biết hướng của lợi suất Mỹ, tôi có thể cho bạn biết hướng của đồng yen/đô la."
Trong khi đó, nhân dân tệ lao dốc khi số ca nhập viện do COVID ở Trung Quốc tăng cao nhất kể từ đầu đại dịch làm lu mờ triển vọng tăng trưởng kinh tế của nước này.
Số người nhập viện vì COVID-19 ở Trung Quốc đã tăng 70% lên 63.307 trong tuần tính đến ngày 15/1, theo báo cáo hàng tuần của Tổ chức Y tế Thế giới công bố hôm thứ Năm. Dữ liệu làm dấy lên lo ngại rằng làn sóng COVID đang lan đến các vùng nông thôn có cơ sở y tế kém, khi hàng triệu công nhân thành thị bắt đầu về quê nghỉ Tết Nguyên đán.
Christopher Wong, chiến lược gia ngoại hối của Ngân hàng OCBC, cho biết: "Mặc dù dự kiến mức độ lây lan (đến khu vực nông thôn) sẽ ở một mức độ nào đó, nhưng trong trường hợp không may xảy ra một biến thể gây lo ngại thì nhu cầu đối với những tiền tệ có độ rủi ro cao- có thể bị ảnh hưởng".
Đồng nhân dân tệ giao ngay kết thúc phiên thứ Sáu giảm 74 pip xuống 6,7812 CNY. Trước kỳ nghỉ lễ dài, giao dịch bằng đồng nhân dân tệ trên thị trường nội địa vẫn thấp, ở mức 6,9 tỷ USD, so với khối lượng nửa ngày bình thường là khoảng 15 tỷ USD. Trong tuần tính đến trưa thứ Sáu, đồng nhân dân tệ đã giảm 1,2%, mặc dù vẫn tăng 1,75% so với đầu năm nay.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu của các các công ty toàn cầu tăng mạnh trong phiên cuối tuần, đặc biệt là chứng khoán Phố Wall hồi phục sau khi cổ phiếu Netflix và Alphabet tăng vọt, với Netflix Inc tăng 8,5%
S&P 500 và Dow Jones đã phá vỡ chuỗi 3 phiên giảm điểm và Nasdaq tăng hơn 2%, với chỉ số Dow Jones 330,93 điểm, tương đương 1%, lên 33.375,49, chỉ số S&P 500 tăng 73,76 điểm, tương đương 1,89%, lên 3.972,61 và Nasdaq Composite tăng 288,17 điểm, tương đương 2,66%, lên 11.140,43. Tuy nhiên, tính chung cả tuần, chứng khoán Mỹ vẫn giảm.
Chứng khoán châu Âu cũng đóng cửa phiên thứ Sáu với mức tăng, và tính chung cả tuần cũng giảm do các nhà đầu tư có quan điểm thận trọng về mùa báo cáo kết quả thu nhập và các quyết định sắp tới của ngân hàng trung ương. Chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu phiên này tăng 0,37%, trong khi chỉ số MSCI toàn cầu tăng 1,49%. Chỉ số MSCI toàn cầu cũng giảm trong tuần sau 2 tuần tăng liên tiếp trước đó.
Đáng chú ý trong phiên cuối tuần là đồng Bitcoin tăng vọt 6,2% , vượt ngưỡng 22.000 USD lên mức cao nhất kể từ cuối tháng 9 năm ngoái, là 22.401 USD vào lúc kết thúc tuần.
Tiền điện tử lớn nhất và nổi tiếng nhất thế giới này đã tăng 35,8% từ mức thấp nhất trong năm là 16.496 USD chạm tới hôm 1/1. Ether, đồng tiền được liên kết với mạng chuỗi khối ethereum, phiên thứ Sáu cũng tăng 5,66 % lên 1.639,2 USD, cao hơn 87,8 USD so với đóng cửa phiên trước.
Đối với mặt hàng vàng, nhu cầu vàng vật chất tại Trung Quốc đã giảm bớt trong tuần này trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, trong khi tại Nhật Bản và Singapore, một số người tiêu dùng đã bán vàng thỏi để đổi lấy tiền mặt do giá trong nước cao.
Trên thị trường phương Tây, giá vàng giảm nhẹ trong phiên thứ Sáu nhưng tính chung cả tuần tăng và là tuần tăng thứ 5 liên tiếp.
Giá vàng giao ngay kết thúc ngày 20/1 giảm 0,2% xuống 1.928,06 USD/ounce, mặc dù có lúc tăng lên mức cao nhất kể từ ngày 22/4, là 1.937,49 USD. Tính chung cả tuần giá tăng 0,4%.
Giá vàng Mỹ kỳ hạn tháng 2 tăng 0,2% lên 1.928,2 USD.
Daniel Ghali, chiến lược gia hàng hóa của TD Securities, cho biết: "Đồng đô la Mỹ đang dần ổn định trở lại và giá vàng có thể sẽ giảm vào tuần tới".