Theo Bloomberg, giá khí đốt ở châu Âu đã hạ nhiệt từ các mức kỷ lục, tuy nhiên vẫn đang ở mức cao ngất ngưởng. Thiệt hại do đóng cửa các nhà máy công nghiệp đang ngày càng lớn. Châu lục này đang trải qua cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng có tiền lệ.
Nga đã giảm xuất khẩu khí đốt sang châu Âu xuống mức tối thiểu – động thái mà châu Âu cáo buộc Nga “vũ khí hóa” năng lượng để trả đũa các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Trong khi đó, điện Kremlin phủ nhận cáo buộc này và nói rằng việc giảm cung khí đốt là do các lệnh trừng phạt quốc tế với Moscow gây cản trở và nguyên nhân kỹ thuật.
Gần đây, việc Nga ngừng cung cấp khí đốt cho Đức qua đường ống huyết mạch Nord Stream 1 đang gây áp lực lớn cho toàn khu vực.
Theo các nhà phân tích, kể cả trong trường hợp châu Âu thành công trong việc giảm 15% mức tiêu thụ khí đốt như mục tiêu đặt ra, một câu hỏi lớn là liệu các nguồn năng lượng thay thế, bao gồm thủy điện và hạt nhân, có thể lấp đầy khoảng trống mà khí đốt Nga để lại? Hiện chưa rõ liệu hoạt động nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) – một nguồn thay thế quan trọng cho khí đốt Nga – sẽ tiếp tục dồi dào hay không.
“Giá cao và kéo theo đó là nhu cầu giảm cuối cùng có thể giúp châu Âu tránh được tình trạng cạn kiệt khí đốt. Tuy nhiên, cái giá của việc này vô cùng lớn”, nhà phân tích cấp cao về giá Catriona Lindsay tại DB Group Europe nhận định.
Dưới đây là 5 yếu tố sẽ quyết định liệu châu Âu có thể vượt qua các tháng mùa đông khi không có khí đốt Nga:
Hiệu quả của chính sách tiết kiệm khí đốt
Theo Fitch Ratings, nếu mục tiêu cắt giảm tiêu thụ 15% thành công và thời tiết thuận lợi, châu Âu có thể vượt qua mùa đông một cách suôn sẻ kể cả khi Nga cắt hoàn toàn khí đốt. Tuy nhiên, sự cân bằng cung-cầu đang gây thách thức cho Đức - nền kinh tế lớn nhất khu vực, khi dự trữ khí đốt của nước này được dự báo sẽ giảm, đồng nghĩa rằng gần như không có bệ đỡ nào để chống lại một mùa đông lạnh bất thường.
“Không có chỗ cho sự sai lầm”, bà Angelina Valavina, người đứng đầu bộ phận tài nguyên thiên nhiên và hàng hóa khu vực Châu Âu, Trung Đông và Châu Phi (EMEA) tại Fitch, nhận định.
Các cơ sở dự trữ khí đốt của Đức đã tích trữ ở mức 87%. Tuy nhiên, việc Nga cắt khí đốt đe dọa nghiêm trọng mục tiêu đạt mức tích trữ 95% của Berlin vào đầu tháng 11.
Kể cả ở mức tích trữ này, Đức cũng chỉ đủ khí đốt để dùng trong 2,5 tháng nếu như Nga tiếp tục cắt khí đốt – theo cảnh báo tháng trước của ông Klaus Mueller, chủ tịch cơ quan quản lý năng lượng Federal Network Agency của Đức.
Thách thức về nguồn điện
Trong khi các ngành công nghiệp ở châu Âu đã cắt giảm tiêu thụ khí đốt, nhu cầu đối với nhiên liệu này trong ngành sản xuất điện lại cao hơn dự báo. Sóng nhiệt và hạn hán đã làm tê liệt hoạt động của các nhà máy thủy điện ở châu Âu, trong khi nước sông ấm lên và sự cố điện hạt nhân ở Pháp đang làm hạn chế nguồn năng lượng nguyên tử.
“Sự cân bằng trong cung cầu điện ở châu Âu đang bị thách thức nghiêm trọng vì châu lục này không đủ linh hoạt để tăng đáng kể sản lượng từ các nguồn khác”, các nhà phân tích tại Rystad Energy nhận định. “Thời tiết lạnh cực đoan và gió ít có thể dẫn tới việc châu Âu phải phân bổ điện theo định mức và cắt điện”.
Cạnh tranh với Châu Á
Chính sách Zero Covid cộng với giá giao ngay tăng cao đã khiến lượng nhập khẩu LNG của Trung Quốc giảm trong năm nay, để lại nguồn cung dồi dào cho châu Âu. Theo dự báo của BloombergNEF, từ nay tới tháng 12, Trung Quốc – nước nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới năm ngoái – sẽ tăng nhập khẩu LNG, dù lượng mua vẫn thấp hơn so với năm 2021. Tuy nhiên, nếu nhu cầu LNG ở châu Á bất ngờ tăng lên, thế giới sẽ rơi vào tình trạng thiếu nguồn cung.
Những sự cố nằm ngoài dự kiến
Một rủi ro lớn khác là những sự cố nằm ngoài dự kiến, đặc biệt là một sự kiện nào đó xảy ra ở một cơ sở quy mô lớn như nhà máy LNG Freeport ở Mỹ - nơi xảy ra một vụ nổ nghiêm trọng hồi tháng 6. Vụ việc đã làm giảm đáng kể tổng kim ngạch xuất khẩu LNG của Mỹ.
Theo các nhà phân tích, châu Âu có thể chống chịu được một sự kiện như vậy trong mùa hè này khi nhu cầu của Trung Quốc ở mức thấp, nhưng có thể phải chịu tác động lớn nếu xảy ra vào mùa đông. Nhà máy trên của Mỹ dự kiến trở lại hoạt động vào giữa tháng 11, nhưng nhiều nhà phân tích lo sợ rằng ảnh hưởng của sự cố có thể kéo dài.
Yếu tố thời tiết
Thời tiết là yếu tố khó dự báo nhất. Mùa đông năm ngoái khá ôn hòa đã giúp châu Âu giữ được dự trữ nhiên liệu ở mức cao hơn dự báo. Dự báo tháng 10 năm nay, nhiệt độ tại châu Âu sẽ ở mức cao hơn bình thường. Tuy nhiên, nếu châu Âu phải trải qua một mùa đông tương tự như năm 2012 – mùa đông lạnh nhất trong 10 năm qua, thì nhu cầu khí đốt của khu vực này sẽ là cao hơn khoảng 20 tỷ mét khối so với dự báo và tương đương 5% mức tiêu thụ của các năm bình thường.
“Điều này đồng nghĩa cân bằng cung-cầu khí đốt năm 2023 sẽ gặp thách thức lớn hơn nhiều”, bà Valavina của Fitch nhận xét.