Trong một báo cáo công bố ngày 6/9, ngân hàng Bank of America (BofA) nhận định giá dầu sẽ đối mặt áp lực đáng kể trong những tháng tới vì rủi ro cung-cầu có thể đẩy giá tăng hoặc giảm khoảng 20%.
Các nhà phân tích của BofA vẫn giữ dự báo đã đưa ra trước đó rằng giá dầu sẽ duy trì ở mức khoảng 100 USD/thùng trong năm 2023, đồng thời chỉ ra 7 rủi ro có thể đẩy giá dầu tăng khoảng 5-20 USD mỗi thùng những tháng tới.
Suy thoái toàn cầu
“Các dữ liệu sản xuất thời gian qua báo hiệu rằng hoạt động sản xuất công nghiệp có khả năng bị thu hẹp. Điều này cho thấy một cuộc suy thoái đang rình rập”, các nhà phân tích của BofA nhận định. “Một cuộc suy thoái toàn cầu có thể làm giảm kỳ vọng tăng trưởng dầu khoảng hơn 1 triệu thùng/ngày, khiến giá dầu thô Brent giảm xuống mức 75 USD/thùng”.
Thỏa thuận hạt nhân Iran
Theo các nhà phân tích của BofA, nếu thỏa thuận hạt nhân Iran được hồi sinh, thị trường có thể được bơm thêm tới 1 triệu thùng dầu mỗi ngày. Điều này có thể tạm thời đẩy giá dầu giảm khoảng 10-15 USD mỗi thùng. Tuy nhiên, các nước OPEC+ (Liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa - OPEC và một số nước ngoài khối gồm Nga) có thể sẽ phản ứng nhanh chóng bằng cách giảm sản lượng.
Khủng hoảng năng lượng ở Châu Âu
“Trong bối cảnh giá điện và khí đốt đang tăng kỷ lục ở châu Âu và dòng chảy khí đốt qua đường ồng Nord Stream 1 tiếp tục bị siết lại, có khả năng châu Âu và châu Á sẽ bắt đầu sử dụng dầu mỏ thay cho than đá và khí đốt tự nhiên”, các nhà phân tích của BofA viết trong báo cáo.
Tuy nhiên, báo cáo nhận định vẫn có khả năng giá dầu giảm do nhu cầu tiêu thụ và tăng trưởng suy yếu ở châu Âu. Châu Âu có thể tìm kiếm nhiều lựa chọn thay thế khác.
Rủi ro trong sản xuất dầu thô
Trên toàn cầu, các nhà máy lọc dầu đã giảm công suất chưng cất dầu thô khoảng 2 triệu thùng mỗi ngày so với giai đoạn 2020-2021 do "đóng cửa nhà máy và giảm đầu tư”, theo báo cáo.
Điều này đặt ra một thách thức cho OPEC+ bởi nguồn cung cho các nhà máy lọc dầu tăng lên sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng mất cân bằng hiện tại, nhưng đồng thời, việc giảm nguồn cung đe dọa đẩy giá cầu tăng lên cao hơn nữa.
Iraq và Libya
Các nhà phân tích nhận định bất ổn địa chính trị ở Iraq và Libya có nguy cơ khiến giá dầu thô tăng vọt. Và các diễn biến của cuộc xung đột này có thể ảnh hưởng tới quyết định về sản lượng tiếp theo của các tập đoàn sản xuất dầu mỏ.
Sản lượng ở Libya đã giảm từ khoảng 1,16 triệu thùng/ngày vào đầu năm nay xuống còn 680.000 thùng/ngày trong tháng 7. Trong khi đó, sản lượng dầu của Iraq đã tăng lên từ năm 2020 nhưng xu hướng này có thể bị đảo ngược tùy thuộc vào các xung đột chính trị trong những tháng tới.
Dự trữ dầu chiến lược của Mỹ
Theo BofA, Mỹ dự kiến kết thúc việc xả kho dự trữ dầu chiến lược vào tháng 10 tới. Và với lượng dự trữ dầu chiến lược giảm mạnh những tháng gần đây, thị trường có thể xuất hiện một khoảng trống ảnh hưởng đến sản lượng của OPEC+.
Diễn biến ở Trung Quốc
Thời gian qua, việc Trung Quốc - nước tiêu thụ và lọc dầu lớn thứ hai thế giới - thời gian qua vẫn duy trì các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt để phòng chống dịch Covid-19 đã khiến nhu cầu dầu giảm và giá dầu giảm.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích của BofA, khả năng Trung Quốc sẽ mở cửa trở lại vào tháng 10 nếu Bắc Kinh phát tín hiệu nới lỏng các chính sách Covid.