Theo Wall Street Journal, Chính phủ Ai Cập gần đây đã chỉ đạo việc tiết kiệm điện bằng cách giảm chiếu sáng ở một số đường phố, quảng trường và các khu vực công cộng khác, cũng như trong các cửa hàng và tòa nhà chính phủ.
Mục tiêu của nước này là giảm được 15% lượng khí đốt cần thiết để sản xuất điện, sau đó bán phần khí đốt còn dư cho châu Âu - những khách hàng chịu trả giá cao để thu mua.
Tại trung tâm Thủ đô Cairo, các tòa nhà chính phủ và trung tâm mua sắm hiện được yêu cầu giảm ánh sáng ở mặt tiền và điều chỉnh điều hòa nhiệt độ lên trên 25 độ C. Các nhà chức trách cũng đã ra lệnh tắt hết đèn chiếu sáng tại các sân vận động vào ban đêm.
Quảng trường Tahrir - nơi từng rực rỡ ánh đèn của thủ đô, hay đài tưởng niệm Pharaon và tượng nhân sư giờ chỉ còn ánh sáng lờ mờ. Trong khi đó, đèn trên các tòa nhà và đường phố xung quanh đã được tắt.
Ông Ahmed Abu Bakr, một kiến trúc sư 43 tuổi sống gần khu vực này cho hay: "Quảng trường giờ đây không còn sống động như trước, chúng tôi phải ngồi trong bóng tối".
Được biết, kế hoạch tiết kiệm năng lượng để bán cho châu Âu đã được chính phủ Ai Cập bắt đầu từ tháng 8/2022.
Tình hình kinh tế khó khăn
Đối với Ai Cập, đây thực tế là một cơ hội vàng để giúp nước này tăng dự trữ ngoại tệ. Thủ tướng Mostafa Madbouly đã ước tính được rằng tiết kiệm 15% khí đốt trong sản xuất điện sẽ mang lại doanh thu 450 triệu USD/tháng nếu bán cho châu Âu.
Trước đó, kinh tế Ai Cập đã chứng kiến hơn 20 tỷ USD tiền vốn chảy ra trong năm nay khi niềm tin của các nhà đầu tư vào nền kinh tế trong nước giảm sút. Quốc gia này trước hết bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, sau đó là lạm phát gia tăng trong bối cảnh xung đột diễn ra ở Ukraine. Đồng USD mạnh lên cũng ảnh hưởng đến khả năng thanh toán hàng nhập khẩu của Ai Cập, khiến mọi thứ từ phô mai Pháp đến ôtô Mỹ trở nên khan hiếm.
Tình hình có trở nên khả quan đôi chút khi Ai Cập đã đạt một thỏa thuận vay 3 tỷ USD từ Quỹ tiền tệ quốc tế IMF vào tháng trước. Ngoài ra, nước này cũng đã thu hút được một số khoản vay và tiền gửi từ các quốc gia vùng Vịnh giàu có trong năm nay. Tuy nhiên, Chính phủ Ai Cập vẫn cần nhiều ngoại tệ hơn để có thể thanh toán hết khoản nợ hàng chục tỷ USD trong những năm tới.
Theo công ty nghiên cứu Rystad Energy, Ai Cập đã xuất khẩu 8,9 tỷ m3 khí đốt vào năm 2021 sang các nước bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh. Và chỉ có 15% trong số đó - tương đương 1,3 tỷ m3 khí đốt - được gửi đến châu Âu.
Tuy nhiên, chỉ tính từ đầu năm đến nay, Ai Cập đã gửi 4 tỷ m3 khí đốt đến châu Âu - nhiều gấp 3 lần so với năm ngoái.
Trước tình hình này, nhiều nhà phân tích cho rằng Ai Cập sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu của mình. Một số mỏ khí đốt của nước này đang trở nên cạn kiệt còn nhu cầu nội địa thì tăng cao. Được biết, Ai Cập đã sản xuất kỷ lục 70 tỷ m3 khí đốt vào năm ngoái, nhưng tự tiêu thụ tới 63 tỷ m3.
Ngoài ra, nước này cũng chỉ đang vận hành 2 cơ sở hóa lỏng khí để xuất khẩu, và cả 2 nhà máy đều nằm trên bờ biển phía bắc của đất nước với tổng công suất khoảng 16 tỷ m3 mỗi năm. "Hơn nữa, Ai Cập này cũng không có bất kỳ đường ống nào chạy đến châu Âu nên khó có thể duy trì được mức tăng trưởng", nhà phân tích Pranav Joshi của Rystad nhận xét thêm.