Cứ mỗi tháng trong năm 2022 lại có hơn 4 triệu nhân viên tại Mỹ nghỉ việc, theo Forbes. Tình trạng sức khỏe tâm thần của người lao động đang ở mức báo động đến nỗi họ phải cân nhắc từ bỏ công việc hiện tại để tìm một việc khác đáp ứng được nhu cầu tinh thần và hạnh phúc cá nhân.
Một nghiên cứu gần đây của Slack, nền tảng trao đổi dữ liệu, cho thấy hội chứng kiệt sức đang gia tăng trên toàn cầu, đặc biệt tại Mỹ, nơi 43% cấp quản lý phải báo cáo về tình trạng quá tải của họ, nhiều hơn bất kỳ nhóm nhân viên nào khác.
Các quản lý, lãnh đạo trong doanh nghiệp đang phải học thêm nhiều kỹ năng mềm để đối phó với tình trạng kiệt quệ về sức khỏe tinh thần của nhân viên cấp dưới. Nhưng chính họ cũng đang mắc kẹt giữa việc cân bằng cảm xúc và hiệu suất công việc của riêng mình.
Nhân viên kiệt sức, quản lý phải chịu trách nhiệm
Theo nghiên cứu, nhiều cấp quản lý không biết cách giải quyết tình trạng kiệt sức của nhân viên hoặc thậm chí không biết phải làm gì với những vấn đề của chính mình.
WHO, Tổ chức Y tế Thế giới, định nghĩa burnout là "hội chứng gây ra bởi căng thẳng không kiểm soát được ở nơi làm việc". Người mắc hội chứng này sẽ có các đặc điểm như cảm thấy cạn kiệt năng lượng tại văn phòng, nhận ra những khủng hoảng về mặt tinh thần như tiêu cực, hoài nghi với công việc đang làm, hiệu suất giảm...
Gallup, công ty tư vấn và phân tích dữ liệu tại Mỹ, liệt kê những nguyên nhân chính gây ra tình trạng kiệt sức tại nơi làm việc là do bị đối xử không công bằng, khối lượng công việc không hợp lý, vai trò trong hệ thống không rõ ràng và thiếu sự hỗ trợ từ cấp trên.
Nhiều giải pháp từng được đưa ra như: Tăng cường sức khỏe, giảm bớt khối lượng công việc, hạn chế quyền truy cập vào email, đề nghị nhân viên sử dụng ngày phép..., nhưng đều vô nghĩa.
Dữ liệu của Gallup cũng cho thấy khả năng của người quản lý là nền tảng của các nguyên nhân gây ra kiệt sức nơi công sở. Trong hầu hết trường hợp nhân viên gặp vấn đề về sức khỏe tinh thần, Gallup nhận thấy rằng do họ bị thiếu một người quản lý giỏi.
Quản lý tìm cách "cứu" nhân viên...
Không có cách khắc phục nhanh chóng tình trạng "sức tàn lực kiệt" ở nơi làm việc vì quá trình phục hồi này cần có thời gian. Tuy nhiên, nếu để tình trạng kéo dài quá lâu, sự nghiệp của nhân viên có thể bị ảnh hưởng.
Vì thế, tìm cách ngăn chặn từ đầu có lẽ là giải pháp dành cho mọi quản lý. Trong cuốn sách Hạnh phúc tại nơi làm việc của Gallup phát hành, các tác giả Jim Clifton và Jim Harter đã đưa ra 4 giải pháp giúp cấp quản lý đề phòng tình trạng quá tải cho nhân viên:
- Đảm bảo rằng mọi người trong tổ chức đều biết điểm mạnh của họ: Sử dụng chiến lược dựa trên điểm mạnh của từng nhân sự để thay đổi trải nghiệm của họ, từ việc tuyển dụng, đến xây dựng văn hóa nội bộ.
- Loại bỏ những người quản lý lạm dụng: Không tổ chức nào nên dung thứ cho những nhà quản lý yếu kém, hủy hoại cuộc sống của nhân viên khác. Trong lực lượng lao động ngày nay, những người quản lý tồi là rủi ro cao nhất của một doanh nghiệp.
- Khiến cho việc đi làm là hạnh phúc: Một khi các cấp quản lý thiết lập được lòng tin, họ cùng với các thành viên có thể cùng nhau mơ ước lớn, thực hiện kế hoạch lớn, không chỉ về mục tiêu nghề nghiệp, sự phát triển mà còn về cuộc sống, mục đích sống.
- Tăng phúc lợi: Tìm cách có thêm những phúc lợi nghề nghiệp trong tổ chức của bạn để hỗ trợ đời sống tinh thần cho nhân viên.
... nhưng không cứu được chính mình
Nghiên cứu cho thấy các doanh nghiệp tin rằng họ có vai trò quan trọng đối với sức khỏe của nhân viên. Tuy nhiên, họ đang đẩy toàn bộ trách nhiệm và phụ thuộc hoàn toàn vào những người quản lý trực tiếp.
Nhưng cấp quản lý cũng không thể tự mình làm tất cả, bao gồm cả việc chăm lo đời sống tinh thần cho cấp dưới và đảm bảo hiệu suất làm việc của họ.
Bryan Adams, Giám đốc điều hành, người sáng lập Ph.Creative, cho biết các quản lý cũng dễ gặp tình trạng burnout tương tự nhân viên vì thường ưu tiên công việc trên hết, sau đó mới mới đến chăm sóc bản thân.
Nhiều người đang kiệt quệ về tinh thần, ai cũng cảm thấy mình đang chiến đấu trong một trận chiến khó khăn.
"Họ được kêu gọi phải học và phát triển các kỹ năng mềm, học về sự đồng cảm, chia sẻ..., nhưng nhiều người gặp khó khăn khi bị áp đặt quá nhiều tiêu chuẩn dẫn đến quá tải", ông nói thêm.
Britt Frank, tác giả cuốn sách The Science of Stuck (tạm dịch: Lý thuyết về sự mắc kẹt), cho rằng các nhà lãnh đạo doanh nghiệp mắc sai lầm khi nghĩ rằng công việc của những người quản lý là "trị liệu" tinh thần cho cả đội ngũ nhân viên của mình.
"Điều quan trọng là các quản lý trực tiếp phải biết rằng nhân viên của họ cần gì. Họ không phải nhà trị liệu tâm lý để giải quyết các vấn đề về sức khỏe tinh thần cho mọi người. Thay vào đó, hãy cho nhân viên có cơ hội gặp gỡ, điều trị với các chuyên gia trong lĩnh vực", Frank khẳng định.