Theo Bloomberg, trong phiên giao dịch ngày 9/3, cổ phiếu của SVB Financial Group - công ty mẹ của Silicon Valley Bank (SVB) - đã bốc hơi 60% giá trị. Đà sụt giảm giúp các nhà giao dịch bán khống cổ phiếu này ghi nhận khoản lãi chưa thực hiện 500 triệu USD.
Nhưng giờ, họ đối mặt với một vấn đề khác. Đó là làm cách nào để đóng vị thế đầu tư.
Sự sụp đổ chóng vánh
Cụ thể, các nhà giao dịch "đặt cược ngược" vào cổ phiếu của ngân hàng này đã lãi 513 triệu USD chỉ trong một ngày. Giá cổ phiếu tụt dốc thê thảm trước khi bị dừng giao dịch.
Các nhà đầu tư vay cổ phiếu để bán khống. Họ kỳ vọng giá cổ phiếu sẽ giảm đi trong tương lai. Khi tới hạn, họ mua cổ phiếu với giá rẻ hơn để hoàn trả. Bằng cách này, những nhà bán khống hưởng lãi chính từ phần giảm giá của cổ phiếu.
Ngân hàng được coi là xương sống của Thung lũng Silicon đã sụp đổ một cách chóng vánh. Đây là nhà băng lớn nhất phải đóng cửa kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Tính đến cuối năm ngoái, khoản lỗ tính theo thị giá của SVB đối với các chứng khoán nắm giữ đến ngày đáo hạn đã vượt quá 15 tỷ USD, gần như bằng toàn bộ vốn chủ sở hữu 16,2 tỷ USD.
Đến cuộc họp vào cuối tuần trước, bộ phận dịch vụ đầu tư của Moody's đã thông báo một tin xấu cho các nhà đầu tư. Những khoản lỗ chưa thực hiện có thể khiến SVB bị hạ hơn một cấp tín nhiệm.
Điều đó đặt nhà băng này vào một tình thế khó khăn. Để hỗ trợ bảng cân đối kế toán, SVB phải bán phần lớn các khoản đầu tư trái phiếu thua lỗ để tăng thanh khoản. Động thái này sẽ khiến khách hàng lo ngại, nhưng việc nằm im chờ bị hạ cấp cũng không mang lại kết quả khả quan hơn.
Với sự cố vấn của Goldman Sachs Group, SVB quyết định bán khoản đầu tư và huy động thêm 2,25 tỷ USD. Đến ngày 8/3, Moody's đã hạ cấp tín nhiệm ngân hàng này.
Động thái này khiến các quỹ đầu tư mạo hiểm sốt sắng. Founders Fund, Coatue Management và Union Square Ventures đồng loạt chỉ đạo bộ phận đầu tư của mình rút tiền khỏi nhà băng.
Chưa thể ăn mừng
Đến ngày 10/3, SVB phải từ bỏ nỗ lực huy động vốn mới hay tìm người mua. Cổ phiếu của ngân hàng bị tạm dừng giao dịch.
SVB bị giao lại cho Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang Mỹ (FDIC). Cơ quan này sau đó sẽ thanh lý tài sản của ngân hàng để trả tiền cho người gửi và chủ nợ của SVB.
"Việc SVB bị đóng cửa đã mang lại khoản lời khổng lồ cho các nhà giao dịch bán khống", Bloomberg dẫn lời ông Ihor Dusaniwsky - Trưởng bộ phận phân tích dự báo của S3 Partners - bình luận.
Với chi phí lãi vay mua cổ phiếu, ngay cả khi vào cuối tuần, dù cổ phiếu đã bị dừng giao dịch, lợi nhuận (chưa thực hiện) vẫn sẽ giảm cho tới khi các nhà giao dịch bán khống đóng vị thế và hoàn trả khoản vay
Ông Ihor Dusaniwsky - Trưởng bộ phận phân tích dự báo của S3 Partners
Nhưng giờ đây, họ sẽ phải bước vào một quá trình khá phức tạp: bán vị thế và hiện thực hóa khoản lợi nhuận trên giấy tờ của mình.
"Với chi phí lãi vay mua cổ phiếu, ngay cả khi vào cuối tuần, dù cổ phiếu đã bị dừng giao dịch, lợi nhuận (chưa thực hiện) vẫn sẽ giảm cho tới khi các nhà giao dịch bán khống đóng vị thế và hoàn trả khoản vay", ông giải thích.
Trước đó, các nhà giao dịch đặt cược ngược vào Silvergate Capital cũng đã ghi nhận khoản lãi khổng lồ, sau khi nhà băng này thông báo sẽ thanh lý tài sản và dừng hoạt động.