Ở lĩnh vực thời trang, công nghệ trở thành đối tác trong thiết kế đã là xu hướng từ lâu. AI có tiềm năng hỗ trợ các thương hiệu cũng như các nhà bán lẻ trong việc dự đoán xu hướng hay dự báo bán hàng.
Nhiều nhà thiết kế thời trang cũng như các nhà bán lẻ đang sử dụng AI để nhận biết những gì đang “hot” và hợp thời trang. Từ thiết kế trang phục, bắt kịp xu hướng hay bảo mật bản quyền, và AI đang sẵn sàng để lập trình lại ngành công nghiệp thời trang.
Đối tác AI tiềm năng
Theo FashionUnited, ngành công nghiệp thời trang là một ngành kinh doanh khổng lồ đang đóng góp khoảng 2% Tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu và ước tính đạt 3.000 tỷ USD trên toàn thế giới vào năm 2030.
Thế nên chẳng có gì lạ khi những lĩnh vực đi đầu thường kết hợp với nhau, như thời trang và công nghệ, trong đó phải kể đến công nghệ trí tuệ nhân tạo AI và thiết kế trong lĩnh vực thời trang mang đến rất nhiều cơ hội mới và cả những thách thức mang tính chiến lược. Nhiều nghiên cứu cho thấy AI sẽ nhanh chóng thay thế 30% khối lượng công việc được thực hiện bởi các nhà thiết kế thời trang trong tương lai.
Nói đến thiết kế thời trang dựa trên AI phải kể đến sự hợp tác thử nghiệm của Google và nền tảng thời trang Zalando vào năm 2016. Thử nghiệm của họ trong lĩnh vực thiết kế thời trang AI với người dùng điều khiển. Dự án có tên Muze, đã đào tạo một mạng lưới thần kinh để hiểu màu sắc, kết cấu, sở thích phong cách và nhiều “thông số thẩm mỹ” cũng như lấy dữ liệu thiết kế và xu hướng của Zalando cũng như nhiều báo cáo thời trang khác.
“Nhà thiết kế” AI có tên DeepVogue đã đứng thứ hai trong một cuộc thi sáng tạo thời trang tại Trung Quốc.
Từ đó, Dự án đã sử dụng một thuật toán để tạo ra các thiết kế dựa trên sở thích của từng khách hàng đồng thời phù hợp với sở thích, phong cách được cộng đồng công nhận.
Amazon cũng đang sử dụng công nghệ một cách mạnh mẽ, họ có một dự án do các nhà nghiên cứu có trụ sở tại Israel xây dựng, sử dụng công nghệ học máy (machine learning) để đánh giá xem một mặt hàng có “sành điệu” hay không.
Một dự án khác thuộc chi nhánh Lab126 R&D của Amazon ở California nghiên cứu sử dụng hình ảnh để tìm hiểu về các phong cách thời trang khác nhau và tạo ra những hình ảnh thời trang từ những mảnh ghép, hoặc bản nháp.
Vào tháng 4 năm 2019, một “nhà thiết kế” AI có tên DeepVogue đã đứng thứ hai chung cuộc và giành được giải thưởng sự lựa chọn của khách hàng tại cuộc thi Sáng tạo thiết kế thời trang quốc tế của Trung Quốc. Hệ thống được thiết kế bởi công ty công nghệ Shenlan Technology có trụ sở tại Trung Quốc, sử dụng học sâu (deep learning) để tạo ra các thiết kế ban đầu được vẽ từ hình ảnh với chủ đề và từ khóa được nhập bởi các nhà thiết kế.
Vấn đề bản quyền
Dù vậy, vẫn còn nhiều việc phải làm để biến AI thành một “nhà thiết kế” thực sự và kết quả của thiết kế AI không sử dụng con người không phải lúc nào cũng tuyệt vời. Nhiều thiết kế được tạo cho người dùng trong dự án Muze của Google là những nét vẽ nguệch ngoạc thậm chí không thể hiểu được, trong khi một số báo cáo về sáng kiến Amazon Lab126 gọi kết quả thiết kế là “thô thiển”.
Không những thế, sử dụng các thuật toán để tạo ra quần áo đã tạo ra các vấn đề pháp lý cũng như thẩm mỹ. Vào năm 2019, người ta đã tiết lộ rằng một số nhà cung cấp áo thun trực tuyến đang triển khai BOT để thiết kế, xử lý hình ảnh, sản xuất và bán theo yêu cầu của khách hàng nhưng ngay sau đó đã bị chỉ trích và cáo buộc vi phạm bản quyền, ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ.
Tuy nhiên, khoảng cách giữa thiết kế do AI phát triển và thiết kế do con người tạo ra đang ngày càng thu hẹp, điển hình là thiết kế dựa trên AI do Shenlan Technology sáng tạo có vẻ như tiến gần hơn tới việc thay thế được con người trong khâu thiết kế.
Sự kết hợp giữa con người và AI
Chính vì thiết kế hoàn toàn dựa trên AI đôi khi không đạt được dấu ấn, các nhà bán lẻ thời trang đã áp dụng một tư duy mới xem các hệ thống AI là đối tác sáng tạo thay vì các nhà thiết kế độc lập.
Như Tommy Hilfiger năm 2018 công bố hợp tác với IBM và Học viện Công nghệ Thời trang xây dựng dự án “Reimagine Retail”, đã sử dụng các công cụ AI của IBM để giải mã xu hướng ngành thời trang theo thời gian thực, kết hợp với việc thu thập cảm nhận của khách hàng về sản phẩm cũng như định dạng lại các chủ đề thời trang theo các mẫu, màu sắc, phong cách thịnh hành,...
Kiến thức từ hệ thống AI sau đó được cung cấp trở lại cho các nhà thiết kế của Tommy để họ có thể sử dụng để đưa ra các quyết định thiết kế cho bộ sưu tập tiếp theo.
Hoặc như Heuritech cung cấp một nền tảng AI phân tích hàng triệu hình ảnh để phát hiện màu sắc, vết cắt, hình dạng và hàng nghìn yếu tố thời trang khác nhằm dự đoán chúng trở nên hợp thời như thế nào trước 1 năm.
Các thương hiệu như Dior sử dụng Heuritech để xác nhận trực giác của họ về các xu hướng sắp tới, trong khi các nhà sản xuất như Wolverine Worldwide sử dụng nó để đánh giá xem nhu cầu của người tiêu dùng có tăng đối với các sản phẩm cụ thể hay không.
Các thương hiệu như Dior sử dụng Heuritech để xác nhận trực giác của họ về các xu hướng sắp tới.
“Với công nghệ máy học, bạn có thể đoán trước, thiết kế được 80% bộ sưu tập của mình. Còn lại 20% bộ sưu tập để biết có thể đổi mới những gì. Có rất nhiều khoảng trắng để nhóm thiết kế sáng tạo hơn" - Brad Lacey, giám đốc thiết kế toàn cầu về giày dép phong cách sống tại New Balance cho biết.
Còn Stitch Fix đã đi đầu trong lĩnh vực thời trang dựa trên AI với sản phẩm may mặc “Thiết kế kết hợp” (hybrid design). Chúng được tạo ra bởi các thuật toán xác định xu hướng và phong cách còn thiếu và đề xuất các thiết kế mới - dựa trên sự kết hợp của màu sắc, hoa văn và hàng dệt yêu thích của người tiêu dùng - để các nhà thiết kế con người chấp thuận.
Thiết kế không phải là lĩnh vực duy nhất mà Stitch Fix đang đưa các sáng kiến AI và học máy vào hoạt động. Cùng với 5.000 nhà tạo mẫu, công ty sử dụng một đội gồm gần 150 nhà khoa học dữ liệu để giám sát các thuật toán học máy được sử dụng để cung cấp thông tin về mọi thứ từ kiểu dáng của khách hàng đến hậu cần hay quản lý hàng tồn kho.
Theo Eric Colson, giám đốc thuật toán tại Stitch Fix, công ty đã nhận lại được các khoản hoàn vốn đầu tư từ các khoản đầu tư vào AI của mình (ROI), bao gồm tăng doanh thu, giảm chi phí và cải thiện sự hài lòng của khách hàng. Stitch Fix đã báo cáo doanh thu thuần là 581 triệu USD trong quý đầu tiên của năm tài chính 2022, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, thành công của Stitch Fix không chỉ nhờ vào lực lượng công nhân máy móc.
Stitch Fix đã phát hiện ra rằng càng có nhiều con người tham gia vào việc đào tạo các mô hình học máy, họ càng giành được nhiều khách hàng hơn. Các giám đốc điều hành của công ty đã tiết lộ trong một cuộc gọi vốn hè năm 2021: Stitch Fix đã tăng gấp đôi số lượng nhà tạo mẫu con người của mình từ năm 2017 đến năm 2021.
Với quá trình đào tạo nghiêm ngặt hơn, do con người hướng dẫn, các chương trình AI sẽ tiếp tục phát triển và trở nên chính xác hơn. Bí quyết để dẫn tới sự thành công trong ngành công nghiệp thời trang là sự hợp tác, nhưng lần này, nó sẽ là với AI.