Các nhà nghiên cứu tiến hành khảo sát 3 siêu thị ở thủ đô Stockholm, phục vụ khoảng 150.000 khách hàng trong vòng 3 tuần. Trong khoảng thời gian trên, các siêu thị luân phiên giữa việc bật các bản nhạc thịnh hành/nhạc thang máy và việc không bật nhạc.
Theo đó, thể loại nhạc được bật không ảnh hưởng đến hoạt động mua sắm. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian từ thứ 2 đến thứ 5, âm nhạc đã khuyến khích khách hàng chi tiêu nhiều hơn.
Trong thử nghiệm sau đó, các nhà khoa học đã phát hiện ra tại một trong số các cơ sở trên vào các ngày trong tuần, khách hàng chi trung bình 23,31 USD cho mỗi lần đi mua hàng. Khi không có nhạc nền, người tiêu dùng chỉ chi khoảng 14,96 USD cho mỗi lần đến siêu thị.
Ngoài ra, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng vào các ngày cuối tuần, khác biệt về mức chi tiêu giữa 2 tình huống trên là không đáng kể.
"Vào các ngày trong tuần, mọi người thường cảm thấy mệt mỏi về tinh thần và thể chất hơn", Carl-Philip Ahlbom, đồng tác giả của nghiên cứu và giảng viên cấp cao tại Đại học Bath, cho biết.
Do đó, vào các ngày trong tuần, người tiêu dùng thường mua hàng theo bản năng, thay vì suy nghĩ kỹ về từng quyết định, khiến họ dễ chịu ảnh hưởng từ hiệu ứng thư giãn của âm nhạc. Âm nhạc khi ấy khiến khách hàng ở lại siêu thị lâu hơn và mua nhiều sản phẩm hơn, theo ông Ahlbom.
Nhưng khi khách hàng đã ở trạng thái thư giãn, như trong khoảng thời gian cuối tuần, tác dụng của âm nhạc thấp hơn nhiều. "Họ không cần đi lối tắt về mặt tinh thần nữa", ông Ahlbom nói.