Thế hệ MZ - thuật ngữ phổ biến ở Hàn Quốc, để chỉ nhóm người trẻ thuộc thế hệ Millennials và Gen Z (10-30 tuổi) - hiện là một trong những nhóm phải dùng tiền bạc một cách tiết kiệm, thường xuyên mua sắm ở cửa hàng tiện lợi.
Tuy nhiên, theo công ty thẻ tín dụng Shinhan Card Co., thế hệ này không ngại vung tiền cho sức khỏe và phát triển bản thân, Korea Bizwire đưa tin.
Shinhan Card Co. phân tích việc sử dụng thẻ tín dụng và phát hiện ra rằng thế hệ MZ chiếm 62% tổng lượng sử dụng thẻ tín dụng tại các cửa hàng tiện lợi.
Trung bình, thế hệ MZ sử dụng thẻ tín dụng tại các cửa hàng tiện lợi 5 lần/người/tháng, cao hơn mức 2,9 lần của các thế hệ khác. Chi tiêu trung bình hàng tháng cho mỗi giao dịch của họ là 6.000 won (4,5 USD), thấp hơn so với mức 8.000 won của các thế hệ khác.
Tỷ lệ sử dụng thẻ tín dụng tại các quán cà phê và nhà hàng của thế hệ MZ lần lượt là 67% và 52% trong nửa đầu năm nay. Về thanh toán trực tuyến, năm 2022, họ đạt mức tăng trưởng 113% so với năm 2019, cao hơn 10% so với các thế hệ khác.
Dù "thắt lưng buộc bụng" với chi phí sinh hoạt, thế hệ này lại sẵn sàng mạnh tay cho các khoản đầu tư phát triển bản thân.
Trong nửa đầu năm ngoái, chi tiêu thẻ tín dụng của thế hệ MZ đã tăng mạnh 373% cho đào tạo cá nhân trực tuyến, 336% cho sân tennis, 202% cho sân golf trong nhà và ngoài trời, 150% cho các trung tâm thể thao.
Trong nửa đầu năm nay, thế hệ này đứng đầu việc sử dụng các studio ảnh, chiếm 80%, tăng 287% so với con số được ghi nhận vào năm 2021.
Loạt biến động về kinh tế cùng với ảnh hưởng dịch bệnh trong những năm qua đã khiến nhiều thanh niên Hàn Quốc rơi vào cảnh bấp bênh tài chính, không có tiền tiết kiệm, thậm chí phải vay nợ.
Dựa trên khảo sát 5.000 người trưởng thành khắp Hàn Quốc, cứ 10 người thì có 3 người nói rằng đó là điều xa xỉ đối với họ, Korea Times đưa tin. Tỷ lệ này đặc biệt cao ở thế hệ MZ, cho thấy rằng người trẻ không đủ khả năng chuẩn bị cho tương lai.
Khảo sát cũng cho thấy 8 trên 10 người Hàn Quốc đã đầu tư hoặc cân nhắc đầu tư vào tiền ảo - phản ánh sự bùng nổ đầu tư thị trường vài năm qua. Họ kỳ vọng thu được lợi nhuận đầu tư cao, nhưng cuối cùng phải dừng lại do thua lỗ phát sinh.
Xét trong quý III/2022, 31,1% trong số 4,47 triệu người nợ tiền từ 3 tổ chức tài chính trở lên dưới 30 tuổi, theo Ngân hàng Hàn Quốc. Bên cạnh đó, 3 trên 10 người Hàn Quốc dưới 30 tuổi đã vay tiền từ hơn 3 tổ chức tài chính sẽ có nhiều khả năng vỡ nợ khi lãi suất tăng.
Khoản vay của những người ở độ tuổi 20 và 30 đã tăng 200 tỷ won (151,7 triệu USD) lên 157,4 nghìn tỷ won (119,4 tỷ USD) trong cùng khoảng thời gian.