Yuni Pulungan, Giám đốc dự án 28 tuổi tại một tổ chức phi lợi nhuận ở Jakarta, luôn coi iPhone là thiết bị xa xỉ - quá đắt để có thể cân nhắc một cách nghiêm túc.
Nhưng khi chiếc điện thoại Android mà cô sử dụng từ năm 2019 hết dung lượng lưu trữ và camera xuống cấp, cô bắt đầu cân nhắc chuyển sang một chiếc điện thoại chất lượng cao hơn, một chiếc điện thoại mà cô có thể tận hưởng và sử dụng trong nhiều năm tới.
Vào tháng 4, sau gần một năm nghiên cứu tỉ mỉ và đắn đo tới lui, Pulungan cuối cùng đã phá bỏ nguyên tắc và mua cho mình một chiếc iPhone 13.
“Điện thoại bền và máy ảnh không bị rung khi quay video”, cô nói với Rest of World. “Âm thanh cũng tốt”. Tâm lý dằn vặt bởi mức giá quá cao - 798 USD, cao hơn gấp đôi mức lương trung bình hàng tháng ở thành thị Indonesia - đã giảm đi khi cô mua iPhone với thoả thuận hoàn tiền từ một sàn thương mại điện tử.
Pulungan không phải là người duy nhất đánh giá cao iPhone. Theo Counterpoint Research, doanh số iPhone tại thị trường Đông Nam Á đã tăng 18% trong quý I năm 2023 so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt là ở Indonesia và Việt Nam, nhu cầu iPhone rất cao, ngay cả khi smartphone đã đạt đến điểm bão hòa ở những nơi khác trên khắp Đông Nam Á.
Những người trẻ tuổi đã chuyển từ Android sang iOS trong 12 tháng qua cho biết họ bị thu hút bởi thiết kế và máy ảnh tuyệt vời của iPhone cũng như hệ điều hành trực quan. Họ cho biết sẽ tiếp tục mua iPhone miễn là chất lượng của thương hiệu được giữ vững.
Trong lịch sử, Apple đã gặp khó khăn ở Đông Nam Á. Tại Indonesia - quốc gia lớn thứ 4 trên thế giới - các công ty Trung Quốc như Oppo, Vivo, Xiaomi và Realme đã thống trị doanh số bán smartphone, với những chiếc điện thoại Android cao cấp có giá chỉ 500 USD.
Các thương hiệu Trung Quốc đã làm tốt hơn nhiều so với Apple trong việc bản địa hóa hoạt động tiếp thị của họ, cũng như tạo thiện cảm với cộng đồng địa phương thông qua các sáng kiến tạo việc làm và cứu trợ thiên tai.
Nhưng giờ đây Apple đã và đang đạt được những bước tiến mới nhờ sức mạnh của chất lượng sản phẩm và sự giàu có ngày càng tăng của toàn bộ khu vực Đông Nam Á. Glen Cordoza, nhà phân tích cấp cao tại Counterpoint, nói rằng mức độ phổ biến của Apple trong khu vực đã được thúc đẩy nhờ iPhone 13 và 14, cũng như nhận thức của người tiêu dùng rằng Apple sản xuất các sản phẩm chất lượng cao.
“Rất nhiều người tiêu dùng ở các nền kinh tế mới nổi bắt đầu với điện thoại giá rẻ. Nhưng khi họ có nhiều tiền hơn, họ sẽ tìm tới iPhone”, ông nói.
Cả tầng lớp trung lưu và tầng lớp siêu giàu đang phát triển nhanh tại Indonesia. Chủ một đại lý uỷ quyền bán iPhone ở Jakarta cho biết ngay sau khi iPhone 14 ra mắt, các ông bố bà mẹ đã tìm đến cửa hàng của anh để mua điện thoại cho con cái họ. Họ muốn phiên bản mới nhất để con họ có trải nghiệm thoải mái hơn khi sử dụng điện thoại lúc chơi game và lên mạng xã hội.
Le Xuan Chiew, nhà phân tích tại công ty nghiên cứu công nghệ Canalys có trụ sở tại Singapore, nhận định những người trẻ tuổi tại Đông Nam Á đang giúp ích cho Apple.
“Tầng lớp trung lưu mà Apple nhắm đến theo truyền thống là những người tiêu dùng trưởng thành. Nhưng bây giờ Apple nhắm mục tiêu tới giới trẻ nhiều hơn”, Chiew nói.
Apple đã tìm cách bán cho đối tượng có thị hiếu cao cấp mà không nhất thiết phải là giới thượng lưu, tạo ra các chương trình đi kèm với các nhà khai thác địa phương và giới thiệu các gói thanh toán trả góp.
Thực tế, Apple chỉ có 3 cửa hàng tại Đông Nam Á, gồm Singapore, Thái Lan và Malaysia. Nhưng Apple đang mở rộng theo những cách khác nhau
Vào tháng 5, Apple đã khai trương cửa hàng trực tuyến chính thức đầu tiên tại Việt Nam. Vào tháng 3, thương hiệu điện tử Indonesia Erajaya, cũng là đại lý bán lẻ lớn được uỷ quyền của Apple tại quốc gia này, đã mở một cửa hàng cấp Đối tác Cao cấp ở Jakarta - nơi mang đến trải nghiệm cho khách hàng gần giống với Apple Store chính thức.
Tham khảo: Rest of World