Nathan Thacker, sống ở ngoại ô Atlanta, đã cố gắng chuyển 1.700 USD từ tài khoản Apple sang JPMorgan Chase kể từ ngày 15/5. Mỗi lần như vậy, người đàn ông này lại nhận được mẩu tin nhắn yêu cầu chờ thêm vài ngày.
Cuối cùng, đến tận ngày hôm nay, Nathan mới chuyển được tiền. Anh chỉ là một rất nhiều những khách hàng thường xuyên gặp trục trặc trong quá trình giao dịch, thậm chí nhiều lúc còn không thấy tiền trong tài khoản vì hệ thống lỗi.
“Phản ứng của khách hàng đối với tài khoản tiết kiệm mới rất tuyệt vời, vượt ngoài sự mong đợi. Tuy nhiên, trong một số trường hợp hạn chế, người dùng có thể sẽ gặp phải tình trạng chuyển tiền bị chậm do các quy trình được thiết kế để giúp bảo vệ tài khoản”, đại diện Apple cho biết.
Được biết, đối với tài khoản tiết kiệm của Apple, các giao dịch giá trị cao có thể kích hoạt cảnh báo chống rửa tiền hoặc các vấn đề bảo mật khác. Khách hàng cho biết sự chậm trễ thường kéo dài ít nhất 5 ngày.
Min-Jae Lee tò mò muốn dùng thử tài khoản Apple vì bị thu hút bởi lãi suất cao. Cô gái này gửi 100.000 USD vào tháng 4 nhưng sau đó đổi ý nên quyết định rút tiền. Quá trình kéo dài những 3 tuần - quá lâu so với một dịch vụ chuyển tiền tiêu chuẩn.
Dennis Lormel, một cố vấn ngân hàng, cho biết việc một ngân hàng trì hoãn chuyển tiền nhằm mục đích đảm bảo tính thẩm định là hợp lý, tuy nhiên, thời gian chờ quá lâu như trường hợp Apple là vô cùng lạ.
“Việc trì hoãn từ 2-4 tuần quá lâu. Là một người thường xuyên giao dịch với các ngân hàng, điều đó với tôi là không hợp lý”, ông Dennis Lormel nói.
Trước đó, Apple cho ra mắt dịch vụ gửi tiết kiệm lãi suất 4,15% với sự hợp tác cùng ngân hàng Goldman Sachs. Theo FDIC (Công ty bảo hiểm tiền gửi Liên bang), lãi suất trung bình hàng năm với với các tài khoản tiết kiệm truyền thống chỉ là 0,35%, vì vậy, mức lãi suất Apple đưa ra vô cùng hấp dẫn.
Tài khoản tiết kiệm không yêu cầu số tiền gửi tối thiểu và được bảo vệ bởi Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang. Số dư tối đa là 250.000 USD.
So với các đối thủ khác trong cùng phân khúc, 4,15% con số đáng chú ý. American Express đang trả mức lãi 3,75%, còn sản phẩm tiết kiệm của riêng Goldman (dưới thương hiệu Marcus) có mức lãi suất 3,9%. Tài khoản tiết kiệm của Capital One không yêu cầu số dư tối thiểu và có lãi suất 3,5%/năm. Vio Bank cao hơn với mức lãi suất 4,77% và cũng không yêu cầu số dư tối thiểu.
Yiming Ma, trợ lý giáo sư tài chính tại Đại học Columbia, cho biết lãi suất hiện có của Apple có thể đặc biệt hấp dẫn đối với những khách hàng mới - những người vốn lo ngại sự ổn định của lĩnh vực ngân hàng sau sự sụp đổ của ngân hàng SVB.
Đối với Apple, tài khoản gửi tiết kiệm chính là một cách để khách hàng liên kết với hệ sinh thái. Đối với Goldman, đây là một cách để xây dựng tiền gửi. Được biết Goldman đã cắt giảm cho vay tiêu dùng và đang “xem xét các lựa chọn thay thế chiến lược”, bao gồm quan hệ đối tác thẻ tín dụng với Apple.
Tuy nhiên, sự chậm trễ trong quá trình chuyển, rút tiền khiến đa số chán trường. Kevin Smyth, một khách hàng ở Minnesota, đã thử chuyển 10.000 USD từ tài khoản Apple sang Ngân hàng Mỹ vào ngày 16/5 vì cần tiền tu sửa tầng hầm. Khi liên hệ với ngân hàng, Smyth được thông báo không có giao dịch nào được thực hiện.
Goldman cuối cùng viện lý do tài khoản của Smyth đang được xem xét bảo mật. Quá tức giận, anh chàng này tweet với Giám đốc điều hành Apple Tim Cook vào ngày 25/5 với nội dung như sau: “Ông đang lên kế hoạch cùng với một ngân hàng nắm giữ tiền tiết kiệm cả đời của mọi người làm tin đúng không?”.
Được biết cuối tháng 3, Apple gia nhập cuộc đua mua trước trả sau với tính năng Apple Pay Later, cho phép khách hàng chia nhỏ các giao dịch thành 4 khoản thanh toán trải đều trong 6 tuần mà không tính lãi hoặc phí.
Người dùng Apple cũng có thể đăng ký khoản vay trong ứng dụng Wallet, từ 50 USD đến 1000 USD mà không bị tính lãi hoặc phí, để mua hàng trực tuyến thông qua ứng dụng thanh toán của Apple là Apple Pay trên iPhone và iPad. Apple cho biết hơn 85% các nhà bán lẻ ở Mỹ chấp nhận thanh toán bằng Apple Pay.
Theo ông Noah Damsky, Giám đốc tại Marina Wealth Advisors, Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) hiện chỉ chi trả bảo hiểm cho những khoản gửi dưới 250.000 USD. Chính vì vậy, người dùng được khuyên nên chia nhỏ các khoản tiền gửi.
"Nếu tài khoản của bạn chạm đến mức 250.000 USD, hãy đầu tư vào trái phiếu kho bạc hoặc chia nhỏ chúng ra để gửi vào ngân hàng khác", ông Damsky cho biết.
Đặc biệt, đối với sản phẩm tiền gửi của Apple, ông cảnh báo khách hàng nên cẩn thận với những rủi ro về bảo mật vì có quá nhiều thông tin tài chính cá nhân cần chia sẻ với công ty.
"Việc bạn mất điện thoại hoặc ID Apple sẽ khiến chính chiếc iPhone trở thành một ngân hàng di động", ông Damsky nhấn mạnh.