Trong tham luận tại hội hội nghị triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Nghị quyết 24) được tổ chức mới đây, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, khẳng định đây là văn kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển vùng Đông Nam bộ nói chung và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng, trong đó có chủ trương về hình thành Khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ.
Theo ông Thọ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có vị trí chiến lược nằm trên trục đường xuyên Á, có hệ thống cảng nước sâu được xếp loại đặc biệt của quốc gia có thể tiếp nhận tàu container trọng tải 80.000: 250.000 tấn (6.000-24.000 TEU) hoặc lớn hơn. Tỉnh cũng giữ vai trò cửa ngõ hướng ra biển của vùng Đông Nam bộ.
Với việc đầu tư các dự án: đường cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu, đường vành đai 4 TP.HCM, đường sắt Biên Hoà - Vũng Tàu, hệ thống giao thông liên cảng, sẽ hình thành hệ thống giao thông đa phương thức, kết nối liên hoàn, đồng bộ giữa hệ thống cảng Thị Vải, Cái Mép - Trung tâm logistics Cái Mép Hạ - Cảng hàng không quốc tế Long Thành - Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM - Các trung tâm dịch vụ logistics, các khu công nghiệp, đô thị trong vùng Đông Nam Bộ.
Đồng thời, kết nối vùng Đông Nam bộ với các vùng khác trên cả nước, với các quốc gia trong hành lang kinh tế xuyên Á và với các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương và toàn thế giới...
Lợi thế tự nhiên của Bà Rịa – Vũng Tàu được sự hỗ trợ của vùng Đông Nam Bộ, nơi đóng góp 32% GDP, 44,7% tổng thu ngân sách nhà nước, vùng sản xuất ra lượng hàng hóa lớn nhất cả nước, chiếm 45% tổng khối lượng hàng hóa và hơn 60% khối lượng container thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam... Đây là nguồn tài nguyên, nguồn lực quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Và đây cũng là lý do Bộ Chính trị thống nhất chủ trương chọn Cái Mép Hạ để thiết lập mô hình khu thương mại tự do để tạo động lực mới phát triển vùng Đông Nam Bộ.
Ông Thọ cho biết thêm, để chuẩn bị sẵn sàng cho việc hình thành Khu thương mại tự do Cái Mép Hạ, trong thời gian vừa qua tỉnh đã chủ động cập nhật chủ trương phát triển khu thương mại tự do vào Quy hoạch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tổ chức lập quy hoạch Trung tâm logistic Cái Mép Hạ với diện tích 1.686,73ha; lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án để trình cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư.
Để sớm hình thành Khu thương mại tự do Cái Mép Hạ theo Nghị quyết 24, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ khẩn trương xác định vị trí, quy mô khu thương mại tự do; giao cơ quan chuyên môn xác định cụ thể diện tích, địa điểm xây dựng khu thương mại tự do với toạ độ địa lý, ranh giới cụ thể...
Tỉnh cũng sẽ tập trung xây dựng chiến lược thu hút các nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính, năng lực quản lý đến khu thương mại tự do, tập trung vào các ngành kinh tế trụ cột của tỉnh, như: công nghiệp công nghệ cao, cảng biển - logistic, du lịch - thương mại, các lĩnh vực công nghệ - tài chính, kinh tế số…
“Ngay trong quá trình lập Đề án nghiên cứu khả thi, quy hoạch các khu chức năng của khu thương mại tự do, tỉnh sẽ mời các nhà thầu có uy tín trên thế giới để thiết lập các lộ trình và định hướng phát triển đầu tư, sinh lợi rõ ràng để các nhà đầu tư lớn thế giới tin tưởng, lựa chọn Khu thương mại tự do Cái Mép Hạ là địa điểm ưu tiên cho các dự án đầu tư của họ”, ông Thọ nói.
Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ xây dựng hệ thống chính sách phát triển Khu thương mại tự do đồng bộ, cạnh tranh và hiệu quả, làm sao tạo công ăn việc làm, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, thu hút ngoại tệ và tạo ra giá trị gia tăng cao.
Một trong những ví dụ cụ thể, đó là xây dựng chính sách phát triển kinh tế - thuế quan cạnh tranh, tạo được ưu thế đặc thù, riêng biệt, nổi bật so với khu vực Đông Nam Á và thế giới; hình thành hệ thống nghiệp vụ bảo hộ thuế linh hoạt của khu thương mại tự do.
“Chúng tôi cho rằng, chính sách ưu đãi về tài chính phải hướng đến khuyến khích đầu tư dài hạn, ngăn chặn các kẽ hở, có nguy cơ dẫn đến lợi dụng ‘đầu tư lướt sóng’, trục lợi ngắn hạn. Trong khi đó, chính sách về đất đai, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước phải phòng ngừa tình trạng đầu cơ, lợi ích nhóm, trục lợi…”, ông Thọ nhấn mạnh.
Theo ông Thọ, chủ trương hình thành khu thương mại tự do Cái Mép Hạ không phải là một cơ chế ưu đãi dành riêng cho Bà Rịa – Vũng Tàu mà là cơ chế đặc thù cho cả vùng Đông Nam Bộ.
Sự ra đời của khu thương mại tự do Cái Mép Hạ sẽ tạo ra một công cụ kinh tế hữu hiệu để Việt Nam có thể cạnh tranh với các nước khu vực trong thu hút đầu tư và thực hiện chiến lược công nghiệp hóa giai đoạn mới, là động lực để Vùng Đông Nam Bộ có thể đóng góp lớn hơn vào sự phát triển và thịnh vượng chung của cả nước.
Một trong những nội dung của Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, đó là phát triển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, bao gồm cả cảng biển du lịch và các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hoá, thể thao, các dịch vụ vui chơi giải trí chất lượng cao.
Tiểu vùng ven biển gồm khu vực Cần Giờ (TP.HCM) và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là khu vực phát triển mạnh các ngành kinh tế biển: cảng biển, logistics, khai thác dầu khí, hoá dầu, du lịch biển, đảo, khai thác, nuôi trồng và chế biến thuỷ sản.
Hình thành khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ. Phát triển thành phố Vũng Tàu thành trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế.