Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 804/QĐ-TTg công bố danh mục cảng biển Việt Nam gồm 34 cảng biển.
Theo danh mục, có 2 cảng biển loại đặc biệt là cảng biển Hải Phòng và cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu, sẽ được ưu tiên phát triển.
Nguồn: Quyết định số 804/QĐ-TTg.
11 cảng biển loại I gồm: Cảng biển Quảng Ninh, Cảng biển Thanh hóa, Cảng biển Nghệ An, Cảng biển Hà Tĩnh, Cảng biển Đà Nẵng, Cảng biển Quảng Ngãi, Cảng biển Bình Định, Cảng biển Khánh Hòa, Cảng biển TP. Hồ Chí Minh, Cảng biển Đồng Nai, Cảng biển Cần Thơ.
7 cảng biển loại II gồm: Cảng biển Quảng Bình, Cảng biển Quảng Trị, Cảng biển Thừa Thiên Huế, Cảng biển Bình Thuận, Cảng biển Đồng Tháp, Cảng biển Hậu Giang và Cảng biển Trà Vinh.
Ngoài ra 14 cảng biển Nam Định, Thái Bình, Quảng Nam, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, An Giang, Vĩnh Long, Cà Mau, Kiên Giang là cảng biển loại III.
Trước đó, Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 76/2021/NĐ-CP ngày 28/7/2021 quy định tiêu chí phân loại cảng biển.
Nghị định số 76 quy định việc đánh giá, phân loại cảng biển theo phương thức chấm điểm. Thang điểm đánh giá là 100 điểm, với nhiều tiêu chí cụ thể.
Dựa vào số điểm, cảng biển được đánh giá và phân thành 4 loại, đó là cảng biển đặc biệt có tổng số điểm chấm đạt trên 90 điểm; cảng biển loại I có tổng số điểm chấm đạt trên 70 - 90 điểm.
Còn cảng biển loại II có tổng số điểm chấm đạt từ 50 - 70 điểm; cảng biển loại III có tổng số điểm chấm dưới 50 điểm.
Theo Nghị định này, tiêu chí để đánh giá, phân loại các cảng biển tại Việt Nam gồm 2 tiêu chí, về phạm vi ảnh hưởng của cảng biển và tiêu chí về quy mô của cảng biển.
Tiêu chí về phạm vi ảnh hưởng của cảng biển được đánh giá trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, qua các chỉ tiêu sau: cảng biển phục vụ cho việc phát triển kinh tế-xã hội của cả nước, hoặc liên vùng và có chức năng trung chuyển quốc tế, hoặc cảng cửa ngõ quốc tế; cảng biển phục vụ cho việc phát triển kinh tế-xã hội của cả nước hoặc liên vùng; cảng biển phục vụ cho việc phát triển kinh tế-xã hội của vùng; cảng biển phục vụ cho việc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Còn tiêu chí về quy mô của cảng biển được đánh giá trên cơ sở sản lượng hàng hóa thông qua và cỡ trọng tải tàu được tiếp nhận tại cảng biển, thông qua các chỉ tiêu về sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển; cỡ trọng tải tàu tiếp nhận tại cảng biển.
6 tháng đầu năm, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển chỉ tăng 2% so với cùng kỳ, ước đạt gần 371 triệu tấn. Đáng chú ý, nhiều khu vực cảng biển lớn như Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh cùng lượng hàng nhập khẩu vẫn tiếp đà giảm trong nhiều tháng liên tục.
Cụ thể, hàng xuất khẩu ước đạt gần 94 triệu tấn, tăng 2%. Hàng nhập khẩu ước đạt hơn 105 triệu tấn, giảm 8%, tiếp nối đà giảm nhiều tháng. Hàng nội địa ước đạt hơn 171 triệu tấn, tăng 9%. Riêng khối lượng hàng container ước đạt hơn 12,8 triệu TEUs, tăng 1% so với năm 2021.