Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Dành 25% đất để phát triển giao thông đô thị
Mục tiêu phát triển đến năm 2030, Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; là trung tâm kinh tế, văn hóa năng động của khu vực phía Bắc. Địa phương cũng được quy hoạch là một trong những cực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng, kết nối chặt chẽ với Thủ đô Hà Nội; có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển đồng bộ, hiện đại, với tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân của tỉnh Bắc Ninh đạt 8-9%/năm.
Quy hoạch nêu rõ mục tiêu phấn đấu trước năm 2030, tỉnh Bắc Ninh có 4 thành phố gồm: Bắc Ninh, Từ Sơn, Tiên Du, Yên Phong; 2 thị xã là Quế Võ, Thuận Thành và 2 huyện: Lương Tài, Gia Bình.
Tại Bắc Ninh sẽ định hướng phát triển hệ thống giao thông ngầm, không gian ngầm theo mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng (TOD). Tỷ lệ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị đến năm 2030 đạt 25%.
Một trong những đột phá phát triển được nêu rõ tại quy hoạch này đó là đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhất là hạ tầng giao thông (đường sắt đô thị, giao thông ngầm; giao thông kết nối nội vùng, liên vùng); hạ tầng đô thị trên phạm vi toàn tỉnh, hướng tới phát triển đô thị xanh, thông minh; các hạ tầng số cốt lõi tạo động lực phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, công dân số.
Đồng thời, hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp để thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế; chuyển đổi các khu công nghiệp theo hướng xanh, tuần hoàn, bền vững; phát triển hạ tầng thương mại, thương mại điện tử; phát triển các trung tâm logistics lớn luân chuyển hàng hóa của khu vực phía Bắc và cả nước.
Huy động tối đa nguồn lực trong và ngoài nước, khuyến khích đầu tư theo phương thức đối tác công tư; dành quỹ đất hợp lý để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm hành lang an toàn giao thông. Tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và bảo vệ môi trường trong giao thông vận tải.
Danh mục dự án giao thông ưu tiên
Về hạ tầng giao thông, quy hoạch nêu rõ các tuyến quốc lộ, cao tốc, đường bộ, đường thủy nội địa, cảng hàng không và sân bay thực hiện theo các quy hoạch ngành quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cụ thể, về đường bộ, đến năm 2030, hoàn thành đầu tư và khai thác 04 tuyến cao tốc, đưa tổng chiều dài cao tốc, quốc lộ và đường vành đai trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 190 km; xây dựng hoàn chỉnh các tuyến đường tỉnh đạt khoảng 420 km.
Hiện có hai tuyến cao tốc đi qua địa bàn tỉnh gồm: cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Như vậy dự kiến bổ sung 2 tuyến cao tốc mới, đó là đường Vành đai 4 và cao tốc Bắc Ninh - Phả Lại.
Với đường thuỷ nội địa, ngoài 04 tuyến đường thủy do trung ương quản lý, quy hoạch 03 tuyến do địa phương quản lý. Phát triển cảng, bến thủy nội địa phù hợp với Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành và quy hoạch khác có liên quan.
Về đường sắt giai đoạn 2021- 2030, nâng cấp, cải tạo tuyến Hà Nội - Lạng Sơn thông qua xây dựng mới tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng đường đơn, khổ lồng 1.000 mm và 1.435 mm, chiều dài dự kiến 167 km và tuyến vành đai phía Đông thành phố Hà Nội từ Ngọc Hồi - Lạc Đạo - Bắc Hồng; đường đôi, khổ lồng 1.000 mm và 1.435 mm với chiều dài khoảng 59 km.
Tuyến Yên Viên - Hạ Long từ Lim đến Phả Lại: đường đơn, khổ lồng 1.000 mm và 1.435 mm. Cùng với đó, bổ sung quy hoạch tuyến đường sắt dọc Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội.
Về bến xe đến năm 2025, giữ nguyên 03 bến xe hiện tại, chỉ đầu tư nâng cấp, cải tạo đạt theo đúng quy chuẩn bến xe quy định. Đồng thời, xây dựng mới 03 bến xe tại thành phố Bắc Ninh, thành phố Từ Sơn và huyện Yên Phong;
Đến năm 2030, nâng cấp, cải tạo các bến xe khách đạt theo quy chuẩn và quy định đối với các tuyến vận tải khách cố định liên tỉnh và bến xe buýt; xây dựng mới 04 bến xe khách.
Quy hoạch cũng nêu rõ quy hoạch 01 cảng hàng không tiềm năng tại huyện Gia Bình dự kiến quy mô khoảng 245 ha.
Đến năm 2045, sân bay Gia Bình là sân bay trực thăng cấp 3, sân bay quân sự cấp 3, sân bay dân dụng tương đương cấp 3C theo tiêu chuẩn của ICAO. Sân bay này có nhiệm vụ chủ yếu là phục vụ nhiệm vụ bay huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu trên các loại trực thăng được trang bị; dự bị cho hoạt động bay quân sự và một số hoạt động hàng không dân dụng khác.
Đáng chú ý, tại Bắc Ninh quy hoạch 04 cảng cạn; nghiên cứu phát triển bổ sung một số cảng cạn tại các khu công nghiệp có quy mô lớn, kết nối thuận lợi với đường bộ, đường thủy nội địa, có thể tích hợp với các trung tâm logistics.
Riêng với các cảng thủy nội địa, Bắc Ninh quy hoạch phát triển các cảng thủy nội địa trên sông Đuống (15 cảng), sông Cầu (6 cảng) và trên sông Thái Bình (3 cảng).
Đối với bến thủy nội địa, sẽ phát triển 8 bến trên sông Đuống (gồm bến Phật Tích – huyện Tiên Du, Kinh Dương Vương – thị xã Thuận Thành, các bến Lê Văn Thịnh, Lệ Chi Viên, Đại Bi, Cao Lỗ Vương, Nguyệt Bàn và bến Đền Tam Phủ thuộc huyện Gia Bình).
Với công trình hạ tầng giao thông khác, quy hoạch nêu rõ với hệ thống đường sắt đô thị, sẽ nghiên cứu đưa vào áp dụng đường sắt LRT (Light Rapid Transit - Tàu điện nhẹ) dựa trên việc chuyển đổi mục đích sử dụng BRT (xe buýt tốc hành). Nghiên cứu quy hoạch và chuẩn bị đầu tư xây dựng 12 tuyến đường sắt đô thị dọc các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ và đường chính đô thị.
Cùng với đó, xây dựng hạ tầng giao thông ngầm thông qua bố trí ga tàu điện ngầm tại các khu vực trung tâm đô thị Bắc Ninh (thành phố Bắc Ninh, thị trấn Lim, thành phố Từ Sơn, phường Nam Sơn) và đô thị Hồ; đồng thời, nghiên cứu kết hợp phát triển trung tâm thương mại, dịch vụ; phát triển các hạ tầng hầm đường bộ, bãi đỗ xe ngầm.
Ngoài ra, xây dựng 3 trung tâm mới tại thành phố Bắc Ninh, huyện Yên Phong và thị xã Quế Võ.