Trong cuộc họp chính sách ngày 14/12 (theo giờ địa phương), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm, đưa lãi suất quỹ liên bang lên 4,25-4,5%, mức cao nhất trong vòng 15 năm.
Đây là điều đã được đa số nhà đầu tư dự đoán từ trước. Mức tăng này chấm dứt chuỗi 4 lần liên tiếp tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 6, tháng 7, tháng 9 và tháng 11.
Phố Wall chìm trong sắc đỏ dù ngân hàng trung ương Mỹ đã giảm tốc độ tăng lãi suất. "Vấn đề không nằm ở động thái của Fed trong cuộc họp tháng 12, mà là việc cơ quan này sẽ thắt chặt tới mức nào", ông Craig Erlam - chuyên gia phân tích thị trường cấp cao có trụ sở ở Anh - nhận định với Zing.
Phố Wall chưa thể thở phào
Kết thúc phiên giao dịch ngày 14/12, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 142,29 điểm, tương đương 0,42%, còn 33.966 điểm. Chỉ số S&P 500 mất mốc 4.000 điểm sau khi lao dốc 0,61%. Còn chỉ số Nasdaq ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong 3 chỉ số chứng khoán chính của Mỹ với 0,76%.
Các thành viên FOMC - cơ quan hoạch định chính sách của Fed - dự kiến giữ lãi suất ở mức cao trong năm tới và không giảm lãi suất cho đến năm 2024. Theo dot plot - biểu đồ thể hiện kỳ vọng lãi suất của từng thành viên FOMC, mức lãi suất cuối cùng của chu kỳ tăng được dự đoán là 5,1%.
Trong cuộc họp báo diễn ra ngay sau cuộc họp, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho rằng dữ liệu lạm phát trong tháng 10 và tháng 11 cho thấy xu hướng giảm "đáng hoan nghênh".
Nhưng chúng ta cần nhiều bằng chứng hơn để tin rằng lạm phát đang trên đà đi xuống bền vững
Chủ tịch Fed Jerome Powell
"Nhưng chúng ta cần nhiều bằng chứng hơn để tin rằng lạm phát đang trên đà đi xuống bền vững", ông nhấn mạnh.
Người đứng đầu ngân hàng trung ương Mỹ nhấn mạnh rằng cần tiếp tục đối phó với lạm phát. Chỉ có như vậy, xu hướng tăng của giá cả mới chấm dứt.
Trong bài phát biểu hồi cuối tháng 11, ông Powell đã xác nhận ngân hàng trung ương Mỹ có thể giảm tốc độ tăng lãi suất ngay trong tháng 12. Nhưng ông cảnh báo rằng chính sách tiền tệ vẫn sẽ thắt chặt cho đến khi cuộc chiến chống lạm phát có những bước tiến đáng kể.
"Thời điểm điều chỉnh chính sách ít quan trọng hơn nhiều so với việc chúng ta cần tăng lãi suất bao nhiêu điểm nữa để kìm hãm lạm phát, và khoảng thời gian cần thiết để duy trì chính sách ở mức hạn chế", ông Powell nhận định.
"Có thể cần duy trì chính sách thắt chặt trong một thời gian để bình ổn giá cả. Lịch sử đã cho những bài học lớn về việc nới lỏng chính sách quá sớm", ông nhấn mạnh.
Tuyên bố chính sách của FOMC gần như không thay đổi so với cuộc họp tháng 11. Trước đó, giới quan sát cho rằng Fed sẽ thay đổi cụm từ "sự gia tăng liên tục" trong lãi suất thành một cụm từ bớt quyết liệt hơn.
Theo báo cáo được Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố hôm 13/12, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 của Mỹ tăng 0,1% so với một tháng trước đó và 7,1% so với một năm trước đó, thấp hơn dự báo của các nhà kinh tế được khảo sát bởi Dow Jones. Đây cũng là mức tăng hàng năm thấp nhất kể từ tháng 11/2021.
Kỳ vọng lãi suất 5-5,25%
Các thành viên FOMC dự đoán lãi suất điều hành sẽ tăng lên mức trung bình 5,1% vào năm tới, tương đương phạm vi mục tiêu là 5-5,25%. Đến lúc đó, Fed có thể tạm ngừng tác động tới nền kinh tế thông qua những chính sách tiền tệ thắt chặt.
Khảo sát đối với các quan chức Fed cho thấy cơ quan này có thể cắt giảm lãi suất 1 điểm phần trăm vào năm 2024, đưa lãi suất điều hành xuống 4,1% vào cuối năm đó.
Tiếp đó, Fed có thể cắt giảm lãi suất 100 điểm cơ bản vào năm 2025, trước khi cho phép lãi suất ổn định ở mức 2,5% trong dài hạn.
Các quan chức Fed tin rằng những đợt tăng lãi suất liên tục sẽ rút bớt tiền khỏi nền kinh tế. Điều này có thể làm giảm nhu cầu và kéo giá cả đi xuống. Lạm phát tại Mỹ đã vọt lên mức cao nhất trong hơn 40 năm.
FOMC đã hạ mục tiêu tăng trưởng GDP cho năm 2023 xuống 0,5%, tương đương mức của năm nay. Trong dự báo được đưa ra hồi tháng 9, cơ quan này dự báo tăng trưởng GDP trong năm 2022 và 2023 lần lượt là 0,2% và 1,2%.
FOMC cũng nâng ước tính đối với lạm phát cơ bản lên 4,8% trong năm 2022, tăng 0,3 điểm phần trăm so với dự báo tháng 9.