Nhật Bản đang phải đối mặt với vấn đề được người dân địa phương đặt tên là "gomi-yashiki (nhà rác)". Chủ những căn nhà trên, ngày càng trở nên phổ biến trên khắp Nhật Bản, thường vứt rác bừa bãi ra đường phố hoặc khu vực lân cận, gây khó chịu cho người dân xung quanh, thu hút các loài sâu bọ và tạo ra vấn đề cho chính quyền địa phương.
Theo South China Morning Post, một căn nhà 3 tầng ở quận Isogo của thành phố Yokohama thậm chí còn có những chiếc hộp, đồ nội thất và túi nhựa được xếp cao đến trần của nhà để xe tích hợp. Các thùng đựng đồ, giỏ hàng, ghế gấp và bạt cũng bị vứt một cách bừa bãi trên vỉa hè. Những đồ vật trên thậm chí còn lấn sang khu vực để xe của căn nhà bên cạnh.
Hàng nghìn căn nhà rác trên khắp Nhật Bản
Theo nghiên cứu của Bộ Môi trường Nhật Bản, trường hợp ở thành phố Yokohama chỉ là một trong số hơn 5.200 căn nhà rác được xác định trên khắp cả nước, tạo ra mối lo cho chính quyền địa phương.
Thủ đô Tokyo là nơi tập trung số căn nhà rác lớn nhất trên khắp cả nước với 880 trường hợp. Đứng thứ 2 là tỉnh Aichi ở miền Trung Nhật Bản với 538 căn nhà tràn ngập rác thải. Theo sau là tỉnh Chiba, phía đông thủ đô Tokyo, với 341 trường hợp được ghi nhận.
Trong khi một nghiên cứu vào năm 2017 ghi nhận tình trạng "nhà rác" ở 250 địa phương trên toàn quốc, trong báo cáo của Bộ Môi trường Nhật Bản, chính quyền của 661 khu vực đang gặp khó khăn trong việc thuyết phục hoặc buộc các chủ nhà dọn dẹp nơi ở của họ.
Một bài báo trên tờ Yomiuri vào hôm 29/5 đã kêu gọi chính phủ Nhật Bản thông qua một đạo luật mới để giải quyết "mối lo ngại tầm quốc gia" này thay vì đặt trách nhiệm lên chính quyền địa phương.
Nhiều người dân thường xuyên phàn nàn về mùi hôi thối đến từ những căn nhà ngập trong rác thải, đặc biệt là trong các tháng mùa hè. Trong khi đó, một số căn nhà khác trở thành nơi sinh sôi của các loài sâu bọ và gặm nhấm như gián và chuột.
Tại một số nơi, những khu vườn không được chăm sóc có thể lan sang nhà hàng xóm. Một số căn nhà cũ hơn, làm bằng gỗ còn có nguy cơ sụp đổ dưới sức nặng của lượng rác thải được tích tụ trong thời gian dài.
Quyền của chủ nhà
Nghiên cứu của chính phủ Nhật Bản đã nhận được phản hồi từ 1.700 địa phương, trong đó có 101 khu vực cho biết họ đã thông qua quy định buộc chủ tài sản phải giữ nhà của họ sạch sẽ.
Trong khi đó, 114 địa phương đã xây dựng các chương trình hỗ trợ người có thói quen tích trữ đồ đạc thông qua những biện pháp như hỗ trợ tài chính hoặc huy động nhân viên địa phương đến dọn dẹp lượng rác thải này.
Quận Adachi tại thủ đô Tokyo đã thiết lập một bộ phận đặc biệt thuộc cơ quan bảo vệ môi trường để giải quyết vấn nạn rác thải. Bộ phận này có một số điện thoại và địa chỉ email nơi người dân có thể báo cáo các vấn đề liên quan đến nhà rác hoặc cung cấp lời khuyên cho những chủ nhà gặp khó khăn về rác thải.
Tuy nhiên, những địa phương còn lại lập luận rằng luật về quyền của chủ tài sản không cho phép họ can thiệp để giải quyết vấn đề rác thải tại những nơi này, ngay cả trong những tình huống nghiêm trọng nhất.
"Có một căn nhà gần nơi bố mẹ tôi sống có vấn đề về rác thải. Cặp đôi sống cùng con trai họ ở nơi này đã qua đời và mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Không ai chăm sóc cho căn nhà và khu vườn. Cây cối ở nơi này đã vượt khỏi tầm kiểm soát và lấn sang những căn nhà lân cận", ông Makoto Watanabe, giáo sư về truyền thông tại Đại học Hokkaido Bunkyo cho biết.
Những nghiên cứu về thói quen tích trữ đồ đạc được thực hiện tại Mỹ cho biết hiện tượng này có liên quan đến chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (ÓCD). Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu tại Đại học Iowa đã không thể tìm ra nguyên nhân những người chủ tài sản muốn tích trữ đồ đạc hay cách để kiểm soát thói quen này.
Giáo sư Watanabe tin rằng phần lớn các căn nhà rác là hậu quả của việc những người chủ bị ảnh hưởng bởi một sự thay đổi nào đó và không thể thích ứng với cuộc sống mới của họ.
"Ngày càng có nhiều người cần được hỗ trợ trong cuộc sống vì nhiều lý do khác nhau. Có thể họ đã lớn tuổi, cảm thấy bị cô lập hoặc bị khuyết tật hay mắc các bệnh về tâm lý", ông nhận định.
"Do xã hội Nhật Bản đang thay đổi nhanh chóng, những người này cảm thấy không còn có thể dựa vào gia đình hoặc cộng đồng xung quanh như trong quá khứ", ông Watanabe bổ sung.
Một lý do khác mà hiện tượng này nhận được nhiều sự chú ý có thể là do làn sóng lan truyền của cụm từ "căn nhà rác" trên các phương tiện thông tin đại chúng.
"Các căn nhà này đã có từ trước. Nhưng khi các phương tiện truyền thông sử dụng thường xuyên cụm từ 'căn nhà rác', người dân cảm thấy họ ngày càng nhìn thấy chúng nhiều hơn", giáo sư Watanabe phân tích.