Bali, hòn đảo thiên đường của Indonesia, đang muốn thu hút những nhóm du khách thuộc diện "du mục công nghệ số", người về hưu hay người có kiến thức về y tế.
Bloomberg dẫn thông tin từ văn phòng nhập cư Bali cho biết chính quyền địa phương đã trục xuất 136 người nước ngoài kể từ đầu năm vì nhiều hành vi sai trái, trong đó có việc cư xử không đứng đắn và vi phạm quy định pháp luật.
Chỉ trong tháng vừa qua, một du khách người Đức đã phá hỏng buổi biểu diễn tại ngôi đền ở Ubud vì khỏa thân đi trên sân khấu, trong khi một phụ nữ Đan Mạch bị giam giữ vì để lộ bộ phận cơ thể nhạy cảm ở nơi công cộng.
Bên cạnh đó, một người đàn ông Anh vướng lao lý vì hành hung cảnh sát. Trước đó, người này đã từ chối thanh toán hóa đơn tại quán bar.
Những vụ việc đó khiến Thống đốc Bali I Wayan Koster rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan: Tiếp tục chấp nhận tất cả khách du lịch hay sẽ chọn lọc hơn dù phải đối mặt với rủi ro liên quan đến sự phục hồi du lịch của hòn đảo. Bali cũng có một lựa chọn khác về việc tái tạo hòn đảo thành trung tâm y tế và trung tâm nghiên cứu.
Indonesia đang tìm cách hợp tác với Mayo Clinic và Cleveland Clinic để xây dựng một trung tâm y tế ở Sanur, thị trấn yên tĩnh trên bờ biển phía Đông. Nơi đây cũng sẽ có các khách sạn sang trọng và cơ sở chăm sóc người cao tuổi.
Tại Serangan, Bali sẽ phát triển một trung tâm nghiên cứu để kết nối với Trung tâm Đông Nam Á của Đại học Thanh Hoa, Bloomberg dẫn nguồn tin.
Giống các điểm đến du lịch lân cận, hòn đảo vốn phụ thuộc vào du lịch này đã thiệt hại nặng nề trong đại dịch Covid-19, khi nhiều khách sạn, nhà hàng và cửa hàng lưu niệm đóng cửa.
Mặc dù du khách nước ngoài đã tăng trở lại lên 2,16 triệu vào năm ngoái, con số đó vẫn chỉ bằng 1/3 trong số hơn 6 triệu người đến hòn đảo vào năm 2019.
Khi khách nước ngoài quay trở lại, ông Koster đang muốn xây dựng một kế hoạch du lịch mới có thể hạn chế những vị khách không mong muốn và thu hút những du khách có xu hướng chi tiêu nhiều hơn, tiếp sức cho nền kinh tế địa phương và cư xử tốt.
“Du lịch vẫn là trụ cột, nhưng nó sẽ ở một vị thế khác nhiều so với trước đây”, ông Koster nói.
Bali đang trải thảm đỏ cho các nhà đầu tư tiềm năng, cung cấp các khoản giảm thuế cũng như các quy tắc tuyển dụng và cấp phép dễ dàng hơn, nhằm mang lại 477.000 tỷ rupiah (32 tỷ USD) nguồn thu ngoại tệ cho đến năm 2052.
Khách du lịch có hành vi sai trái sẽ không được chào đón như trước. Bali đang xem xét áp thuế nhập cảnh và hạn ngạch đối với du khách, đồng thời cấm họ leo núi, chạm vào cây thiêng hoặc thuê xe máy.
“Thuế du lịch” lên tới 150 USD đang được chính phủ Indonesia xem xét nhằm hạn chế hành vi xấu, đặc biệt là ngăn chặn việc Bali bị coi là điểm đến du lịch giá rẻ.
Người nước ngoài có kỹ năng trong các lĩnh vực kỹ thuật số, y tế, nghiên cứu và công nghệ có thể đủ điều kiện nhận “thị thực vàng”, cho phép họ sở hữu tài sản và nhanh chóng có quốc tịch.
Những khách có số tiền tương đương ít nhất 2 tỷ rupiah trong tài khoản ngân hàng có thể nhận được thị thực "ngôi nhà thứ hai" để ở lại tới 10 năm.
“Nhiều quốc gia đã cấp thị thực vàng vì chúng mang lại nhiều lợi ích bằng cách tăng đầu tư", Bộ trưởng Du lịch Sandiaga Uno chia sẻ hôm 5/6. Các quy định về thị thực lưu trú dài hạn sẽ sớm được ban hành, ông cho biết thêm.