Theo South China Morning Post, hồ bơi trên sân thượng hay thiết kế cheo leo bên vách đá là 2 trong số những điểm nhấn mà các khách sạn nghỉ dưỡng ở Bali (Indonesia) đang cố gắng tạo ra để thu hút du khách và nhà đầu tư.
Theo ông Jing Cho Yang, Giám đốc điều hành của Bukit Vista, ngành du lịch ở Bali đang phục hồi sau 2 năm đại dịch Covid-19. Hiện thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tại đây ghi nhận 2 xu hướng ấn tượng từ góc độ cho thuê.
“Đầu tiên là sự cải tiến của các trang web đặt phòng. Thứ hai là những thay đổi về mặt pháp lý nhằm khuyến khích chủ sở hữu đầu tư vào bất động sản của họ nhiều hơn”, ông Yang bình luận.
Cuộc đua về sự khác biệt
Hiện tại ở Bali có khoảng 10.000 bất động sản du lịch phục vụ mục đích cho thuê. Chủ đầu tư tại những dự án này đang cạnh tranh không ngừng nhằm “lọt vào mắt xanh” của khách hàng.
“Các kiến trúc độc đáo được yêu thích nhiều hơn so với lối thiết kế thông thường. Các công cụ như Airbnb và Booking cũng thường ưu tiên các khách sạn có phần hình ảnh nổi bật”, ông Yang chia sẻ.
Công ty Magnum Estate gần đây đã công bố dự án Magnum Residence Berawa. Chủ đầu tư cho biết nơi đây sở hữu hồ bơi trên sân thượng lớn nhất thế giới với chiều dài lên tới 190 m, tương đương với gần 4 bể bơi Olympic.
Bất động sản này là một khu phức hợp 4 tầng gồm có 150 căn hộ cao cấp. Dự án cung cấp các căn hộ một và 2 phòng ngủ với diện tích tối thiểu là 80 m2. Nơi đây tọa lạc tại khu vực ven biển Canggu, một địa điểm du lịch nổi tiếng ở Bali.
Trong khi đó, khu nghỉ dưỡng sang trọng Ayana Segara Bali lại nổi bật nhờ việc treo mình bên vách đá. Bên cạnh đó, nơi đây cũng sở hữu hồ bơi trong nhà lớn nhất ở Bali.
Ngoài ra, dự án này sở hữu tới 193 căn hộ và có 4 dãy phòng cung cấp không gian chung dành cho du khách.
Mở đường về pháp lý
Các chủ sở hữu bất động sản đã có một bước ngoặt lớn khi họ có thể chuyển từ việc sở hữu toàn quyền phức tạp sang quyền sở hữu cho thuê.
Trước đó, người nước ngoài chỉ được phép sở hữu tài sản theo thỏa thuận sở hữu toàn quyền. Theo đó, họ phải thành lập một công ty với số vốn 10 tỷ rupiah (tương đương 670.000 USD).
“Hầu hết nhà đầu tư đều bị hướng vào việc sở hữu toàn quyền. Khi đó, họ sẽ phải đối mặt với các thỏa thuận phức tạp liên quan đến cá nhân được ủy quyền, các khoản thế chấp, quyền thừa kế…”, ông Yang bình luận.
Nhà đầu tư đang ngày càng quan tâm nhiều hơn đến chất lượng dự án, thay vì lo lắng đến tính an toàn
Ông Jing Cho Yang, Giám đốc điều hành của Bukit Vista
Vị giám đốc này cũng cho biết thêm rằng kể từ khi thị trường chuyển sang hình thức cho thuê, vấn đề pháp lý đã trở nên minh bạch và đúng với tinh thần của luật hơn.
“Nhà đầu tư đang ngày càng quan tâm nhiều hơn đến chất lượng dự án, thay vì lo lắng đến tính an toàn”, ông Yang bình luận.
Ông Kashif Ansari, người sáng lập và CEO tại Công ty Juwai IQI, cho biết lợi nhuận của các doanh nghiệp tại Bali vẫn chủ yếu đến từ du lịch, bất chấp việc đầu tư bất động sản đang có triển vọng tốt.
“Bất động sản Bali từng là một khoản đầu tư rất tốt cho đến khi đại dịch chấm dứt thời kỳ bùng nổ giá của thị trường địa ốc. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng tình hình sẽ khởi sắc trong 3 năm tới”, ông Kashif Ansari chia sẻ.
Theo số liệu được cung cấp bởi Chính phủ Indonesia, số lượng du khách đến đảo Bali trong tháng 2 đã tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức 323.623 du khách.
“Giá nhà đất ở Bali đã có những chuyển biến tích cực trong năm 2020. Với việc ngành du lịch vẫn đang phục hồi, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng sẽ sớm ‘nóng’ trở lại”, ông Kashif Ansari nhận định.