Vừa mua chiếc sedan cỡ nhỏ cho gia đình cách đây không lâu, anh Thanh Hoàng (quận 11, TP.HCM) cho biết về cơ bản khá hài lòng với mọi khía cạnh của chiếc xe, ngoại trừ khả năng chống ồn.
“Di chuyển trên cao tốc ở tốc độ cao là lúc tôi cảm thấy mệt mỏi nhất, bởi tiếng ồn vọng lên từ mặt đường là quá lớn”, anh Thanh Hoàng cho biết.
Sau một thời gian sử dụng xe, anh quyết định tìm kiếm các giải pháp nhằm tăng khả năng cách âm cho chiếc xe của mình.
Chi phí hàng chục triệu đồng
Khi tìm hiểu trên mạng, anh Thanh Hoàng nhận thấy có một số biện pháp thông dụng để cải thiện khả năng cách âm cho ôtô, trong đó bao gồm dán vật liệu cách âm cho thân xe và phủ gầm.
“Tôi liên hệ với một xưởng độ tại khu vực TP.HCM thì được tư vấn dịch vụ nâng cấp cách âm trọn gói với giá hơn 20 triệu đồng”, anh Thanh Hoàng kể với Zing.
Chủ xe này cho biết nhân viên đã tư vấn dán vật liệu cách âm cho các vị trí trên xe như sàn, cốp, cửa xe và hốc bánh.
Nhân viên của xưởng cho biết cách làm nói trên sẽ giúp giảm độ ồn đáng kể cho xe trong quá trình vận hành, đồng thời cải thiện trải nghiệm của khách hàng với hệ thống âm thanh trang bị trên xe.
Trong khi đó ở biện pháp phủ gầm, các xưởng sẽ tiến hành phủ một lớp vật liệu (thường là cao su non) vào phần gầm xe. Theo lời một xưởng độ, biện pháp này sẽ giúp hạn chế độ ồn của âm thanh phát sinh khi đá dăm bắn vào gầm xe.
Theo tìm hiểu của Zing, các xưởng ôtô đang thực hiện các biện pháp cách âm chống ồn cho xe tại một số vị trí cơ bản. Trong đó những nơi thường được lưu tâm bao gồm 4 cửa xe, khoang máy, sàn xe, hốc bánh và trần xe.
Chi phí để thực hiện cách âm, chống ồn cho ôtô cũng khá đa dạng, tùy thuộc vào nhu cầu của người tiêu dùng, loại xe cũng như vật liệu được sử dụng.
Nhìn chung, mức giá thị trường để cách âm, chống ồn trọn gói cho ôtô dao động từ vài triệu đồng cho đến cả chục triệu đồng. Thậm chí nếu chủ xe có nhu cầu sử dụng vật liệu cao cấp, chi phí có thể tăng lên đến khoảng 20 triệu đồng. Các xưởng cho biết chi phí nói trên đã bao gồm phí nhân công, đi kèm chính sách bảo hành vĩnh viễn cho người dùng.
Hiệu quả đến đâu
Trao đổi với Zing, anh Nguyễn Đức - kỹ thuật viên ôtô lành nghề - cho biết có ba yếu tố chính ảnh hưởng đến khả năng cách âm của ôtô, bao gồm phần lốp xe, kết cấu vỏ xe và các vật liệu cách âm.
Anh Đức cũng cho biết trong ba yếu tố nói trên, các chủ xe có thể cải thiện khả năng cách âm của xe thông qua biện pháp thay lốp và bổ sung các vật liệu cách âm cho ôtô.
Cụ thể, anh Đức cho biết la-zăng xe có kích thước nhỏ sẽ mang đến khả năng vận hành êm ái hơn. Bên cạnh đó, kỹ thuật viên này cũng đề cập đến các biện pháp khác như dán vật liệu cách âm hay phủ gầm.
“Tuy nhiên nếu ở biện pháp dán vật liệu cách âm, mức độ ồn chỉ giảm đi khoảng 10%, thì biện pháp phủ gầm gần như không mang lại hiệu quả gì”, anh Nguyễn Đức nhìn nhận.
Từ kinh nghiệm của mình, anh Đức cho biết độ ồn trung bình trên các ôtô hạng trung rơi vào khoảng 60 dB khi xe di chuyển ở vận tốc 50 km/h.
Sau khi xử lý bằng vật liệu cách âm có chất lượng tốt, độ ồn trên xe sẽ được giảm xuống khoảng trên dưới 55 dB, ngưỡng trung bình của một cuộc trò chuyện bình thường.
Trong khi đó với biện pháp phủ gầm, anh Nguyễn Đức cho rằng chỉ thực sự có hiệu quả khi di chuyển trên đường có nhiều đá dăm, và chỉ phần nào ngăn được âm thanh gây ra do sỏi đá bắn vào gầm xe.
Trao đổi với Zing, nhân viên đại lý một hãng xe tại Việt Nam cũng cho biết việc phủ gầm không ảnh hưởng gì đến kết cấu của xe. Người này cũng nhìn nhận biện pháp phủ gầm chủ yếu mang đến khả năng chống rỉ sét cho phần gầm xe chứ không thực sự hiệu quả về mặt cách âm.
"Việc phủ gầm hoàn toàn thuộc về nhu cầu và sở thích của chủ xe. Ngoài ra do cũng không gây ra thay đổi về kết cấu xe nên đại lý không có khuyến cáo nào cụ thể liên quan đến biện pháp này", anh này chia sẻ.