Theo Bộ Công Thương , với những yếu tố thuận lợi như tình hình bệnh Covid-19 dần được kiểm soát, các hoạt động trong lĩnh vực du lịch được khôi phục, nhiều chương trình kết nối cung cầu, giao thương được tổ chức, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp đang dần phục hồi... đã tác động tích cực đến thị trường hàng hóa trong nước.
Nhu cầu sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu cùng với ảnh hưởng của biến động giá xăng dầu, giá nguyên nhiên vật liệu trên thị trường thế giới vẫn diễn biến phức tạp và ở mặt bằng giá cao, đã đẩy giá các hàng hóa này tại thị trường trong nước tăng, nhưng nhìn chung mặt bằng giá vẫn cơ bản được kiểm soát tốt, đảm bảo nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, lương thực, thực phẩm dồi dào, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 5/2022 đạt 477,3 nghìn tỷ đồng, mặc dù chỉ tăng 4,2% so với tháng trước và nhưng tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, tăng 22,6%.
Tính chung 5 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 2.257 nghìn tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước.
“Nhìn chung, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2022 có sự tăng trưởng vượt trội so với cùng kỳ năm trước, hàng hóa dồi dào, sức mua có xu hướng tăng”, báo cáo của Bộ Công Thương nhận định.
Riêng bán lẻ hàng hóa trong 5 tháng đầu năm tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lương thực và thực phẩm tăng tới 13,1% do giá cả hàng hóa tăng; ngược lại, nhóm hàng may mặc và đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình lần lượt chỉ tăng 0,2% và giảm 1,6% do thu nhập của người dân vẫn còn khó khăn sau thời gian dịch bệnh kéo dài. Lưu trú, ăn uống tăng mạnh, tăng 15,7%; du lịch tăng 34,7% do nhu cầu du lịch của người dân tăng cao vào dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5.
Bộ Công Thương cho hay, trong thời gian tới, cầu nội địa sẽ phục hồi và gia tăng dần do nước ta đã đạt tỷ lệ tiêm phòng tương đối cao, đảm bảo người tiêu dùng có thể tham gia thị trường mua sắm an toàn hơn.
Việc mở cửa du lịch trở lại sẽ kích thích mua sắm, tiêu dùng; trong khi triển vọng về tiêu dùng trong nước sẽ sáng sủa hơn do sản xuất phục hồi, người lao động trở lại làm việc, thu nhập gia tăng.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, việc triển khai các gói kích thích kinh tế của Chính phủ sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế nhưng cũng đồng thời gia tăng áp lực lạm phát tại thị trường trong nước .
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong điều hành giá để kiểm soát giá cả hàng hóa đầu vào, tăng cường kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn các hoạt động găm hàng, đầu cơ, thao túng giá.
Bên cạnh đó, phối hợp với Sở Công Thương các địa phương theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt để kịp thời có biện pháp điều hành hoặc có kiến nghị, đề xuất hợp lý nhằm bình ổn thị trường .
Đồng thời, thường xuyên phối hợp với cơ quan báo chí thông tin về nguồn cung các hàng hóa thiết yếu tại thị trường trong nước nhằm cung cấp thông tin đầy đủ đến người dân, tạo tâm lý ổn định cho người dân và thị trường.