Quốc hội đồng ý cải cách tiền lương với phương án tăng lương cơ sở từ 1,8 lên 2,34 triệu đồng một tháng. Ảnh: Thái An.
Tại nghị quyết kỳ họp thứ 7 thông qua sáng 29/6, Quốc hội đồng ý cải cách tiền lương với phương án tăng lương cơ sở từ 1,8 lên 2,34 triệu đồng một tháng (tăng 30%) từ 1/7/2024. Mức tăng lương cụ thể cho từng đối tượng sẽ phụ thuộc vào vị trí việc làm, hiệu quả công việc.
Với lương cơ sở mới, lương giáo viên từ ngày 1/7 sẽ khoảng 4,91-15,87 triệu đồng/tháng. Mức cũ đang là 3,78-12,2 triệu đồng/tháng.
Giáo viên tiểu học, THCS và THPT hạng I sẽ nhận mức lương cao nhất từ ngày 1/7. Trong đó, người có hệ số lương 6.78 hưởng lương gần 16 triệu đồng/tháng. Giáo viên mầm non hạng III là nhóm nhận lương thấp nhất, dao động 4,91-11,44 triệu đồng/tháng (tùy bậc).
Dưới đây là bảng lương chi tiết của giáo viên khi lương cơ sở tăng từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng, thầy cô có thể tham khảo.
Lưu ý: Tiền lương trên là mức lương dựa trên lương cơ sở, chưa bao gồm các khoản phụ cấp, trợ cấp khác.
Theo nghị quyết về cải cách tiền lương, có 9 loại phụ cấp mới như phụ cấp kiêm nhiệm, thâm niên vượt khung, trách nhiệm công việc, phụ cấp khu vực, phụ cấp lưu động, theo nghề, công tác ở vùng đặc biệt khó khăn, phân loại đơn vị hành chính, áp dụng riêng với lực lượng vũ trang.
Với giáo viên, tùy vị trí, nơi công tác, mỗi người có thể nhận được một hoặc một số khoản phụ cấp như phụ cấp thâm niên, ưu đãi nghề, phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp đặc thù với nhà giáo là nghệ nhân, giáo viên dạy người khuyết tật, giáo viên công tác vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.
Tuy nhiên, do chưa đủ điều kiện thực hiện 9 loại phụ cấp mới nên từ ngày 1/7, Quốc hội đồng ý vẫn giữ nguyên phụ cấp hiện hành.