Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, các chính sách về tiền lương, chính sách hỗ trợ, chính sách ưu đãi đối với nhà giáo được quy định tại dự thảo Luật nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 29-NQ/TW "tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo theo quy định của Chính phủ".
Đồng thời, giúp nhà giáo yên tâm làm việc, cống hiến và phát triển nghề nghiệp; thu hút, trọng dụng và ưu đãi với người có tài năng làm nhà giáo; thu hút nhà giáo về công tác và công tác lâu dài trong ngành Giáo dục, đặc biệt ở các vùng khó khăn...
Tại phiên họp đầu tháng 5 với Ban soạn thảo, Tổ biên soạn dự án Luật Nhà giáo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị việc xây dựng dự án Luật Nhà giáo cần thể hiện rõ nét hơn nữa quan điểm phát triển, tôn vinh, bảo vệ nhà giáo.
Đối với vấn đề đời sống, thu nhập, điều kiện làm việc của nhà giáo, Ban soạn thảo, Tổ biên tập cần thể chế hóa chủ trương “lương giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống bậc lương hành chính sự nghiệp” một cách bền vững.
Sẽ có nhiều điểm mới trong chính sách hỗ trợ nhà giáo
Theo đó, dự thảo Luật Nhà giáo quy định như sau, tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
Tiền lương và các chính sách theo lương của các nhà giáo công tác tại các cơ sở giáo dục tự chủ không ít hơn tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo có cùng trình độ đào tạo, cùng thâm niên, cùng chức danh trong các cơ sở giáo dục chưa tự chủ và không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Chính phủ. Nhà giáo công tác ở các ngành, lĩnh vực có chế độ đặc thù thì được hưởng chế độ đặc thù.
Theo dự thảo, Nhà nước có chính sách hỗ trợ nhà giáo trẻ; nhà giáo công tác ở vùng khó khăn; nhà giáo dạy trường chuyên biệt, nhà giáo dạy trẻ khuyết tật, nhà giáo dạy tiếng dân tộc thiểu số, nhà giáo dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh người dân tộc thiểu số, dạy các môn năng khiếu, nghệ thuật.
Chính sách hỗ trợ nhà giáo gồm: nhà công vụ, chế độ phụ cấp, chế độ trợ cấp, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, khám bệnh định kỳ hằng năm, hỗ trợ học phí cho con của nhà giáo và các chế độ khác bảo đảm an sinh xã hội cho nhà giáo.
Ngoài các quy định chung về chính sách hỗ trợ nhà giáo, nhà nước khuyến khích địa phương ban hành các chính sách đặc thù để hỗ trợ nhà giáo; cơ sở giáo dục hỗ trợ nhà giáo thông qua quỹ khuyến khích, phát triển đội ngũ nhà giáo.
Nhà nước có chính sách thu hút nhà giáo về công tác và công tác lâu dài ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các xã đảo, hải đảo, xã biên giới, xã an toàn khu theo quy định của Chính phủ.
Chính sách thu hút nhà giáo gồm: chính sách ưu tiên tuyển dụng, nhà công vụ, vay mua nhà ở, chế độ phụ cấp và trợ cấp thu hút, chính sách đào tạo, bồi dưỡng và các chế độ khác bảo đảm an sinh xã hội cho nhà giáo.
Đề xuất các quỹ khuyến khích để phát triển đội ngũ nhà giáo
Để tăng cường thêm nguồn lực, huy động các lực lượng tham gia vào công tác phát triển đội ngũ nhà giáo, Luật Nhà giáo còn quy định về quỹ khuyến khích.
Theo đó, quỹ khuyến khích, phát triển đội ngũ nhà giáo là quỹ không vì lợi nhuận; dùng để hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo; hỗ trợ nhà giáo và thân nhân nhà giáo có hoàn cảnh khó khăn; khen thưởng, tôn vinh nhà giáo.
Quỹ khuyến khích, phát triển đội ngũ nhà giáo gồm hai loại:
Do tổ chức, cá nhân thành lập, hoạt động và quản lý theo quy định về quỹ xã hội, quỹ từ thiện;
Do cơ sở giáo dục thành lập từ nguồn kinh phí tài trợ, viện trợ, hiến tặng hoặc kinh phí của cơ sở giáo dục và nguồn kinh phí hợp pháp khác; hoạt động theo quy chế tổ chức, hoạt động và quy chế chi tiêu nội bộ của cơ sở giáo dục phù hợp với quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, dự thảo nêu rõ, nhà giáo có các nghĩa vụ, gương mẫu thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nội quy, quy chế của cơ sở giáo dục. Giảng dạy, giáo dục theo mục tiêu, nguyên lý giáo dục; thực hiện đầy đủ và có chất lượng chương trình giáo dục. Giữ gìn phẩm chất, uy tín, danh dự, đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo.
Tôn trọng, đối xử công bằng với người học; bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người học; phát huy phẩm chất và năng lực của từng người học. Thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, học tập nâng cao phẩm chất và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ.
Thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học đối với giảng viên, tham gia nghiên cứu và áp dụng khoa học sư phạm ứng dụng đối với giáo viên; bảo đảm liêm chính học thuật. Thường xuyên phối hợp với gia đình người học; tích cực tham gia vào hoạt động phục vụ cộng đồng.