Bánh nhà làm tự tin cạnh tranh
Sau khá nhiều năm từng bước chinh phục thị trường và thay đổi thói quen của người tiêu dùng, bánh trung thu nhà làm đã có một lượng khách nhất định. Theo ghi nhận, các loại bánh trung thu nhà làm năm nay đã có sự đầu tư, chăm chút về hình thức lẫn chất lượng.
Chị Ngọc Quỳnh, chủ tiệm bánh Quỳnh - Heathy and happy tại thành phố Vinh (Nghệ An) chia sẻ: “Xu hướng người tiêu dùng nhiều năm gần đây thích các loại bánh nhà làm không chất bảo quản, mặc dù thời hạn sử dụng ngắn nhưng an toàn cho sức khỏe.”
Chủ cơ sở bán bánh này cho biết thêm, “Năm nay, từ đầu tháng 7 khách quen của tiệm đã bắt đầu đặt bánh trung thu. Tuy nhiên, giá cả vật liệu tăng cao nên tôi buộc phải tăng giá bán, nhưng không dám tăng nhiều vì sợ khách phân vân nên chỉ dám tăng 5.000 đồng/cái…”.
Cũng theo chị Quỳnh, các loại bánh nhà làm hiện nay rất linh hoạt với nhu cầu của khách hàng. “Bên cạnh các loại bánh trung thu truyền thống, tiệm chúng tôi còn cung cấp các loại bánh theo kiểu hiện đại như bánh nướng nhân trà ô long, táo đỏ, việt quất, dâu tây, chanh dây, bánh thập cẩm pha trộn các loại hạt dinh dưỡng và mứt trái cây…. Nhiều năm nay tiệm bánh của tôi đã có được một lượng khách quen nhất định, với số lượng đặt hàng ngày càng nhiều”.
Bà Thạch Thị Kim Hương - chủ cơ sở sản xuất bánh trung thu Hương Phúc ở thành phố Vinh cho hay, “Sức mua đã tăng so với đầu mùa nhưng vẫn thấp hơn khoảng 30% so các năm trước dịch Covid-19, lượng khách hàng chủ đạo là các doanh nghiệp năm nay cũng sụt giảm…”.
Theo khảo sát, giá các dòng bánh nhà làm năm nay dao động từ 45.000 - 80.000 đồng/chiếc; các hộp bánh làm quà biếu tặng kèm rượu có giá 350.000 - 700.000 đồng/hộp. So với các năm trước, do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao nên giá bánh vì thế cũng “nhích” theo, tăng khoảng 10-15%.
Ngoài ra, bánh trung thu truyền thống từ Hà Nội cũng được các nhà phân phối đưa vào Nghệ An tiêu thụ. Chị Kim Dung, chủ một tiệm bánh ở thành phố Vinh cho hay: “Có rất nhiều người dân rất thích vị bánh trung thu truyền thống Hà Nội, bởi chính hương vị bánh truyền thống thủ đô vào dịp Tết trung thu luôn mang lại cho họ cảm xúc khó tả. Năm nào cũng vậy, tiệm bánh của tôi vẫn đặt hàng thương hiệu bánh Bảo Phương, từng được khách xếp hàng săn đón từ Hà Nội và được vận chuyển vào Nghệ An hằng ngày để đáp ứng nhu cầu của khách”.
Bên cạnh đó, thị trường bánh trung thu còn xuất hiện các sản phẩm ngoại nhập. Một số nhà phân phối hiện đang giới thiệu bánh trung thu HongKong Lava tan chảy với hộp 8 bánh nhỏ, vỏ bánh thơm bơ và nhân trứng muối tan chảy. Hộp bánh cũng được mạ vàng sang trọng dùng để làm quà biếu tặng, tuy nhiên, giá bán của các sản phẩm này khá cao, từ 1,2 - 1,3 triệu đồng/hộp nên khá kén khách.
Đổi mới để kích cầu
Dù bao năm trôi qua, bánh trung Thu cổ truyền của tiệm bánh Hương Phúc vẫn luôn cất giấu những hương vị truyền thống quen thuộc từ hạt sen, mứt bí, lá chanh, vị ngầy ngậy của mỡ phần, mằn mặn từ lạp xưởng, gà quay, rượu nếp, hương bưởi… Luôn trung thành với vị bánh truyền thống, nhưng năm nay Hương Phúc đổi mới đủ đầy các loại nhân chay - mặn, cùng với đó là bánh nướng nóng Hương Phúc có lẽ đã trở thành một dấu ấn, một “thương hiệu” riêng.
Chia sẻ về bí kíp, bà Thạch Thị Kim Hương - chủ cơ sở bánh truyền Hương Phúc cho hay: “Hơn 30 năm nay, bánh nhân thập cẩm với các nguyên liệu hảo hạng nhất, đặc biệt gây nghiện bởi trứng được muối từ trước đó 2 tháng, rửa bằng rượu gạo quê “organic” thơm phức hoà quyện cùng mứt mỡ, mứt bí, gà quay mật ong, xá xíu, lạp xưởng... nên vẫn có chỗ đứng khá vững chắc trên thị trường bánh truyền thống…”.
Cũng theo bà Thạch Thị Kim Hương, tác động của 2 năm đại dịch đã khiến thị trường đóng băng, nhất là thị trường hàng hoá bị ảnh hưởng nặng nề, người dân thắt chặt chi tiêu. Từ đầu năm nay, tình hình dịch bệnh đã tạm lắng, mọi hoạt động đã bình thường trở lại. Dù vậy, tình hình sản xuất, kinh doanh bị chững lại, nhưng nhu cầu thưởng thức của người tiêu dùng đã biến đổi với khẩu vị cao hơn xưa, đòi hỏi tươi ngon, đa dạng và an toàn.