Ngày nay, bánh Trung thu được coi là một món quà mang ý nghĩa văn hóa để dành tặng người thân, bạn bè. Nhiều doanh nghiệp còn sử dụng bánh Trung thu để tặng đối tác, đặc biệt là các đối tác nước ngoài. Chính vậy, đa số các thương hiệu bánh Trung thu châu Á không chỉ tập trung vào nâng cao, cải thiện hương vị của chiếc bánh, mà còn chú trọng vào phần hình thức; đồng thời giá thành của những hộp bánh cũng không hề rẻ.
Nhu cầu biếu tặng ngày càng tăng mạnh
Tại nhà hàng Man Fu Yuan ở khách sạn InterContinental Singapore những ngày này, bánh Trung thu đã sớm bán hết. “Nhu cầu và doanh thu năm nay tăng đáng kể so với năm ngoái”, ông Benjamin Leung, trợ lý quản lý khách sạn nói.
Còn tại khách sạn Madarin Oriental ở Hong Kong, ông Alex Huels, giám đốc thực phẩm và đồ uống, cho hay doanh số bán hàng mùa Trung thu năm nay tăng khoảng 20% so với trước đại dịch, nhưng giảm khoảng 5% so với năm ngoái, do tình hình suy thoái kinh tế chung. Dù vậy, những loại bánh loại đắt tiền vẫn bán tương đối chạy. Hộp bánh 4 chiếc nhân nấm truffle và lá vàng 24 cara có giá 595 USD đã hết hàng.
Theo các chuyên gia, một loạt nhân tố khiến chiếc bánh Trung thu trở nên ngày càng đắt đỏ. Bánh Trung thu giờ đây là cuộc đua của các hãng trong việc nâng tầm thiết kế. Nhiều thương hiệu sử dụng vàng và kim cương để trang trí, nếu không thì dùng các loại giấy đắt tiền để tạo ra những bao bì độc đáo và sáng tạo.
Bên cạnh đó, nhân bánh được làm bằng những nguyên liệu hảo hạng, các phiên bản càng đắt tiền càng đem lại sự khác biệt rất lớn. Chính vì nhu cầu phải biếu tặng những món quà sang trọng, không đụng hàng của người châu Á, nên thị trường tất yếu nảy sinh xu hướng “xa xỉ hóa” các hộp bánh Trung thu.
Năm ngoái, hộp bánh Trung thu Gucci được thiết kế như một hộp nhạc. Vặn dây cót, mở nắp hộp và bạn sẽ thấy chú thỏ ngọc đang quay tròn như một nàng vũ nữ theo điệu nhạc jazz “Fly me to the Moon”. Hộp bánh có thể được sử dụng như hộp đựng nữ trang sau khi bạn đã ăn hết bánh. Trong khi đó, hộp bánh Trung thu của nhà Louis Vuitton được thiết kế như chiếc rương trứ danh của hãng. Vỏ hộp chạm nổi với họa tiết mô phỏng vân da thuộc Epi, bên trong lót giấy đục lỗ họa tiết Monogram Mahina. Còn Tiffany & Co đã thiết kế hộp bánh Trung thu hình tên lửa, với chiếc bánh bên trong chứa những nguyên liệu thượng hạng như nấm truffle đen và tổ yến.
Tuy nhiên, nhiều hãng bánh nhận định, người tiêu dùng châu Á sẽ cân nhắc, tính toán nhiều hơn trong việc mua sắm các loại quà biếu trong dịp lễ năm nay. Tại Hàn Quốc, thói quen hàng năm là người ta tặng nhau những hộp hoa quả, thịt bò, hoặc bánh ngọt truyền thống để thể hiện tấm lòng.
Năm nay, theo Korea JoongAng Daily, giá mọi thứ, từ rau củ đến thực phẩm chế biến sẵn đều đang trở nên đắt đỏ, trung bình người dân Hàn Quốc sẽ tốn khoảng 318.045 Won để mua quà biếu tặng vào dịp Trung thu, tăng 6,8% so với năm ngoái. Giá một hộp bánh Songpyeon truyền thống lên đến 30–34 USD.
Nếu không vì giá cả thì cũng vì lý do sức khỏe. Tại Hong Kong (Trung Quốc), người tiêu dùng tỏ ra thờ ơ rõ rệt với bánh Trung thu. Andrew Sun, cây viết của tờ South China Morning Post chia sẻ: “Ai cũng vui vẻ mong chờ đón Tết đoàn viên, nhưng không dành quá nhiều sự háo hức cho bánh Trung thu.
Họ nói rằng bánh quá ngọt, nhiều chất béo, calo và cholesterol”. Theo một cuộc khảo sát của nhóm môi trường Green Power, hơn một nửa số người được phỏng vấn cho rằng họ không muốn nhận thêm bất kỳ hộp bánh nào. Bên cạnh đó, 90% trả lời những món quà thay thế như giỏ trái cây được ưu tiên hơn.
Còn tại Trung Quốc, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia hồi đầu tháng 8 đã thông báo về việc sẽ thanh tra, xử phạt các doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn và nền tảng thương mại điện tử sản xuất hoặc bán bánh Trung thu với “giá trên trời”. Theo đó, bánh không được đặt trong hộp làm bằng kim loại quý, gỗ lim hay các vật liệu đắt tiền khác, cũng không được bán trong hộp kèm mặt hàng khác.
Đơn vị sản xuất bánh Trung thu không được sử dụng nguyên liệu đắt tiền như vi cá mập, yến sào làm nhân. Chính quyền sẽ tiến hành khảo sát giá cả nếu có bất kỳ hộp bánh nào được bán với giá trên 500 tệ (khoảng 74 USD).
Đa dạng thị trường bánh Việt Nam
Sau hai năm gần như “đóng băng” vì dịch Covid-19, thị trường bánh Trung thu Việt Nam năm nay tái bùng nổ nhờ sự xuất hiện của đa dạng sản phẩm, từ dòng bánh truyền thống, bánh chay, bánh rau củ - quả, cho đến bánh cho người ăn kiêng...
Theo đại diện các doanh nghiệp, thị trường bánh Trung thu phục vụ biếu tặng lẫn thưởng thức được kỳ vọng sẽ sôi động hơn năm ngoái, tuy nhiên vẫn chưa thể hồi phục lại mức trước đại dịch.
Nói đến bánh Trung thu cao cấp để làm quà biếu tặng, không thể không kể đến dòng sản phẩm từ các khách sạn 5 sao tại Hà Nội và TP.HCM. Năm nay, nhiều khách sạn tung ra thị trường những bộ sưu tập bánh có giá lên đến hàng chục triệu đồng. Chẳng hạn như hộp bánh Trung thu Royal Golden Mooncake của khách sạn Dolce by Wyndham Hanoi Golden Lake được ra mắt từ tháng 6 với mức giá 6 triệu đồng. Những chiếc bánh Trung thu này được phủ lên một lớp vàng 24k mỏng và có thể ăn được.
Khác với các dòng bánh nhân truyền thống, năm nay, một số cơ sở tung ra loại bánh Trung thu nhân vi cá. Đây là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng nên giá bán các sản phẩm này không hề rẻ, nhưng vẫn được người tiêu dùng ưa chuộng. Bà Phạm Kim Anh, chủ thương hiệu bánh Trung thu vi cá Chị Bụi (TP.HCM), cho hay, ngoài 10.000 chiếc bánh vi cá thường, năm nay cơ sở còn sản xuất dòng bánh nướng thượng phẩm (sợi vi cá lớn) có giá 875.000 đồng/chiếc (200g) và chỉ nhận đặt hàng trước mới làm, số lượng giới hạn 200 chiếc. Như vậy, một hộp bánh 4 chiếc có giá 3,5 triệu đồng.
Mặt khác, một số đơn vị sản xuất như Tập đoàn KIDO công bố tung ra thị trường khoảng 300 tấn bánh phục vụ mùa Trung thu 2022, đồng thời đã nghiên cứu tăng thêm hương vị mới vào sản phẩm. Theo đại diện Tập đoàn KIDO, doanh nghiệp đã tìm ra công thức mới để kết hợp những nguyên liệu thượng hạng của thế giới như tôm hùm Alaska, bào ngư, vi cá, cua Canada, sò điệp Nhật Bản…
Bánh Trung thu ABC năm nay cũng tung ra thị trường nhiều loại bánh với hương vị mới thu hút người tiêu dùng. Ông Kao Siêu Lực, Giám đốc Công ty ABC Bakery, cho biết: “Dự kiến giá thành mỗi bánh sẽ tăng 10-15%, nhưng nhờ kiểm soát đầu vào tốt nên giá thực tế chỉ tăng 7% so với năm trước”.
Bên cạnh những kênh phân phối, bán lẻ truyền thống tại trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng chuyên kinh doanh bánh ngọt..., năm nay mặt hàng bánh Trung thu cũng được phân phối, bán lẻ vào nhiều khách sạn, nhà khách, chuỗi cà phê, chuỗi cửa hàng tiện lợi... tại các thành phố lớn. Cùng đó, mặt hàng bánh Trung thu kinh doanh tại những điểm bán này, dù là thương hiệu của chính nhà hàng, khách sạn, chuỗi cà phê, cửa hàng tiện lợi... hay thương hiệu khác đều đảm bảo chất lượng và tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.