Sau khi thiết lập đáy 880 điểm vào ngày 16/11, Vn-Index đã phục hồi rất tốt kết thúc phiên giao dịch 2/12, chỉ số tiến về 1.080 điểm, tăng 200 điểm trong vòng nửa tháng.
Thanh khoản thị trường cải thiện đáng kể, từ chỉ khớp lệnh 8.000 - 9.000 tỷ đồng/phiên những phiên giao dịch gần đây giá trị khớp lệnh lên tới 20.000 tỷ đồng/phiên. Trung bình 10 phiên đổ lại, giá trị khớp lệnh đạt 14.000 tỷ đồng/phiên, chủ yếu nhờ sự trỗi dậy của dòng vốn ngoại khi nhóm này mua ròng kỷ lục trong suốt tháng 11 giá trị ròng 16.000 tỷ đồng. Hai phiên đầu tháng 12, nhóm này mua ròng 3.200 tỷ đồng cổ phiếu Việt Nam.
Đối ứng với giá trị mua ròng của khối ngoại, nhà đầu tư cá nhân trong nước có một tháng bán ròng kỷ lục, giá trị ròng gần 19.000 tỷ đồng.
Câu hỏi được quan tâm nhất thời điểm này là liệu với dòng vốn mạnh mẽ đổ vào từ khối ngoại, nhà đầu tư cá nhân trong nước có sớm quay trở lại thị trường hay nói cách khác, dòng tiền cá nhân bao giờ quay lại thị trường chứng khoán?
Bao giờ dòng tiền cá nhân quay lại?
Nhận định về tín hiệu để dòng tiền cá nhân quay trở lại thị trường tại tọa đàm do Báo Đầu tư tổ chức sáng 2/12, Giám đốc Phân tích, CTCK Maybank Invesment Banking (MSVN), ông Quản Trọng Thành, cho rằng cần nhìn vào hai yếu tố, thứ nhất là chi phí vốn, lãi suất trái phiếu điều chỉnh lại. Lãi suất trái phiếu sau khi đạt đỉnh cách đây 3 tuần đã giảm. Yếu tố thứ hai, ngoài chi phí vốn thì dòng tiền có được bơm ra hay không.
"Chúng tôi vẫn kỳ vọng là các ngân hàng sau chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước sẽ có những động thái bơm tiền ra, thể hiện qua thanh khoản trên thị trường dễ thở hơn và lãi suất trái phiếu, lãi suất liên ngân hàng, lãi suất tiền gửi hạ nhiệt bớt, đây là tín hiệu cho thị trường phục hồi", ông Thành nói.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Duy Anh, Trưởng phòng quản lý danh mục đầu tư, Công ty Quản lý quỹ Vietcombank, lại cho rằng không thể kỳ vọng chỉ trong vòng 6 tháng đến 1 năm mà dòng tiền có thể trở lại mạnh mẽ như trong năm 2020, 2021, với 15-20 nghìn tỷ đồng/ngày, bởi vì giai đoạn này lãi suất huy động đã tăng cao đáng kể so với giai đoạn đó, lãi suất trái phiếu cao như vậy… sẽ cạnh tranh với thị trường chứng khoán.
"Các nhà đầu tư cá nhân Việt Nam đã rút tiền khỏi tài khoản hoặc là không muốn quay lại thị trường thì khi nào thị trường đạt đến điểm cân bằng họ sẽ quay lại đầu tư dài hạn sau khi nhận ra đầu tư ngắn hạn không mang lại thành quả", ông Anh nhấn mạnh.
Cũng theo ông Nguyễn Duy Anh, tỉ lệ tài khoản nhà đầu tư cá nhân trên dân số vẫn còn rất thấp và đây là một nguồn tiền tiềm năng trong tương lai. Một nguồn nữa liên quan đến tổ chức là liên quan đến quỹ hưu trí. Các tay chơi lớn của tổ chức nước ngoài phần lớn là các quỹ hưu trí, trong khi hiện tại nguồn tiền đó ở Việt Nam còn ít, cần phải khơi thông.
Nhà đầu tư cá nhân bán ròng kỷ lục gần 19.000 tỷ đồng trong tháng 11.
Ông Huỳnh Minh Tuấn, sáng lập Công ty CP FIDT, chuyên gia chứng khoán, cho rằng để thu hút dòng tiền từ nhà đầu tư quay trở lại, lãi suất cần phải điều chỉnh ở mức thấp để giảm áp lực trả nợ cũng như thu hút nhà đầu tư vào kênh đầu tư chứng khoán nhiều hơn thay vì các tài sản đầu tư theo lãi suất cố định.
Thứ hai, Chính phủ cũng như doanh nghiệp cùng chung tay giải quyết các vấn đề bất cập như trái phiếu, BĐS để một phần tạo niềm tin cho thị trường, một phần cải thiện nội tại doanh nghiệp.
Cuối cùng, các doanh nghiệp cũng phải cải thiện khả năng quản lý tài chính và chú trọng hơn vào việc công bố thông tin đầy đủ và kịp thời đến nhà đầu tư. Qua đó tạo dựng được niềm tin từ phía nhà đầu tư, thanh khoản cũng sẽ tăng trở lại, kết hợp với đó là sự ổn định sẽ khiến các công ty chứng khoán cấp margin cao hơn cho các nhà đầu tư.
Thị trường sẽ kiểm định lại vùng 874 điểm?
Đánh giá về triển vọng thị trường, theo ông Quản Trọng Thành, sau khi thị trường rơi về 874 điểm đã bật tăng trở lại chứng tỏ thị trường đã phản ánh phần nào lo ngại về việc điều chỉnh chu kỳ dài. Việc thị trường phục hồi giai đoạn này với dòng tiền đầu tư nước ngoài như Fubon FTSE Vietnam ETF hỗ trợ sẽ giúp thị trường tìm lại một chút cân bằng và niềm tin.
Tuy nhiên, hiện tượng cá nhân mua được giai đoạn này có lời tầm 10 -15%, vì triển vọng trong ít nhất 6 tháng tới vẫn còn biến động chưa chắc chắn. Chính áp lực chốt lời này sẽ giúp thị trường kiểm chứng lại xem đáy 874 điểm có vững không. Nếu đáy sau cao hơn đáy trước thì tâm lý thị trường đã vững hơn và hồi phục tốt hơn rất nhiều.
Cho năm 2023, theo ông Thành, vẫn còn 20% rủi ro đến từ thanh khoản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cần phải theo dõi. Nếu thị trường trái phiếu hồi phục, lợi suất trái phiếu điều chỉnh trở lại từ mức 25% bình quân về mức 13-15% thì sẽ không còn rủi ro lớn.
Tuy nhiên, ở vùng giá này đã quá rẻ, nhà đầu tư có thể mua được rồi nhưng mua bao nhiêu, tập trung cổ phiếu nào, giữ tỷ trọng tiền mặt bao nhiêu để đề phòng yếu tố rủi ro là việc quản trị danh mục rủi ro. Còn quyết định tích lũy dần cổ phiếu mang tính đầu tư, tích sản thì đây là thời điểm 10 năm có 1 lần.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Duy Anh cho rằng đầu tư vào giai đoạn rẻ này cơ hội chiến thắng của nhà đầu tư sẽ rất cao. Thị trường hiện nay đã phản ánh tất cả những thông tin hiện có và những kỳ vọng phía trước của nhà đầu tư còn đương nhiên nó không thể phản ánh những điều chưa biết trong tương lai. Vì vậy vẫn có 1% rủi ro.