Cá nhân thiệt thòi, xã hội cũng sẽ chịu gánh nặng
Tại cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với công nhân vừa qua (với 4.500 công nhân lao động tại điểm cầu chính tỉnh Bắc Giang và 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố còn lại), nội dung đề nghị rà soát, sửa đổi toàn diện pháp luật về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo đảm quyền lợi, hạn chế tình trạng công nhân lao động rút BHXH một lần là 1 trong 10 nhóm vấn đề mà Tổng liên đoàn Lao động đã tổng hợp gửi tới Thủ tướng.
Nhìn vào bức tranh lao động chung, lực lượng lao động trên 15 tuổi của Việt Nam có khoảng 52 triệu người, trong đó khoảng 20 triệu người có giao kết hợp đồng lao động, nhưng chỉ gần 16 triệu người tham gia BHXH bắt buộc. Chưa kể, còn một phần lớn là lao động tự do (nông dân và lao động khu vực phi chính thức) - những người lao động mà không có giao kết hợp đồng. Mặc dù nhóm lao động này có thể tham gia BHXH tự nguyện và số người tham gia BHXH tự nguyện đã tăng nhanh trong những năm gần đây, nhưng đến hết năm 2021 mới chỉ có 1,4 triệu người tham gia.
Cùng lúc đó, số liệu cũng cho thấy một thực tế đáng quan tâm: Giai đoạn 2016-2021, cơ quan BHXH đã giải quyết cho gần 4,6 triệu người hưởng BHXH một lần, số người rút BHXH một lần hàng năm tăng trung bình hơn 3% (đáng chú ý tỷ lệ năm sau cao hơn năm trước và độ tuổi rút ngày càng trẻ hoá, trung bình dưới 40 tuổi). Bốn tháng đầu năm 2022, tuy tốc độ rút BHXH một lần đã giảm đi so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn ghi nhận con số lên tới 302.000 lao động.
Nguyên nhân của tình trạng rút BHXH một lần đã được nói tới rất nhiều. Chỉ xin mượn lời PGS.TS. Giang Thanh Long, Giảng viên cao cấp Đại học Kinh tế Quốc dân để nói về một trong những nguyên nhân - dù rất ngắn hạn nhưng lại mang tính “căn cơ” nhất: “Những lao động rút BHXH một lần hầu hết do “cực chẳng đã” mới phải làm vậy, bởi họ đang gặp phải những khó khăn trong cuộc sống hàng ngày (cần tiền để đáp ứng các nhu cầu chi tiêu cấp thiết trước mắt như sinh hoạt, tiền học cho con cái, khám chữa bệnh, sửa nhà cửa…). Đây phần lớn cũng là những người có thu nhập thấp và gần như không nguồn thu nhập thay thế như các khoản tiết kiệm, đầu tư”.
Chính sách phải gắn kết và đi từ cuộc sống
Đặt bức tranh lao động bên cạnh vấn đề già hóa dân số ở Việt Nam còn cho thấy một thực trạng đáng quan ngại hơn, bởi thực tế Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Không phải tự nhiên mà từ nhiều năm trước đây, ngay khi Việt Nam mới bên ngưỡng cửa của “cơ cấu dân số vàng” thì không ít học giả, tổ chức quốc tế đã cảnh báo về nguy cơ “già trước khi giàu”. Nguy cơ ấy đến nay vẫn hiện hữu, thậm chí đang ngày càng có khả năng trở thành hiện thực hơn nếu hệ thống an sinh xã hội, trong đó có cấu phần rất quan trọng là BHXH, không được cải thiện sớm và một cách căn bản.
PGS.TS. Giang Thanh Long cho rằng, khi rút BHXH một lần thì những người lao động tham gia BHXH bắt buộc không chỉ mất đi các quyền lợi trong dài hạn (lương hưu, tử tuất) mà còn mất luôn cả những quyền lợi ngắn hạn (như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp…). Trong khi đó với BHXH tự nguyện, quyền lợi mới chỉ tập trung vào dài hạn là lương hưu và tử tuất mà chưa có các quyền lợi ngắn hạn nên động lực tham gia chưa hấp dẫn.
“Đặc trưng của lao động phi chính thức là thường làm những công việc có nhiều rủi ro như xây dựng, xe ôm… nên luôn có các nguy cơ cao xảy ra như tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp. Bên cạnh đó, một lo ngại khác là thời gian chờ để được hưởng quá dài khiến động lực tham gia BHXH tự nguyện thấp”, PGS.TS. Giang Thanh Long nói.
Chính vì vậy, theo chuyên gia này, để cùng lúc giảm được tình trạng rút BHXH một lần và tăng được số người tham gia vào BHXH thì các vấn đề cả ngắn hạn và dài hạn như trên vừa phải được kiên trì tuyên truyền để người lao động hiểu, vừa phải được chủ động hóa giải về mặt chính sách. Đây cũng là những vấn đề mà trong xây dựng và dự kiến điều chỉnh, sửa đổi Luật BHXH thời gian tới cần xem xét thấu đáo, đặc biệt là cần đưa thêm các quyền lợi ngắn hạn và “sát sườn” với người lao động vào trong luật và các văn bản liên quan.
Gắn với vấn đề lớn và xa hơn của Việt Nam trong những thập kỷ tới là tình trạng già hóa dân số, ông Long cho rằng, tác động sẽ tích cực hay tiêu cực còn tùy thuộc vào cách chúng ta có chính sách thích ứng thế nào. Nếu tận dụng “cơ hội dân số vàng” hiện nay để tích lũy kinh tế và chuẩn bị cho giai đoạn dân số già và có các chính sách tốt để tiếp tục sử dụng lao động cao tuổi vào các công việc phù hợp… sẽ duy trì được sản xuất, tăng trưởng kinh tế. Ngược lại, một khi lao động trẻ nhưng vẫn thiếu việc làm, ít kỹ năng; lao động lớn tuổi cũng không có việc ổn định và thu nhập bấp bênh thì khi bước vào giai đoạn dân số già với nhiều lao động lớn tuổi hơn chắc chắn gánh nặng sẽ tăng lên.
Trở lại cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với công nhân vừa qua, nữ công nhân từ điểm cầu TP. Hồ Chí Minh đề xuất: “Hiện Luật BHXH còn nhiều bất cập, nhất là thời gian đóng rất dài mới được hưởng lương hưu, trong khi nhiều doanh nghiệp tìm mọi cách chấm dứt hợp đồng lao động với công nhân khi chúng cháu mới 40-45 tuổi. Đề nghị Chính phủ sửa đổi pháp luật để bảo đảm quyền lợi của công nhân lao động, hạn chế tình trạng công nhân rút BHXH một lần”.
Về đề xuất này, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, bộ chủ trì việc xây dựng sửa đổi Luật BHXH và hiện đã hoàn tất xong hồ sơ thủ tục với 11 nhóm chính sách cải cách, trong đó có nội dung sẽ giảm dần thời gian đóng BHXH. Dự thảo rút xuống 15 năm và tiến tới có thể 10 năm. Cùng với đó, sẽ xử lý một vấn đề quan trọng mà thời gian qua chưa làm được, đó là chia sẻ giữa người đóng nhiều với người đóng ít; người đóng dài với người đóng ngắn trên tinh thần công bằng, chia sẻ đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ngắn hưởng ngắn.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, các cơ chế, chính sách không thể bao phủ hết được các góc cạnh của cuộc sống. Do đó, phải luôn bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo để xây dựng và hoàn thiện chính sách. Vừa qua, pháp luật về BHXH có những điểm chưa phù hợp với thực tiễn, các cơ quan đã lắng nghe ý kiến công nhân lao động, tập hợp, đề xuất Chính phủ, trình Quốc hội đưa nội dung sửa đổi pháp luật về BHXH vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, nhằm giải quyết những vấn đề mà thực tiễn đặt ra.