Theo Colliers, trong bối cảnh thị trường địa ốc rơi vào trầm lắng ở nhiều phân khúc như đất nền, nhà phố, biệt thự…, bất động sản bán lẻ vẫn khá sôi động, ghi nhận tỷ lệ lấp đầy lên tới 97%.
Phân khúc hiếm hoi còn sôi động
Báo cáo của Savills cho biết nguồn cung bán lẻ tại TP.HCM trong 3 tháng đầu năm tăng 1% theo quý và theo năm. Việc khai trương tòa nhà Cobi Tower và 4 tầng còn lại của Thiso Mall Sala (TP Thủ Đức) đã đóng góp chính vào nguồn cung của quý I.
Một số dự án đã được tái khởi động sau thời gian dài trì hoãn. Trong đó có khu đô thị Vinhomes Grand Park (TP Thủ Đức, TP.HCM) với diện tích sàn lên đến 48.000 m2. Dự án đang được xây dựng và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2023.
Ngoài ra, dự án Parc Mall (quận 8) cũng được kỳ vọng sẽ đi vào hoạt động vào quý IV năm nay. Đây là một trong những tín hiệu tích cực cho thấy khả năng hồi phục và thu hút nhà đầu tư của thị trường bán lẻ tại TP.HCM.
Theo Colliers, tỷ lệ lấp đầy tại khu vực trung tâm trong quý I vẫn ở mức 95%. Con số này đối với khu vực ngoài trung tâm vào khoảng 77%, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Báo cáo của Savills lại phản ánh thêm một góc nhìn khác về công suất cho thuê. Cơ quan này nhận định đa phần khách thuê bỏ trống và không gia hạn thêm hợp đồng tại các dự án ở ngoài trung tâm TP.HCM. Nơi đây có lượng khách qua lại thấp do vị trí thuê không tốt, chính sách tiếp thị và quản lý không hiệu quả từ chủ đầu tư.
Trong đó, ngành hàng ăn uống chiếm 30% diện tích bị bỏ trống, ngành hàng thời trang chiếm 21%, ngành vui chơi giải trí chiếm 20% và ngành giáo dục chiếm 6%.
Theo Colliers, thị trường bán lẻ trong quý I ghi nhận giá thuê mặt bằng tại khu vực trung tâm ở mức 151 USD/m2/tháng, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Khu vực ngoài trung tâm có giá thuê dao động khoảng 35 USD/m2/tháng, tăng 2,9% so với quý I/2022.
Trong năm nay, nguồn cung mặt bằng bán lẻ tại TP.HCM dự kiến vào khoảng 188.800 m2. Trong đó, 46% nguồn cung đến từ TP Thủ Đức, xếp sau là quận 8 (37%) và quận 1 (17%).
Còn tại thị trường Hà Nội, báo cáo của Colliers nhận định nguồn cung mới của trung tâm thương mại sẽ đến từ các doanh nghiệp ngoại lớn.
Trong đó, dự án Aeon Mall Hoàng Mai - Giáp Bát vừa được phê duyệt với diện tích lên đến 8 ha. Từ nay đến năm 2025, Aeon sẽ có thêm từ 3 đến 4 dự án mới tại Hà Nội.
Trong bối cảnh nguồn cung rộng mở, các chuyên gia của Colliers cho biết tỷ lệ lấp đầy tại Hà Nội trong quý I đạt 95-97% đối với khu vực trung tâm và 75-80% với các khu vực ngoài trung tâm.
Trong giai đoạn đầu năm 2023, mức tiêu dùng nội địa tại Hà Nội tăng trong quý I do trùng với dịp Tết Nguyên đán. Do vậy, giá thuê mặt bằng bán lẻ tại Hà Nội có sự biến động nhẹ so với quý IV/2022. Thị trường ghi nhận giá thuê mặt bằng bán lẻ tại khu vực trung tâm dao động ở mức 132 USD/m2/tháng, khu vực ngoài trung tâm khoảng 30 USD/m2/tháng.
Trong năm 2023, nguồn cung mặt bằng bán lẻ tại Hà Nội sẽ dao động khoảng 341.509 m2. Trong đó, 59% nguồn cung đến từ quận Tây Hồ, xếp sau là quận Hoàng Mai (25%), Hà Đông (5%), Bắc Từ Liêm (5%), Cầu Giấy (3%), Nam Từ Liêm (3%).
Cuộc chơi của doanh nghiệp ngoại
Đối với các doanh nghiệp quốc tế, thị trường bán lẻ tại Việt Nam là một trong những thương vụ đầu tư tiềm năng có tính chất dài hạn.
Trong quý I, Tập đoàn Central Retail đã đầu tư 50 tỷ baht (tương đương 1,45 tỷ USD) vào Việt Nam trong giai đoạn 2023-2027 để mở rộng sự hiện diện của doanh nghiệp. Đây là khoản tiền lớn nhất mà tập đoàn này từng “rót” vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, nhiều tập đoàn tên tuổi khác cũng đang dần định hình chỗ đứng tại quốc gia có dân số cao thứ 15 thế giới. Một cái tên khác cũng đang có ý định mở rộng chuỗi cửa hàng tại Việt Nam là Haidilao. Hiện nhà hàng này đang có 12 cửa hàng tập trung ở Hà Nội, TP.HCM, Nha Trang…
Trong cuối tháng 2, thương hiệu Muji cũng đã mở thêm cửa hàng mới ở Vincom Mega Mall Thảo Điền (TP Thủ Đức). Không chỉ vậy, doanh nghiệp trên cũng đang có ý định mở thêm các cửa hàng khác tại Hà Nội. Vào cuối tháng 3 vừa qua, trung tâm thương mại Thiso Mall Sala (TP Thủ Đức) cũng vừa chào đón cửa hàng thứ 16 của Uniqlo với diện tích bán hàng hơn 1.600 m2.
Việc thị trường bán lẻ phát triển tại các khu vực cận trung tâm giúp cho nhà đầu tư có thể tiếp cận nhiều phân khúc khách hàng cũng như đáp ứng nhu cầu mua sắm của cư dân khu vực phía đông TP.HCM.
Ngoài ra, xu hướng nâng cấp, cải tạo cũng được nhiều phát triển bất động sản bán lẻ áp dụng. Sau khi Diamond Plaza (quận 1) được cải tạo, Bitexco (quận 1) cũng đang thực hiện công cuộc tương tự. Việc nâng cấp nhằm mục tiêu xây dựng mô hình kinh doanh theo hướng chuyên sâu, phù hợp với nhu cầu khách hàng.
“Việc cải tạo không chỉ giúp tăng sức hút đối với khách mua mà còn nâng khả năng cạnh tranh giữa các mặt bằng của trung tâm thương mại”, các chuyên gia của Colliers nhận định.