Giá thuê tăng
Báo cáo mới nhất của Colliers Việt Nam về thị trường bất động sản công nghiệp cho thấy, mặc dù tổng cầu trên thế giới suy yếu làm giảm giá trị xuất nhập khẩu Việt Nam, dẫn đến hoạt động đầu tư và mở rộng sản xuất công nghiệp có phần chậm lại. Tuy nhiên, sự sụt giảm trong ngắn hạn không ảnh hưởng đáng kể đến hiệu suất đầu tư xây dựng và cho thuê của các khu công nghiệp trong quý 2/2023.
Theo đó, ở phía Nam, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục dẫn đầu cả nước về giá thuê (214 - 300 USD/m2/kỳ hạn) với tỷ lệ lấp đầy (95%). Thành phố đã bỏ quy hoạch 3 khu công nghiệp chậm triển khai và bổ sung quy hoạch hai khu công nghiệp mới với tổng diện tích 668 ha. Thành phố cũng kỳ vọng có thêm nguồn cung khu công nghiệp, khu công nghệ cao quy mô lớn trong thời gian tới khi vừa được cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp dưới 500 ha sang đất công nghiệp.
Trong khi đó, tại khu vực miền Bắc, giá thuê trung bình đạt 168 USD/m2/kỳ hạn, tăng 5% so với quý trước, và tỷ lệ lấp đầy đạt 94%. Trong quý 2, thị trường có thêm 116 ha đất công nghiệp cho thuê mới từ khu công nghiệp Tam Dương I (tỉnh Vĩnh Phúc). Nguồn cung tương lai sẽ dịch chuyển về các khu vực vệ tinh như Vĩnh Phúc, Lạng Sơn, Nam Định, Hải Phòng.
Ông Vũ Minh Chí - Quản lý Cấp cao, Dịch vụ Công nghiệp, Colliers (Việt Nam) đánh giá, hàng loạt dự án cơ sở hạ tầng lớn vừa hoàn thành và khởi công trên toàn quốc, cho thấy triển vọng tươi sáng của thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam. Ở phía Bắc, cao tốc Hà Giang – Tuyên Quang và dự án Vành đai 4 sẽ giúp kết nối các tỉnh phía Bắc tốt hơn nữa. Hệ thống đường Vành đai 3 ở phía Nam và các cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, Dầu Giây – Phan Thiết, Bến Lức – Long Thành khi hoàn thành sẽ tạo tuyến giao thông kết nối Đồng bằng sông Cửu Long, TP. Hồ Chí Minh, và khu vực còn lại của vùng Đông Nam Bộ.
“Việc thiết lập địa điểm sản xuất tại một quốc gia đòi hỏi kế hoạch dài hạn. Những biến động trên thị trường khu vực và toàn cầu, dù không thể tránh khỏi, đang thúc đẩy các nhà sản xuất tiếp tục triển khai kế hoạch đa dạng hóa chuỗi cung ứng để vừa giảm thiểu rủi ro gián đoạn, vừa chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp theo”, ông Vũ Minh Chí nhấn mạnh.
Xu hướng khu công nghiệp xanh
Theo các chuyên gia, để thu hút các nhà đầu tư, Việt Nam đã đưa ra các chính sách nhằm thu hút FDI, phát triển cơ sở hạ tầng cũng như chú trọng hơn về pháp lý. Điển hình như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm đầu hoạt động, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 5 năm tiếp theo và các ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp khác.
Ngoài ra, Nghị quyết số 115/NQ-CP và nghị định 35/2022/NĐ-CP cũng góp phần thúc đẩy, khuyến khích phát triển đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong thời gian tới.
Cùng với đó, Chính phủ cũng đang tăng tốc trong việc giải ngân đầu tư công cho các dự án cơ sở hạ tầng như tuyến cao tốc Hà Giang - Tuyên Quang ở phía Bắc, hai tuyến cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết ở miền Trung. Bên cạnh đó, việc cải thiện cơ sở hạ tầng ở khu vực phía Nam với các dự án như cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, cảng Cái Mép Thị Vải, siêu cảng Cần Giờ, cảng Gemalink, sân bay Long Thành và vành đai 3 & 4 sẽ tạo ra sự kết nối thuận tiện hơn giữa các khu công nghiệp và các vùng kinh tế trọng điểm. Các dự án hạ tầng này sẽ tạo động lực góp phần thúc đẩy nhanh sự hình thành và phát triển các khu công nghiệp khu vực phía Bắc và phía Nam.
“Với những lợi thế về pháp lý, thủ tục đầu tư cũng như cơ sở hạ tầng sẽ thúc đẩy cho nhiều nhà đầu tư đầu tư mạnh dạn hơn vào thị trường bất động sản khu công nghiệp trong thời gian tới. Bên cạnh đó, so với một số nước Đông Nam Á, giá đất công nghiệp tại Việt Nam vẫn còn tương đối thấp”, ông Vũ Minh Chí chia sẻ.
Trong khi đó, Việt Nam có nhiều tiềm năng trở thành trung tâm công nghiệp hàng đầu khu vực, ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp điện tử chọn Việt Nam là điểm đến. Điển hình như nhà sản xuất xe điện Trung Quốc (EV) BYD Auto Co có kế hoạch xây dựng một nhà máy tại Việt Nam để sản xuất phụ tùng ô tô nhằm đa dạng hóa và tăng thêm chuỗi cung ứng ở Đông Nam Á.
Dự báo về xu hướng thị trường bất động sản công nghiệp thời gian tới, ông Vũ Minh Chí cho rằng, mô hình khu công nghiệp xanh, thông minh và bền vững được các ông lớn ngành công nghiệp quan tâm và tiến hành triển khai. Chẳng hạn như dự án của VSIP Group tại tỉnh Bình Dương hiện đang triển khai thi công Khu công nghiệp VSIP III theo mô hình khu công nghiệp xanh, thông minh và bền vững. Việc xây dựng các khu công nghiệp hướng tới các tiêu chuẩn xanh, bền vững ngoài làm sạch môi trường, giảm lượng CO2 phát sinh, góp phần giảm hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu, điều này còn có tác động tích cực tới tâm lý của người lao động, tạo hiệu ứng lan tỏa tới các nhà đầu tư trên toàn thế giới.