Dự án đô thị Meyhomes Capital Phú Quốc đang thu hút khách hàng đến ở. (Ảnh: Int)
Phát triển dân cư nhưng không lấn biển
Phát biểu tại Hội thảo "Không gian đô thị Phú Quốc: Sự dịch chuyển mạnh mẽ của xu hướng đầu tư mới", TS. KTS. Trần Minh Tùng, Trưởng Bộ môn Kiến trúc dân dụng, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng cho rằng, Phú Quốc được mệnh danh là đảo Ngọc nhưng địa phương này đang dần đánh mất đi những nét đặc thù riêng và trở nên giống với đa số các khu du lịch khác.
Bên cạnh đó, nếu như một đô thị chỉ phát triển thuần du lịch thì rất mong manh, đại dịch đã chứng minh điều đó. Đơn cử như Đà Nẵng, thành phố thuần du lịch, nhưng sau tác động của đại dịch thì gần như tê liệt, xơ xác.
Do đó, ngoài du lịch, TS. Trần Minh Tùng cho rằng, Phú Quốc cần có dòng dịch chuyển dân cư, chứ không đến Phú Quốc chỉ để du lịch rồi về. Để cụ thể hóa cái “độc lạ” của Phú Quốc nên có những mô hình, định hướng chiến lược để thiết lập các dự án đô thị kiểu mẫu, đảm bảo thu hút lượng lớn người nước ngoài và Việt Nam nhập cư vào Phú Quốc.
“Mô hình phát triển của Phú Quốc không nên chỉ gói gọn là một điểm đến du lịch hấp dẫn mà phải là thành phố định cư đúng nghĩa, một đô thị hoàn chỉnh, có hoạt động sống, phát triển kinh tế… Khi phát triển đô thị là trọng tâm thì Phú Quốc phải là một cơ thể hoàn chỉnh chứ không chỉ có du lịch”, TS. Trần Minh Tùng nói.
PGS. TS. Nguyễn Chu Hồi, Đại biểu Quốc hội, Nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho rằng, Phú Quốc là một viên ngọc và ngọc thì càng mài càng sáng, tuy nhiên nếu mài không cẩn thận, ngọc cũng sẽ "tối", không phát huy được giá trị vốn có. Đồng thời, cần đặt ra tư duy cho các nhà làm quy hoạch, không xây dựng một cách vô tội vạ, thay vào đó cần bảo tồn các yếu tố cũ và xây dựng yếu tố mới một cách đúng hướng.
Phú Quốc có lợi thế về biển đảo, cần phát triển trên 2 yếu tố: Tính trội riêng với các đảo để phát triển; tính liên kết giữa đảo và biển với các đảo, khu vực biển xung quanh.
Bên cạnh đó, sự chuyển dịch về địa chính trị trong khu vực khiến Phú Quốc cũng cần có cách nhìn mới. Việc hướng tới thu hút các nhà đầu tư trong nước sẽ tốt hơn các nhà đầu tư nước ngoài tại khu vực này. Theo đó việc xây dựng và phát triển đô thị, nghỉ dưỡng tại Phú Quốc đã được cân nhắc kỹ.
Để phát triển đô thị, ngoài những khu dân cư-đô thị hiện hữu thì cần các khu dân cư mới - đây là khía cạnh khai thác kinh tế khá tốt. Và thêm nữa, chúng ta đã phát triển ra biển chứ không còn chỉ đứng trên bờ nữa. Tuy nhiên, PGS. TS. Nguyễn Chu Hồi cho rằng phát triển Phú Quốc không nên lấn biển như nhiều tỉnh thành đang làm, vì tại Phú Quốc còn nhiều dư địa phát triển với đất và rừng. “Phát triển đô thị phải gắn liền với kinh tế đô thị, nên tôi nhất trí cần đô thị cho người dân ở”, PGS. TS. Nguyễn Chu Hồi nhấn mạnh.
Xu hướng tìm kiếm bất động sản nhà ở tăng
Bình luận về xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư vào thị trường bất động sản Phú Quốc, TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, bất động sản du lịch Phú Quốc phát triển mạnh từ xưa đến nay. Sản phẩm du lịch cũng ngày càng đa dạng, góp phần tăng sức hút của Phú Quốc đối với du khách. Chưa nơi nào ở Việt Nam hội tụ nhiều sản phẩm du lịch mới như ở Phú Quốc. Loại hình này tăng trưởng mạnh, mỗi năm cung cấp cho thị trường bất động sản từ 2.000 - 3.000 sản phẩm.
Bên cạnh bức tranh sôi động của thị trường du lịch nghỉ dưỡng Phú Quốc nhiều năm qua, bất động sản nhà ở sở hữu lâu dài kết hợp du lịch, đặc biệt ở khu vực trung tâm lại có nguồn cung khiêm tốn hơn.
Đất ở tại thành phố đảo chủ yếu là tại thị trấn cũ, ít có dự án nhà ở mới trong khi nhu cầu lại rất cao. Điều này dẫn đến hiện tượng xâm phạm đất nông nghiệp, lâm nghiệp… để bán và xây dựng trái phép diễn ra phổ biến trong giai đoạn 2015 - 2019 tại Phú Quốc.
Tuy nhiên, đối với nhu cầu an cư trước làn sóng di dân đang diễn ra mạnh hiện nay, bất động sản sở hữu lâu dài sẽ là dòng sản phẩm được ưu tiên lựa chọn. Bởi lẽ, nhà ở thực trong tâm lý người Việt trước hết phải là tài sản sở hữu lâu dài, có giá trị truyền đời, được linh hoạt định đoạt quyền thừa kế.
Hiện nay, thị trường Phú Quốc đã xuất hiện những dự án đô thị và nhà ở có chất lượng từ trung đến cao cấp. Tỷ lệ hấp thụ về nhà ở chào bán luôn ở mức cao, đạt trên 80%. Trong giai đoạn 2015 - 2019, giá đất ở tại Phú Quốc tăng trưởng rất mạnh, hơn 50%/năm. Ở thời điểm hiện tại, mức độ tăng trưởng là hơn 20%/năm.
So với Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, giá đất ở tại Phú Quốc vẫn còn thấp hơn rất nhiều, do đó dư địa tăng giá còn cao. Mặt khác, nhu cầu về ở định cư lâu dài tại các khu đô thị Phú Quốc là rất lớn.
Nhận định thị trường bất động sản Phú Quốc giai đoạn 2022 – 2025, ông Đính cho rằng, giai đoạn sắp tới chắc chắn sẽ có sự phân lọc mạnh trong lựa chọn đầu tư của các nhà đầu tư thứ cấp. Những dự án chất lượng kém, khả năng kinh doanh thấp sẽ khó thu hút các nhà đầu tư tham gia.
Ở phân khúc bất động sản đô thị và nhà ở, do tính khan hiếm và có tiềm năng phát triển nên bất động sản nhà ở Phú Quốc vẫn sẽ thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư trên cả nước, đặc biệt là những sản phẩm được cung cấp bởi các dự án chính thống, chất lượng hạ tầng tốt, cảnh quan đẹp, có khả năng khai thác kinh doanh hiệu quả. Đơn cử như dự án đại đô thị Meyhomes Capital Phú Quốc quy mô 266ha của Tân Á Đại Thành tại Phú Quốc cũng có giá 70 - 80 triệu đồng/m2 tương đương với các khu vực lân cận trong khi lại có chất lượng và không gian sống tốt hơn.
Đặc biệt, xu hướng tìm kiếm của khách hàng vào bất động sản ở cũng đang tăng lên vì có sổ đỏ, trong khi nhiều sản phẩm nghỉ dưỡng vẫn vướng yếu tố sở hữu lâu dài.