"Trong bối cảnh thị trường bất động sản châu Á có nhiều bất ổn thì Việt Nam vẫn duy trì sức cạnh tranh tương đối về giá và tài nguyên so với các quốc gia trong khu vực. Giá bất động sản tại nước ta liên tục tăng", ông Trương Trí Vĩnh, Phó tổng thư ký thường trực Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhận định tại hội thảo “Thị trường bất động sản trong xu thế chuyển đổi số" diễn ra tại Đà Nẵng ngày 17/6.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cấp cao, cho rằng thị trường bất động sản đang đóng vai trò là cầu nối các ngành, thị trường trong chuỗi giá trị bất động sản.
Hiện có 35 ngành nghề, lĩnh vực liên quan tới thị trường bất động sản. Trong đó, 4 ngành lớn có liên quan bất động sản nhiều nhất gồm xây dựng; du lịch; lưu trú; tài chính - ngân hàng.
Bất động sản có triển vọng tích cực trong 20 năm tới
Theo tiến sĩ Lực, năm 2021, ngành kinh doanh bất động sản đóng góp 3,58% GDP, đồng thời góp phần thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước.
"Ngành này đang xếp thứ 2 về thu hút vốn nước ngoài, chiếm khoảng 10% vốn FDI đăng ký mới hàng năm. Lũy kế đến hết tháng 5, tổng vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực bất động sản đạt hơn 65 tỷ USD , chiếm 15,3% tổng vốn FDI đăng ký", ông Lực thông tin.
"Quá trình hình thành các đô thị mới dẫn dắt quá trình tăng giá. Đây là những lý do bất động sản Việt Nam liên tục tăng", ông Vĩnh nói và nhận định thị trường bất động sản nước ta đang phát triển nhờ tính năng động và có nhiều động lực phát triển nhất châu Á.
Vị chuyên gia này dẫn chứng với tốc độ tăng trưởng bình quân 15%/năm, bất động sản được dự báo triển vọng rất tích cực trong 20 năm tới do mức độ đô thị hóa vẫn ở mức thấp và đang diễn ra mạnh mẽ, nền kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng cao, hạ tầng còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng.
Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa tại Việt Nam đang diễn ra mạnh mẽ. Hiện cả nước có 44 triệu người ở khu vực đô thị, chiếm 45% dân số. Dự báo, đến năm 2025, dân số tại khu vực đô thị có thể đạt đến 52 triệu người, chiếm 50% dân số với khoảng 1.000 đô thị. Dự báo giai đoạn 2050-2070, tỷ lệ dân đô thị sẽ đạt tới 70-75% dân số.
Cơ sở hạ tầng tại Việt Nam cũng đang trong quá trình phát triển. Trong giai đoạn 2020-2030 nhu cầu đất xây dựng đô thị vào khoảng 400.000 ha năm 2020 lên đến 450.000 ha vào năm 2025.
Diện tích đất đô thị trung bình 85-90 m2/người. Nhà ở đô thị bình quân đạt trên 15-20 m2/người. Đường quốc lộ tăng thêm 5.000 km. Đường cao tốc tăng hơn 4 lần, từ 1,163 km lên 5,000 km. Thêm 6 sân bay và 1 cảng biển quốc tế.
Thách thức đối với doanh nghiệp bất động sản
Tuy nhiên, theo ông Vĩnh, ngành công nghiệp này cũng đối mặt với những vấn đề nội tại khi quy mô ngày càng tăng và với tốc độ ngày càng nhanh.
"Bất động sản từ lâu đã được coi là một trong những tài sản có tính thanh khoản thấp nhất. Việc bán nhà có thể mất hàng tháng và thường không có cách nào để nhận được số tiền đó nhanh chóng. Các hệ thống thủ tục pháp lý phức tạp", ông Vĩnh khẳng định và cho biết các doanh nghiệp BĐS vừa và nhỏ đang bị "đuối" trên sân nhà do hạn chế về nguồn vốn, sự tiếp cận công nghệ ở mức thấp.
"Cùng với đó, lâu nay mọi người thường nhìn nhận bất động sản như là một sản phẩm đầu cơ, chứ không chú ý đến nó như hàng hóa bình thường. Nhìn ở góc độ này thì bất động sản ở trung hạn đang thiếu hụt; cùng với các nhà đầu tư đang tìm nơi trú ẩn an toàn cho các dòng tiền.
Bất động sản từ lâu đã được coi là một trong những tài sản có tính thanh khoản thấp nhất.
Ông Trương Trí Vĩnh
Cùng quan điểm, tiến sĩ Lực cũng chỉ ra những rào cản, hạn chế trong kinh doanh bất động sản.
Đó là nhu cầu của khách hàng tăng, công nghệ thay đổi nhanh chóng, trong khi các doanh nghiệp hoạt động theo hướng truyền thống và ít đầu tư cho đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số.
Thách thức lớn trong chuyển đổi số bất động đó là thiếu nhân lực có năng lực. "Khảo sát cho thấy có tới 65% lãnh đạo tại doanh nghiệp bất động sản không có kiến thức nền tảng về công nghệ", ông Lực nêu.
Phân tích sâu hơn, vị chuyên gia này cho rằng những thách thức trong chuyển đổi số bất động sản Việt Nam hiện nay là về nhận thức, thay đổi tư duy, thói quen từ trực tiếp sang trực tuyến.
Bên cạnh đó, khung pháp lý chậm thay đổi, cập nhất thiếu đồng bộ và cởi mở; thông tin, dữ liệu thiếu và rải rác; niềm tin của người tiêu dùng cần thời gian vun đắp; kết nối giữa chủ đầu tư với trung gian tài chín... còn yếu.
Với kinh nghiệm gần 20 năm làm các công việc liên quan bất động sản, ông Lê Đình Dũng, Chủ tịch Công ty Cổ phần Reesoft, chỉ ra rằng các doanh nghiệp chậm đổi mới, kém hiệu quả sẽ dần bị đào thải, nhất là trong giai đoạn khó khăn, khủng hoảng.
"Website đăng tin bất động sản đang bị một tình trạng là tin rác quá nhiều. Các môi giới tự do cạnh tranh không lành mạnh nên nhiều người cố tình đăng không chính xác để có được thông tin của nhiều khách hàng. Đến khi có được thông tin khách rồi thì họ chào bất động sản khác. Chính vì điều đó ngày càng mất lòng tin với những khách hàng muốn xem tin thật sự", ông Dũng dẫn chứng.
Về giải pháp, các chuyên gia đều có chung khuyến nghị là doanh nghiệp nên xác định cách mạng công nghệ là thay đổi căn bản, là xu hướng tất yếu. Chuyển đổi số mang lại lợi ích nhiều hơn so với rủi ro, bất lợi; và trở thành “cuộc đua sống còn” của doanh nghiệp Việt.