Từ năm 2002, hàng nghìn người trẻ Trung Quốc đã bị liệt vào danh sách những “con nghiện Internet”, bị ném vào các bệnh viện tâm thần để điều trị tâm lý, rèn kỷ luật quân đội hay thậm chí là sử dụng liệu pháp sốc điện để chữa trầm cảm hoặc các bệnh tâm thần khác.
Những chi tiết bên trong khu điều trị được tái hiện trong bộ phim thực tế ảo (VR) Diagnosia, vừa được công chiếu tại Liên hoan phim Sundance.
Bị nhốt vào viện tâm thần vì chơi game
Thức dậy sau một cơn mơ dài, bạn đột nhiên phát hiện mình đang ở một căn phòng ký túc xá hoàn toàn xa lạ. Không gian xung quanh mờ ảo, chẳng một tia sáng và trống rỗng, không có gì ngoài đôi chiếc giường, chiếc bàn và vài chiếc ghế con.
Tường nhà còn treo một chiếc chiếc lịch ghi rõ công việc hàng ngày như thức dậy từ 5h30 và ngủ vào 21h30. Ngoài ăn uống và vệ sinh cá nhân, toàn bộ thời gian còn lại đều chỉ xoay quanh 3 nhiệm vụ: cải tạo, huấn luyện quân đội và làm trắc nghiệm tâm lý.
Tấm lịch viết rằng bạn được bố mẹ gửi đến đây từ ngày 30/8, nói rằng bạn sẽ được gặp bác sĩ tâm lý và sẽ được về nhà nếu tư vấn xong. Nhưng trên thực tế, bạn đã bị nhốt ở đây vĩnh viễn và chỉ có thể thoát khỏi khi có lệnh từ bác sĩ.
Đây là cảnh mở đầu của “Diagnosia”, một bộ phim VR thắng hàng loạt giải thưởng vì khắc họa thành công một viện tâm thần điều trị bệnh nghiện Internet đáng sợ. Bộ phim lấy từ trải nghiệm của Zhang, một trong những nhà sản xuất phim.
Anh từng là một “con nghiện Internet” ngoài đời, được ném vào bệnh viện tâm thần từ năm 17 tuổi. Mặc dù chỉ ở đó vài tháng, chàng trai vẫn bị ám ảnh vì đã bị đối xử không ra hình người ở đây.
Theo Sixth Tone, những viện tâm thần dành cho bệnh nhân nghiện Internet đã xuất hiện ở Trung Quốc suốt 20 năm qua. Mọi chuyện bắt đầu từ năm 2002 khi 4 đứa trẻ dưới tuổi vị thành niên đã phóng hỏa, thiêu cháy một tiệm net ở Bắc Kinh, làm chết 25 người chỉ vì không được cho vào.
Vụ án này đã làm rúng động Trung Quốc và làm dấy lên lo ngại về sự nguy hiểm của Internet đối với các vấn đề đạo đức. Những đứa trẻ dành hàng giờ trước màn hình máy tính chơi game vốn được cho là vô hại, giờ đây lại trở thành những mầm mống tội phạm đầy nguy hiểm.
Đối xử tàn độc với bệnh nhân
Giữa những lo ngại này, nhà hoạt động Tao Hongkai, tự nhận mình là chuyên gia tâm lý, đã phát triển một phương pháp điều trị hiệu quả dành “con nghiện Internet”. Không lâu sau đó, ông đã mở viện tâm thần đầu tiên và trở nên rất phổ biến lúc bấy giờ. Hàng nghìn bậc phụ huynh đã gửi con mình vào đó và đến năm 2009, đã có hơn 300 viện điều trị dọc lãnh thổ Trung Quốc.
Nhưng những bệnh viện tâm thần này đã bị chỉ trích vì cách đối xử tàn độc với bệnh nhân. Năm 2009, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV đã có một tiết lộ chấn động về liệu pháp sốc điện để chữa tâm thần tại các cơ sở này.
Trong đó, viện điều trị Zhang ở là Youth Psychological Growth Base, nằm ở ngoại ô Bắc Kinh. Ở đây, chàng trai và nhiều bệnh nhân khác đã phải uống thuốc chống trầm cảm 2 lần/ngày. Các y tá còn rọi đèn vào miệng họ để chắc chắn rằng họ không giấu thuốc sau lưỡi.
Trong những buổi huấn luyện quân đội, các giảng viên hoàn toàn có thể đánh Zhang nếu anh không nghe lời. Anh còn từng bị nhốt vào phòng tối suốt mấy ngày liền. Nhưng điều đáng sợ nhất của viện tâm thần này là anh phải vâng theo bất kỳ luật lệ nào mà những người ở đây bất chợt đề ra.
“Tôi không biết khi nào họ sẽ lóe ra những quy định mới, cũng không biết tương lai sẽ có chuyện gì. Chẳng ai ở đây ngăn họ lại”, Zhang nhớ lại.
Cuối cùng, anh đã được thả ra vào cuối năm 2007. Ngay sau đó, Trung Quốc ra lệnh đóng cửa những viện tâm thần điều trị nghiện Internet. Đến năm 2009, truyền thông nước này lại một lần nữa rúng động khi một cậu bé 16 tuổi đã bị nhân viên tại một viện tâm thần cai nghiện Internet đánh đến chết.
Chiêu làm tiền của những viện tâm thần
Tuy nhiên, trên thực tế, những bệnh viện như thế này không hề biến mất. Trên trang đăng tải thông tin doanh nghiệp, có hơn 50 công ty viết rằng họ cung cấp các dịch vụ điều trị nghiện Internet. Trong khi đó, truyền thông Trung Quốc lại tiếp tục chỉ trích những tựa game video vì gây nghiện và ảnh hưởng đến tinh thần giới trẻ.
Điều đáng chú ý là viện tâm thần Zhang từng được đưa vào để “điều trị” đã công bố một nghiên cứu, chỉ ra những tiêu chí đánh giá thế nào là nghiện game, được cả giới khoa học và công chúng chú ý và chấp nhận.
Tuy nhiên, theo Zhang, bài nghiên cứu này của Tao Hongkai tồn đọng rất nhiều vấn đề. Trước hết, những kết quả này đều đi ngược lại với tiêu chuẩn đạo đức thông thường. “Họ không nói với chúng tôi về nghiên cứu này. Nhiều người đã bị lừa vào đây hoặc thậm chí là bị chính bố mẹ chuốc thuốc ngủ để đưa vào”, anh nói.
Bên cạnh đó, các bệnh nhân đều không có những dấu hiệu tâm thần quá nghiêm trọng. Bản thân anh chơi game không quá 6 giờ trong vòng 3 tháng nhưng cuối cùng vẫn bị đưa vào viện để “điều trị”.
Những bệnh viện này lập nên cốt chỉ để kiếm tiền, Zhang nói. Vào năm 2007, viện điều trị này thu gia đình Zhang 10.000 tệ/tháng. Không chỉ thế, các viện tâm thần tự mọc này không chứng minh được phương pháp của họ là hiệu quả.
“Nhiều người vào đây không phải vì nghiện game và rồi sau đó họ được thả ra ngoài cũng chẳng phải vì đã ‘khỏi bệnh’. Tất cả nhưng một tấn hài kịch”, Zhang nói với Sixth Tone.
Bộ phim “Diagnosia” của nhà làm phim trẻ đã gây một làn sóng chú ý trong làng điện ảnh, nhận được rất nhiều để cử tại các liên hoan phim. Bộ phim đã giành giải “Bộ phim Trung Quốc xuất sắc” ở Sandbox Immersive Festival.
Anh mong rằng bộ phim này sẽ thay đổi suy nghĩ của mọi người về game và những viện tâm thần đáng sợ này. “Chơi game dường như là cách duy nhất để người trẻ giao tiếp. Game kéo gần khoảng cách giữa người với người”, Zhang chia sẻ.