Noland Arbaugh (29 tuổi) là bệnh nhân đầu tiên được cấy ghép chip của Neuralink. Thử nghiệm này là một phần của kế hoạch phát triển giao diện não-máy tính, hay còn gọi là BCI, nhằm giúp những bệnh nhân bị liệt có thể điều khiển máy tính hoặc thiết bị điện tử chỉ bằng sóng não, mà không cần chuyển động. Sản phẩm đầu tiên của Neuralink có tên là Thần giao cách cảm (Telepathy).
Trong video phát trực tiếp trên X hôm 20/3, Arbaugh cho biết anh bị liệt tứ chi sau một tai nạn lặn vào 8 năm trước. “Ca phẫu thuật cấy chip cực kỳ dễ dàng. Tôi đã được xuất viện chỉ một ngày sau đó và không bị suy giảm nhận thức”, Arbaugh nói trong livestream.
Bệnh nhân chia sẻ khi bị liệt suốt 8 năm, anh đã từ bỏ việc chơi cờ. Nhưng Neuralink đã giúp anh có thể thực hiện mong ước này và chơi liên tục trong 8 giờ.
“Thật ra ca phẫu thuật không hoàn hảo. Chúng tôi đã gặp phải một số vấn đề trong khi mổ. Tôi không muốn mọi người nghĩ rằng như thế này là đã xong, vì vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Nhưng nó đã thay đổi cuộc đời tôi”, Arbaugh chia sẻ.
Trên lý thuyết, BCI là một hệ thống giải mã tín hiệu não và chuyển chúng thành lệnh cho thiết bị công nghệ bên ngoài. Nếu hệ thống đi vào hoạt động, những bệnh nhân mắc các bệnh thoái hóa nghiêm trọng như bại liệt hoàn toàn có thể nhắn tin hoặc lướt mạng xã hội bằng tâm trí.
Noland Arbaugh, bệnh nhân bị liệt dưới vai sau một tai nạn lặn, đang chơi cờ trên laptop và di chuyển con trỏ bằng thiết bị Neuralink.
Neuralink không phải công ty duy nhất theo đuổi công nghệ xây dựng giao diện giao tiếp giữa não với máy (BMI - brain-machine interface) hoặc giữa não với máy tính (BCI - brain-computer interface).
Sau quá trình nghiên cứu, các startup như BlackRock Neurotech, Precision Neuroscience, Synchron Medical và Paradromics cũng đang phát triển công nghệ giao tiếp tương tự. Một số công ty như Nuro còn nghiên cứu phương pháp cấy ghép không xâm lấn, không phẫu thuật.
Nhưng Neuralink đặc biệt nổi tiếng trong lĩnh vực này nhờ sự nổi tiếng của tỷ phú Elon Musk, đồng thời là CEO của Tesla và SpaceX.
Trên thực tế, những khả năng mà bệnh nhân Neuralink làm được trong video livestream không hoàn toàn mới. Tiến sĩ Nader Pouratian, chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật Thần kinh tại Trung tâm Y tế Tây Nam UT, cho biết các nhà nghiên cứu đã phát triển và nghiên cứu công nghệ BCI trong nhiều năm qua.
“Có những điều chúng ta đã có thể làm được trong nhiều thập kỷ qua. Ví dụ như việc di chuột theo nhiều hướng khác nhau đối với những người làm nghiên cứu như chúng tôi rất đơn giản, miễn là nhận được tín hiệu não”, ông nói với CNBC.
Theo vị tiến sĩ, rất nhiều người hứng thú với công nghệ BCI, nhưng vẫn còn rất nhiều thách thức thực tế cần giải quyết, đơn cử như cách diễn giải và phân tích tín hiệu não hay biến chúng trở nên có ích. Pouratian cho rằng sự minh bạch từ cả giới khoa học và ngành BCI nói chung về những cải tiến mới sẽ là chìa khóa cho sự tiến bộ.
Theo một bài đăng trên blog chính thức, từ tháng 5/2023, Neuralink đã tuyển bệnh nhân cho thử nghiệm cấy chip lâm sàng vào mùa thu năm 2023, sau khi nhận được sự chấp thuận của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) và hội đồng đạo đức bệnh viện. Hồi tháng 1/2024, Musk cho biết công ty đã lần đầu tiên cấy ghép thành công thiết bị của mình vào não người. Bệnh nhân được cấy ghép là Arbaugh, đang “hồi phục tốt”, theo một bài đăng trên X.
Ngoài các bài đăng của Musk, Neuralink chia sẻ rất ít thông tin về phạm vi và bản chất của thử nghiệm. Cuộc thử nghiệm không hề xuất hiện trên trang web Clinictrials.gov, nơi các công ty thiết bị y tế chia sẻ thông tin về nghiên cứu để công chúng và các chuyên gia chăm sóc sức khỏe khác biết về kế hoạch của họ.