Trong cuộc phỏng vấn tại buổi ra mắt bộ phim Lola vào ngày 5/2, CEO Tesla cho biết ông hy vọng Neuralink có thể sớm báo cáo về tiến độ dự án giúp bệnh nhân điều khiển điện thoại và máy tính bằng suy nghĩ.
“Chúng tôi hy vọng sẽ có kết quả từ bệnh nhân đầu tiên vào cuối tuần này. Cho đến nay, mọi thứ có vẻ rất khả quan”, Elon Musk nói.
Vị tỷ phú nói thêm rằng bệnh nhân đã được cấy ghép một sản phẩm có tên Telepathy (thần giao cách cảm). Ngoài ra, bệnh nhân được cho đang phục hồi tốt và một số kết quả ban đầu cho thấy các tế bào thần kinh của người này có sự gia tăng mạnh mẽ.
Trong một bài đăng của Elon Musk trên mạng xã hội X vào ngày 30/1, con chip của Neuralink sẽ “cho phép người dùng điều khiển điện thoại hoặc máy tính chỉ bằng cách suy nghĩ”.
Hiện tại, đại diện của Neuralink chưa đưa ra bình luận.
Dù con chip của Neuralink đã được nghiên cứu trong nhiều năm, Musk dường như đã chậm trễ trong việc thử nghiệm trên người trong vài năm qua. Tiến độ của công ty cũng bị đình trệ do Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) từ chối yêu cầu phê duyệt vì lo ngại an toàn.
Đến tháng 5/2023, cơ quan trên đã chấp thuận yêu cầu của Neuralink, giúp hàng nghìn bệnh nhân có thể đăng ký làm tình nguyện viên.
Về phần mình, Elon Musk nhiều lần tuyên bố rằng công nghệ cấy chip vào não có thể giúp ích cho những người bị mất khả năng sử dụng tay chân. Ông cũng cho rằng thiết bị này có thể "giải quyết" một số tình trạng như chứng tự kỷ và tâm thần phân liệt.
“Hãy tưởng tượng nếu Stephen Hawking có thể giao tiếp nhanh hơn tốc độ của người đánh máy hoặc người bán đấu giá. Đó là mục tiêu của Neuralink”, Musk viết trên mạng xã hội X vào ngày 30/1.