Triệu phú người Mỹ Graham Stephan đã thu hút gần 1,39 triệu người đăng ký trên nền tảng Youtube của riêng mình, bằng cách chia sẻ kinh nghiệm tiết kiệm, đầu tư vào bất động sản và tích luỹ được khối tài sản đáng mơ ước.
Hiện tại, chỉ riêng thu nhập hàng tháng của Graham đã cao tới 220.000 USD Mỹ (tương đương hơn 5,2 tỷ đồng). Mặc dù thu nhập cao, có thể mua hầu hết mọi thứ mình muốn nhưng Stephen có một nguyên tắc, đó là "không chi tiền cho cà phê và quần áo hàng hiệu đắt tiền". Nhờ vậy, anh đã tiết kiệm được 1 triệu USD đầu tiên ở tuổi 26 và số tiền tiết kiệm hiện tại cũng vượt mức 1,6 triệu USD Mỹ.
Bí quyết tiết kiệm chẳng giống ai, nhưng hiệu quả bất ngờ
CNBC trích dẫn câu nói của Stephen: "Tôi chưa bao giờ thích tiêu tiền bừa bãi kể từ khi còn nhỏ". Anh đã luôn duy trì nguyên tắc thu nhập cao và chi phí thấp. Hai món đầu tiên bị anh cắt giảm khỏi danh sách mua sắm chính là cà phê và quần áo sành điệu, đắt tiền. Điều này cho phép anh tiết kiệm gần 99% thu nhập của mình.
Thứ đầu tiên bị cắt bỏ là cà phê ngoài hàng.
Anh nói: "Tôi nghĩa rằng việc uống hay mua cà phê tại Starbucks, Coffee Bean... với mức giá 'vô lý' là hoàn toàn không cần thiết. Chính vì thế, tôi tự pha cà phê ở nhà với giá 20 xu thay vì mua với giá vài USD. Trong thời gian dài, nó sẽ gộp lại thành một khoản tiền đáng kể".
Ngoài ra, anh thậm chí còn mua cà phê tại nơi có giá chỉ bằng gần một nửa so với các cửa hàng tạp hóa khác nhưng chất lượng thì tương đương.
Hơn nữa, quần áo thời trang đắt tiền cũng là đối tượng Stephen không bao giờ mua.
"Tôi không có mua một đôi giày nào với giá 700 USD cả", anh nói. Anh cho biết những sản phẩm tương tự có thể mua được ở các thương hiệu bình dân như Aldo, Call It Spring hoặc H&M với giá chỉ bằng 1%.
Ngoài việc từ chối những khoản chi tiêu không cần thiết, chế độ ăn uống hàng ngày của Stephen cũng rất thanh đạm. Anh thường đến một số cửa hàng tạp hóa để mua nguyên liệu về nhà tự nấu. Nếu đi ăn ngoài thì thỉnh thoảng anh sẽ "cưa đôi" tiền bữa ăn với bạn gái.
Đồng thời, Stephan không chỉ tập trung duy nhất vào những thứ nhỏ nhặt. Để tiết kiệm phần lớn thu nhập, anh tìm ra nhiều cách sáng tạo để cắt giảm chi phí thiết yếu lớn như nhà ở và xe cộ. Anh cho thuê lại một nửa căn hộ của mình để dùng số tiền thu được chi trả cho sinh hoạt phí.
Ngoài ra, tháng 4 năm ngoái, anh còn mua một chiếc Tesla Model 3, được mệnh danh là ô tô điện dân dụng "hoàn toàn miễn phí". Thực tế, chiếc xe này trị giá 35.000 USD. Quá trình giới thiệu và mua xe được anh quay lại, đăng tải trên Youtube rồi nhanh chóng nổi tiếng, thu hút lượt xem khủng. Nhờ vậy, anh kiếm được số tiền tương đương với giá trị của xe. Kênh YouTube của Graham Stephan hiện có 1,2 triệu người đăng ký và các video trên kênh của anh đều có số lượng người xem ổn định.
Stephen thừa nhận anh là người "tiết kiệm cực đoan" và tự hào rằng "không ai tiết kiệm hơn mình".
"Đừng chỉ làm việc 12 giờ một ngày. Bạn cần suy nghĩ xa hơn thế. Điều có hiệu quả với tôi chưa chắc đã hiệu quả với người khác bởi chẳng có phương pháp nào hoàn hảo cả. Điều quan trọng là bạn cần suy nghĩ nghiêm túc về việc kiếm và chi tiêu tiền để tìm ra cách phù hợp với mình nhất", anh nhận định.
Đừng đợi có tiền mới bắt đầu tiết kiệm
Ngày này, sự phát triển của xã hội luôn khuyến khích con người mua sắm, chi tiêu ngày càng nhiều. Nếu bạn luôn cảm thấy "không tiêu gì mà vẫn hết tiền", điều đó chứng tỏ bạn không có một kế hoạch tài chính cá nhân rõ ràng.
Chìa khóa để đạt được tự do tài chính trong tương lai bắt đầu từ việc dừng tiêu xài phung phí và tiết kiệm tiền, càng sớm càng tốt. Nhờ vào lãi kép, bất kỳ khoản tiền nào được tích lũy cũng sẽ tự sinh ra phần tiền lãi tiếp theo.
Theo "Phù thuỷ tài chính" Suze Orman, mặc dù bạn có thể chi trả cho những thứ đắt tiền hơn , nhưng điều đó không có nghĩa nó là sự lựa chọn tốt nhất. Những người thành công luôn biết rằng, điều kiện sống tương đương với khả năng mới là con đường tốt nhất để dẫn tới sự giàu sang bền vững.
Vì vậy, bạn càng bắt đầu sớm, tiền tiết kiệm của bạn sẽ càng tăng. Tuy nhiên trên thực tế, không phải ai cũng bắt đầu tiết kiệm tiền ở độ tuổi 20. Hầu hết họ đều nghĩ rằng "Tôi không cần phải tiết kiệm bởi vì tôi còn trẻ", "Tôi phải tận hưởng cuộc sống"...
Có thể rất khó để từ chối những cám dỗ thôi thúc bạn chi nhiều hơn, mua nhiều hơn (trong khi bạn hoàn toàn có đủ khả năng). Nhưng nếu để nó trở thành một thói quen, bạn sẽ không bao giờ có thể thoát khỏi nó. Không phải thứ gì chúng ta muốn cũng là thứ mà chúng ta cần. Khi đã không cần, vậy thì không đáng phải mua.