Biên bản cuộc họp chính sách tháng trước cho thấy giới chức đã loại bỏ kỳ vọng về việc họ sẽ cần tăng lãi suất lên mức này sau khi những bất ổn của ngành ngân hàng xảy ra. Tuy nhiên, FOMC vẫn quyết định tăng lãi suất thêm 0,25% lên khoảng 4,75% đến 5%, trong bối cảnh giới chức tìm cách cân bằng rủi ro của một cuộc khủng hoảng tín dụng với khả năng áp lực giá cả vẫn còn quá cao.
Động thái trên được thực hiện ngay cả khi các cố vấn của Fed đưa ra cảnh báo rằng một cuộc suy thoái nhẹ có thể xảy ra vào cuối năm nay.
Theo biên bản cuộc họp, các quan chức đã đồng tình rằng việc đưa ra một số biện pháp chính sách có thể là động thái phù hợp. Đây cũng là lập trường mà một số quan chức Fed đã nhắc lại trong những ngày gần đây.
Các nhà hoạch định chính sách nhận định rằng “những vấn đề gần đây trong lĩnh vực ngân hàng có thể khiến điều kiện tín dụng bị thắt chặt hơn đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp, đồng thời gây áp lực lên hoạt động kinh tế, tuyển dụng lao động và lạm phát”. Trong bối cảnh này, các quan chức vẫn chú ý đến rủi ro lạm phát.
Sau khi số liệu lạm phát mới được công bố, các nhà kinh tế dự đoán Fed có khả năng sẽ tăng lãi suất thêm 0,25% trong cuộc họp tiếp theo, sau đó là khoảng thời gian tạm dừng kéo dài.
Song, theo nội dung của biên bản cuộc họp, cùng bình luận của quan chức và triển vọng chưa chắc chắn về ảnh hưởng của việc thắt chặt tín dụng với nền kinh tế, cho thấy lộ trình điều chỉnh chính sách có thể vẫn chưa được thiết lập đầy đủ.
Trong các dự báo hàng quý được công bố cùng quyết định điều chỉnh lãi suất vào tháng 3, hầu hết các quan chức dự đoán lãi suất sẽ đạt 5,1% vào năm nay. Theo đó, Fed sẽ thực hiện một lần nâng 0,25% vào tháng 5 và sau đó là đợt tạm dừng kéo dài.
John Williams, Chủ tịch Fed New York và phó Chủ tịch FOMC, cho biết một đợt tăng nữa và sau đó tạm dừng “là điểm khởi đầu hợp lý” cho cuộc thảo luận sắp tới vào ngày 2-3/5.
Ông cũng bày tỏ niềm tin về việc những điều căng thẳng nhất của ngành ngân hàng có thể đã qua và chưa có dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng tín dụng quy mô lớn hơn. Một số nhà hoạch định chính sách cũng đưa ra ý kiến rằng việc giảm quy mô của hoạt động cho vay có thể giúp kiềm chế đà tăng trưởng và lạm phát, dù tác động vẫn là điều không chắc chắn.
Trong khi đó, Chủ tịch Fed San Francisco Mary Daly, người không nằm trong nhóm có quyền bỏ phiếu năm nay nhưng được coi là có cùng quan điểm với ông Jerome Powell, mới đây cho biết lạm phát có thể tự hạ nhiệt mà Fed không cần tăng thêm lãi suất. Trước đó, Chủ tịch Fed Chicago, Austan Goolsbee, kêu gọi NHTW nên thận trọng và kiên nhẫn với chính sách.
Biên bản nêu rõ, các nhà hoạch định chính sách đã nhấn mạnh sự cần thiết của “tính linh hoạt và điều chỉnh phù hợp” do những bất ổn xung quanh tình trạng căng thẳng của ngành ngân hàng.
Stephen Stanley, nhà kinh tế trưởng của Mỹ tại Santander US Capital Markets, nhận định: “Trong bối cảnh bất ổn gia tăng và việc Fed nhấn mạnh vào tính linh hoạt, thì biên bản tháng 3 lại đưa ra rất ít tín hiệu về triển vọng chính sách trong tương lai.”
Trước cuộc khủng hoảng ngân hàng, các số liệu kinh tế được công bố kể từ cuộc họp tháng 12 đã khiến nhiều nhà hoạch định chính sách dự báo về việc tăng lãi suất lên cao hơn một chút so với ước tính trước đó. Một số quan chức khác cho biết họ cân nhắc việc tăng lãi suất ở mức lớn hơn, sau khi lạm phát giảm chậm hơn dự kiến.
Sau khi Silicon Valley Bank và Signature Bank sụp đổ chỉ vài ngày trước cuộc họp của Fed, một số quan chức cho biết họ đã cân nhắc về việc liệu có nên giữ nguyên lãi suất hay không. Song, các động thái nhằm ổn định của Fed và các cơ quan khác đã giúp giảm bớt căng thẳng.
Phát biểu vào ngày 22/3, ông Powell cho biết SVB là “ngoại lệ” vì ngân hàng này phụ thuộc nhiều vào tiền gửi không được bảo hiểm và rủi ro khi nắm giữ trái phiếu. Nhưng ông cũng thừa nhận rằng khó có thể biết được nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng như thế nào khi các điều kiện tín dụng bị thắt chặt hơn.