Lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chia sẻ thông tin trên tại Tọa đàm Việc làm của người lao động trong bối cảnh doanh nghiệp thiếu đơn hàng – Thực trạng và giải pháp, tổ chức chiều 8/12.
Khó khăn về việc làm, rút bảo hiểm xã hội một lần có thể gia tăng
Là một trong những địa phương có đông lao động bị ảnh hưởng, ông Đặng Tấn Đạt, Trưởng ban Chính sách, Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cho biết, thống kê đến nay toàn tỉnh có khoảng 240.000 lao động giảm giờ làm, số lao động đang tạm hoãn hợp đồng khoảng 30.000 người. Theo ông Đạt, với số lao động đang tạm hoãn hợp đồng này thực sự rất khó khăn, bởi trước mắt có thể tạm hoãn 3 – 4 tháng, nhưng dự báo sang năm 2023, số lao động bị tạm hoãn hợp đồng có thể nhiều hơn do việc đứt gãy các chuỗi cung ứng.
Do đó, ông Đạt cho rằng, cần chính sách hỗ trợ trước mắt nhưng về căn cơ lâu dài vẫn là đảm bảo việc làm có thu nhập cho người lao động.
Tại Đồng Nai, đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh cũng thông tin, việc thiếu đơn hàng của các doanh nghiệp trên địa bàn hiện nay chủ yếu xảy ra ở doanh nghiệp dệt may, da giày, chế biến gỗ, dự báo quý 1, quý 2/2023 tình trạng thiếu đơn hàng sẽ còn tiếp diễn. Theo thống kê, toàn tỉnh có khoảng 187 doanh nghiệp phải giảm giờ làm và khó khăn về đơn hàng, dẫn đến hơn 62.700 lao động bị ảnh hưởng đến việc làm; khoảng 5.000 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động.
Còn tại TP.HCM, báo cáo của Liên đoàn Lao động thành phố cho biết, có khoảng 108.000 lao động bị ảnh hưởng đến việc làm, trong đó nhiều nhất là giảm giờ làm, giãn việc không làm thêm giờ; khoảng 6.000 người mất việc. Đáng chú ý, trong số lao động bị ảnh hưởng việc làm, có khoảng 40.000 lao động trên 35 tuổi, lao động đang mang thai nuôi con nhỏ khoảng 8.000 người.
Đại diện Liên đoàn Lao động TP. HCM nhận định, sắp tới, các doanh nghiệp có thể tiếp tục khó khăn trong quý 1 và quý 2/2023, dẫn đến nhiều lao động bị ảnh hưởng thiếu việc làm, giảm thu nhập. “Với tình thế khó khăn này, tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần sẽ gia tăng, quyền lợi của họ sẽ bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng, nhất là chế độ cho các lao động yếu thế, lao động mang thai, nuôi con nhỏ”, vị này nói.
Chính sách hỗ trợ cho cả doanh nghiệp, và người lao động phải đủ nhanh
So với các địa phương phía Nam, các doanh nghiệp tại Hà Nội có thể chịu ít tác động hơn từ việc sụt giảm đơn hàng, song ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp và Khu chế xuất Hà Nội thông tin, đến nay các doanh nghiệp cũng đang dần “thấm” tác động.
“Thời điểm này của các năm trước người lao động thường phải tăng ca để đảm bảo các đơn hàng nhưng hiện nay việc tăng ca không còn. Điều này đã tác động rất lớn đến thu nhập của người lao động”, ông Thắng nói và cho rằng, trước đây để đạt mức thu nhập từ 8 - 9 triệu đồng, người lao động phải làm thêm giờ, song hiện nay không có.
Theo báo cáo nhanh của công đoàn cơ sở, Hà Nội hiện ghi nhận hơn 2.000 công nhân ảnh hưởng đến việc làm, chủ yếu thuộc ngành điện tử, sản xuất linh kiện, song chủ yếu mức độ ảnh hưởng là không làm thêm giờ.
Tình trạng khó khăn thể hiện rõ hơn ở nhóm ngành dệt may. Theo Bà Hoàng Thị Thu Hồng, Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Dệt may Hà Nội, đây là thời điểm rất khó khăn, bởi đơn vị này dù đang quản lý khoảng 20.000 lao động, song ghi nhận số doanh nghiệp có đơn hàng đến hết quý 1/2023 là rất ít, chủ yếu chỉ đến hết tháng 12/2022. Thời điểm này cũng là lúc nhiều đơn vị đang phải giãn việc, và tung hết nguồn lực để giữ công nhân.
Bà Hồng cho biết, qua thống kê, hiện ngành dệt may Hà Nội đã có 4 đơn vị nợ lương người lao động, trong đó có 2 doanh nghiệp nước ngoài. Công đoàn ngành đang phối hợp với lực lượng công an thành phố để kiểm soát việc chủ doanh nghiệp nước ngoài có nợ lương, nhưng về nước không quay trở lại.
“Hà Nội đã có một doanh nghiệp chủ về nước nghỉ Tết và không sang nữa, vấn đề là chủ doanh nghiệp này không ủy quyền cho ai, tài sản không thể thanh lý được. Hiện 124 lao động của đơn vị này chúng tôi đang cố gắng để chốt sổ bảo hiểm cho họ để tìm kiếm việc làm khác, song việc nợ lương thì chưa thể giải quyết được”, bà Hồng trăn trở.
Trước những phản ánh từ các địa phương, đơn vị, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thừa nhận, khó khăn của người lao động hiện nay là vấn đề đáng quan tâm nhất là khi gần Tết, bởi không chỉ tác động đến đời sống, nhận thức của người lao động mà còn nguy cơ ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội nếu không được giải quyết thấu đáo.
“Hơn lúc nào hết, cần có các chính sách hỗ trợ kịp thời, bởi lẽ hỗ trợ để vừa nuôi dưỡng nguồn lực lao động song cũng là phát triển doanh nghiệp, nếu nhiều doanh nghiệp bị xóa sổ không chỉ thiệt thòi cho chính doanh nghiệp mà còn cho cả nền kinh tế”, ông Hiểu nhấn mạnh.
Theo ông Hiểu, các chính sách hỗ trợ cần hướng đến cả doanh nghiệp và người lao động, vừa giữ chân lao động vừa giúp doanh nghiệp duy trì và tồn tại, chờ khi tình hình tốt hơn. “Chúng tôi mong muốn có cả chính sách ngắn hạn và lâu dài, có chính sách liên quan đến an sinh như bảo hiểm xã hội, đến việc thu hút đầu tư, tìm kiếm thị trường, đổi mới khoa học công nghệ, đào tạo nghề…”, ông Hiểu nói và cho biết, tổ chức công đoàn sẽ trao đổi với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, các đơn vị liên quan, thống nhất để báo cáo Chính phủ.
“Từ nay đến Tết Nguyên đán còn rất gần, nếu chính sách không nhanh, không kịp thời sẽ gây tâm tư cho người lao động. Cả năm có thể có những lúc không vui, nhưng cố gắng Tết không để ai phải buồn, vì lẽ đó chính sách không chỉ mang lại lợi ích chung cho doanh nghiệp, mà còn là niềm tin của lao động với nhà nước”, ông Hiểu nói thêm.