Cảnh tượng đám đông ùn ùn đến các siêu thị mua đồ giảm giá vốn là đặc sản của ngày Black Friday. Theo The Guardian, thứ sáu ngay sau Lễ Tạ ơn từ lâu đã được coi là ngày bắt đầu cho mùa mua sắm nghỉ lễ ở Mỹ.
Khi bình minh ló rạng sau Lễ Tạ ơn, hàng dài người cố giành giật những chương trình ưu đãi tốt nhất tại các cửa hiệu và trung tâm thương mại.
Nhưng vài năm trở lại đây, đại dịch Covid-19, sự bùng nổ của thương mại điện tử và lạm phát kỷ lục tại Mỹ đã thay đổi mọi thứ.
Ngày giảm giá lớn nhất năm
Theo Huffington Post, từ “black” trong Black Friday từng được dùng để chỉ một ngày tệ hại. Vào một ngày thứ sáu trong năm 1869, người ta sử dụng từ "Black Friday" để mô tả ngày giá vàng giảm mạnh, dẫn đến sự sụp đổ thị trường và ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ trong nhiều năm.
Đến những năm 1950 và 1960, thuật ngữ này được cảnh sát giao thông ở Philadelphia (bang PennsyIvania) sử dụng để mô tả tình trạng kẹt xe khủng khiếp tại trung tâm thành phố. Khi đó, hàng trăm nghìn người Mỹ đổ xuống các con phố, chen chúc nhau để mua sắm, sửa soạn cho Lễ Noel sắp đến.
Giới kinh doanh Mỹ sau đó đã sử dụng thuật ngữ Black Friday để quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng loạt giảm giá với ưu đãi lớn để thu hút khách hàng. Nhiều cửa hàng thậm chí mở cửa từ nửa đêm hoặc bán hàng từ Lễ Tạ ơn.
Cảnh tượng đám đông ùn ùn đến các siêu thị mua đồ giảm giá vốn là đặc sản của ngày Black Friday. Ảnh: WSJ.
Trong ngày Black Friday, hầu hết mặt hàng, kể cả những mặt hàng đắt khách và ít giảm giá nhất, cũng giảm trung bình 10-30%. Các thương hiệu từ bình dân đến nổi tiếng đều có ưu đãi lớn. Người mua phải xếp hàng, chen lấn, giành giật để mua những món hàng ưng ý với mức giá hời.
Nhưng giới quan sát nhận định ngày Black Friday ngày càng bớt điên cuồng. "Ngày hội mua sắm lớn nhất nước Mỹ đã chuyển từ 'điên cuồng' sang 'văn minh' nhưng nhạt nhẽo hơn", Bloomberg bình luận.
Cảnh tượng tại các cửa hàng và trung tâm thương mại không còn quá hỗn loạn. Một phần nguyên nhân là không ít nhà bán lẻ bắt đầu chương trình giảm giá từ vài tuần trước ngày Black Friday nhằm kéo dài dịp lễ.
Bạn đang nhìn thấy bước chuyển thế hệ thông qua Black Friday.
Chuyên gia Jennifer Bartashus
Cùng với đó là sự xuất hiện của thương mại điện tử. "Bạn đang nhìn thấy bước chuyển thế hệ thông qua Black Friday", chuyên gia Jennifer Bartashus của Bloomberg bình luận.
"Những người 20-30 tuổi chỉ mua một vài món đồ mà họ đã nghiên cứu trên mạng trong Black Friday. Điều đó trái ngược với thế hệ cũ. Tại sao phải đến cửa hàng? Tại sao phải lòng vòng tìm chỗ đậu xe?", cô nói thêm.
Với sự ra đời của thương mại điện tử, người mua hàng có thể ngồi ở nhà, so sánh giá cả của các mặt hàng bằng cách lướt ngón tay trên màn hình điện thoại. Không còn cảnh chen lấn, xếp hàng ngoài trời lạnh hay thậm chí bỏ mạng vì bị chen lấn, xô đẩy.
Kể từ đầu năm 2020, có một lý do đặc biệt khiến người tiêu dùng sợ đám đông chen lấn ngày Black Friday hơn. Đại dịch Covid-19 đã thay đổi thói quen mua sắm của người Mỹ.
Lạm phát kỷ lục
Trong ngày Black Friday năm nay, người Mỹ có một mối lo khác. Đó là lạm phát ở mức cao nhất trong vòng nhiều thập kỷ.
Dù đã hạ nhiệt phần nào, lạm phát tại Mỹ vẫn cao hơn nhiều mục tiêu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Theo dữ liệu được Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố hôm 10/11, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 của Mỹ tăng 0,4% so với tháng trước và 7,7% so với cùng kỳ năm trước.
Nếu loại trừ giá thực phẩm và năng lượng biến động mạnh, CPI cốt lõi tăng 0,3% so với tháng 9 và 6,3% so với năm 2021.
Thước đo lạm phát yêu thích của Fed cũng vẫn ở mức cao trong tháng 9. Báo cáo của Cục Phân tích Kinh tế (BEA) cho thấy chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi tăng 0,5% so với tháng 8 và 5,1% so với cùng kỳ năm trước.
Dịch bệnh, thương mại điện tử và lạm phát đã thay đổi Black Friday. Ảnh: WSJ.
PCE đo lường sự thay đổi của giá cả hàng hóa và dịch vụ trong chi phí sinh hoạt của các hộ gia đình, thay vì doanh nghiệp hoặc những thành phần kinh tế khác. Fed được cho là yêu thích thước đo này hơn CPI của Cục Thống kê Lao động Mỹ.
Theo một báo cáo được công bố hôm 11/11, ngày càng nhiều người Mỹ tin rằng lạm phát sẽ đi lên trong cả ngắn và dài hạn, đè nặng lên niềm tin tiêu dùng.
Để hạ nhiệt lạm phát, kể từ đầu năm đến nay, Fed đã tăng lãi suất tổng cộng 3,75 điểm phần trăm, đưa lãi suất quỹ liên bang lên 3,75-4%, mức cao nhất kể từ tháng 1/2008. Trong cuộc họp chính sách tháng 6, tháng 7, tháng 9 và tháng 11, cơ quan này đều tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm.
Lãi suất quỹ liên bang - do Fed ấn định - là lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng Mỹ. Tuy nhiên, các động thái của Fed sẽ tác động tới người tiêu dùng thông qua lãi suất thẻ tín dụng, vay mua xe và mua nhà.